04:08 30/04/2016

Trường Sa, những hy sinh thầm lặng

Đã 26 năm trôi qua kể từ trận bão năm ấy nhưng trong ký ức của vị Trung tá này, trận cuồng phong vẫn mới như vừa ngày hôm qua. Ông Bổng cho biết cơn bão với sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông chiều ngày 4/12/1990. Sóng lớn trùm lên, nhà giàn bị nghiêng và lắc dữ dội song các anh em vẫn kiên cường bám trụ.

Phút mặc niệm trên thềm lục địa phía Nam

Lễ tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc được tiến hành trang nghiêm trên boong tàu HQ 571 trong ánh sáng tinh mơ của ngày đầu tháng 4. Giữa mênh mông mây nước biển khơi, ca khúc Hồn tử sĩ trầm hùng vang lên cùng khói hương nghi ngút. Giữa những nhịp lắc của sóng biển vỗ thân tàu, tất cả chúng tôi, gần 200 con người có mặt tại đây đều không thể cầm được nước mắt.

Ảnh: Việt Hoàng

Đó là thời khắc không thể nào quên trong hành trình 10 ngày chúng tôi cùng đoàn công tác của Bộ Quốc phòng, do Trung tướng Nguyễn Phương Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân Việt Nam dẫn đầu, tới thăm và kiểm tra quần đảo Trường Sa. Chúng tôi đã qua hơn mười điểm đảo, đảo nổi có, đảo chìm có nhưng hôm nay mới được tận mắt nhìn thấy nhà giàn. Chỉ từ trên boong tàu nhìn, đã hiểu tại sao các chiến sĩ ta trên đảo luôn nói rằng những vất vả của họ nơi đây vẫn chưa thể so với anh em trên nhà giàn.

Nếu ai đã từng đến Trường Sa chắc chắn sẽ đồng ý rằng có quá nhiều cảm xúc và khó có thể diễn tả hết bằng lời. Đó là cảm xúc khi nhìn thấy lá cờ Tổ quốc đỏ thắm tung bay trên nền trời xanh thẳm nơi đảo Trường Sa lớn; đó là sự trân trọng, yêu thương, là ước muốn sẻ chia dành cho những người chiến sĩ đang canh giữ biển đảo địa đầu Tổ quốc; Đó là những giọt nước mắt không thể kìm giữ khi chia tay các chiến sĩ nhà giàn… và trên hết đó là niềm tự hào và ý thức trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo quê hương.

Trong 27 năm qua, kể từ ngày Nhà nước ta thành lập Cụm kinh tế Khoa học - Dịch vụ trên thềm lục địa phía Nam (5/7/1989), chúng ta đã xây dựng được 15 nhà giàn thuộc khu vực DKI. Cũng từ đó đến nay, biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân chủng Hải quân, trực tiếp là Tiểu đoàn DKI - Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân đã gác lại những tình cảm riêng tư để có mặt, làm nhiệm vụ trên các nhà giàn muôn vàn gian khổ và khắc nghiệt, bảo vệ chủ quyền của đất nước.

Các chiến sĩ nhà giàn phải đối phó thường xuyên với nhiều mối nguy hiểm, đặc biệt là bão gió giữa đại dương. Những trận cuồng phong năm 1990, 1996, 1998 và năm 2000 đã làm đổ một số nhà giàn, cướp đi sinh mạng của các cán bộ chiến sĩ ta. Trong thời khắc cam go giữa sự sống và cái chết, các cán bộ, chiến sĩ ta đã tỏ rõ tấm lòng trung kiên, tình đồng đội, đồng chí, sẵn sàng hy sinh thân mình, nhường nốt giọt nước, miếng lương khô cuối cùng cho đồng đội và thanh thản đi vào cõi vĩnh hằng.

Gặp người chiến sĩ 26 năm bám biển

Tại nhà giàn DK1/9, chúng tôi đã gặp Trạm trưởng, Trung tá Bùi Xuân Bổng (quê quán xã Ứng Hòa, Hà Tây), người đã may mắn sống sót trong vụ sập nhà giàn DK1/3 tháng 12/1990. Đã 26 năm trôi qua kể từ trận bão năm ấy nhưng trong ký ức của vị Trung tá này, trận cuồng phong vẫn mới như vừa ngày hôm qua. Ông Bổng cho biết cơn bão với sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông chiều ngày 4/12/1990. Sóng lớn trùm lên, nhà giàn bị nghiêng và lắc dữ dội song các anh em vẫn kiên cường bám trụ. Nhưng rồi sức người có hạn, nhà giàn đổ, cuốn trôi toàn bộ 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển. Trôi nổi một ngày, một đêm trên biển, lực lượng cứu hộ cuối cùng chỉ cứu được 5 người, 3 đồng đội của ông đã mãi mãi nằm lại giữa lòng biển khơi.

