02:16 03/02/2012

Trường Sa mùa say sóng

“Các anh ở trong bờ với xe ga và chân dài. Ở đây thì chỉ có sóng và gió. Nhưng đây mới đúng là cuộc sống...” , đồng chí thuyền phó tàu Trường Sa 22 đã nói như vậy khi áp tải xuồng chuyển hàng lên đảo Thuyền Chài.

“Các anh ở trong bờ với xe ga và chân dài. Ở đây thì chỉ có sóng và gió. Nhưng đây mới đúng là cuộc sống...” , đồng chí thuyền phó tàu Trường Sa 22 đã nói như vậy khi áp tải xuồng chuyển hàng lên đảo Thuyền Chài.

Chỉ những ai đã ra Trường Sa mùa biển động mới thấm thía câu nói ấy. Sóng, rất nhiều sóng. Và gió thì cứ quần quật suốt ngày đêm. Đó không đơn thuần là một chuyến ra khơi, đó là một hành trình trong nội tâm mỗi người.

Mỗi dịp cuối năm, Hải quân Việt Nam lại có những chuyến tàu chở hàng Tết đến với huyện đảo Trường Sa. Bên cạnh giá trị vật chất, đây còn là một sự động viên tinh thần lớn lao đến với những chiến sĩ và nhân dân vùng đảo.


Bộ đội đảo An Bang đưa xuồng ra khơi.



Trong dịp này nhiều chiến sĩ cũng sẽ ra đảo, thay thế cho đồng đội về nghỉ phép. Đa phần trong số đó là tân binh, và chuyến đi này sẽ là kỉ niệm mà họ không thể quên trong đời.

Một đoàn công tác đặc biệt bao gồm các sĩ quan chuyên trách cũng đi ra kiểm tra các đảo.

Tàu Trường Sa 22 cùng 2 tàu khác rời cảng Cam Ranh chiều ngày 15/12/2011. Bầu trời xám xịt, cơn bão Washi vẫn còn luẩn quất phía ngoài biển.

Trên cầu tàu huyên náo tiếng cười nói. Từng đoàn lính hải quân vai mang nặng ba lô xếp hàng xuống tàu. Họ gọi nhau, cười đùa, trêu chọc. Gương mặt họ sạm đen nhưng nụ cười thì trắng bóng rạng rỡ.

Sau lễ xuất quân ngắn gọn, những chiếc tàu kéo hồi còi dài vang rền. Tiếng reo hò nổi lên. Từ trên boong tàu, những cậu lính trẻ gọi với sang nhau, chúc nhau may mắn.

Họ bắt đầu hát “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hi sinh...”, tiếng hát của những người lính sinh năm 1991, 1992 nghe đầy phấn khích. Nhiều anh chàng gần như hét lên. Đoàn tàu từ từ đi về phía cửa Vịnh rồi chạy về hướng Nam.

Sau 30 phút ra khơi, mọi việc đã thay đổi. Sóng vỗ nhiều