Không ai đặt câu hỏi tại sao 26 năm kể từ đó, ông vẫn bám trụ tại các nhà giàn nhưng tất cả chúng tôi đều hiểu rằng những người như ông không nỡ rời đi. Trong sự kìm nén của cảm xúc, tôi thấy khóe mắt của người trung úy năm xưa rưng rưng khi nói rằng họ đã nỗ lực tìm kiếm các đồng đội nhưng vô vọng và đây mãi mãi là nỗi đau, là mất mát lớn mỗi khi nghĩ đến anh em, đến thân nhân của họ.

Nhìn những bông cúc vàng được thả xuống biển để tưởng nhớ các đồng đội đã khuất chúng tôi tin chắc rằng dù các anh đã yên nghỉ song đồng đội của các anh và cả những thế hệ sau không bao giờ quên những hy sinh thầm lặng mà lớn lao này. Các anh ngã xuống để lại trong lòng lớp lớp những người dân Việt yêu Tổ quốc niềm tự hào và truyền cho thế hệ sau dũng khí cùng hào khí của đất Việt linh thiêng.

Những người gác hải đăng

Sẽ là thiếu sót nếu trong bài viết này không đề cập đến những người gác hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Trong hành trình lần này, chúng tôi đã may mắn đến được 3 trên tổng số 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa. Đó là các trạm Trường Sa lớn, hải đăng Đa Lát và hải đăng An Bang.

Cả 9 ngọn hải đăng trên quần đảo Trường Sa hiện do Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam quản lý. Những ngọn hải đăng không chỉ làm nhiệm vụ định hướng, dẫn luồng cho việc lưu thông hàng hải mà còn là những cột mốc chủ quyền của Tổ quốc ta trên Biển Đông.

Tôi đã có một cuộc trò chuyện khá dài với anh Trịnh Văn Nguyên, Trạm trưởng Trạm Hải đăng Đa Lát. Trạm nằm cách nơi đóng quân của chiến sĩ ta trên đảo chìm Đa Lát khoảng 300m nhưng khi chúng tôi lên đảo thì thấy các anh em nhà đèn đã có mặt hỗ trợ đón tiếp đoàn công tác. Anh Nguyên cho biết anh ra đảo năm 26 tuổi và đến giờ đã ở Trường Sa 20 năm. Trong suốt thời gian này, anh đã luân chuyển giữa các trạm đèn trên quần đảo Trường Sa. Anh cũng có nhiều cơ hội để vào công tác trong đất liền nhưng không hiểu sao vẫn cứ nấn ná ở đây. Anh Nguyên nói rằng họ không phải là những người lính nhưng đều cảm thấy rằng mình đang làm một công việc có ý nghĩa tại nơi đầu sóng ngọn gió này. Có lẽ chính vì vậy mà đa số những người đã ra đảo công tác rồi đều ở lại lâu không về. Anh Nguyên cho biết chỉ khi đứng trên những bãi san hô chìm giữa biển sóng mênh mông mới có thể cảm nhận hết sự thiêng liêng của hai chữ “chủ quyền”. Nghe thì to tát thế nhưng hàng ngày họ quan niệm làm sao để thiết bị vận hành tốt, dẫn hướng an toàn cho tàu bè, giúp được ngư dân trên biển là cảm thấy vui rồi.

Cùng chung suy nghĩ như anh Nguyên, Trạm trưởng Hải đăng An Bang - Đoàn Ngọc Tấn (sinh năm 1962) cho biết năm 1994 anh đã có mặt làm nhiệm vụ tại Trạm hải đăng Song Tử Tây. Anh cũng làm việc tại nhiều trạm hải đăng và giờ thì ở An Bang. Trạm Hải đăng An Bang xây dựng năm 1995, liền kề với khu vực đóng quân của các chiến sĩ trên đảo An Bang. Anh Tấn cho biết họ như những người mắc nợ biển, ra biển rồi không thể quay đầu lại. Anh Tấn cho biết các trạm hải đăng đều gần hoặc liền kề với chốt đóng quân của bộ đội nên họ cảm thấy yên tâm và ấm áp. Không ở đâu tình cảm quân dân thể hiện sâu sắc như tại nơi này. An Bang được ví như chiếc đồng hồ cát giữa biển, như chiếc thuyền thúng bị sóng vỗ bốn bề nên rất nguy hiểm. Hàng năm, tàu bè ra đảo rất khó khăn, nhiều khi tàu đến gần đảo rồi mà sóng lớn quá vẫn không thể cập xuồng vào đảo. Đây là vùng nước xoáy nên ngư dân cũng ít qua lại vì thế anh em chiến sĩ và nhà đèn luôn sát cánh, chia sẻ cho nhau cả vật chất lẫn tinh thần…
Khánh Vân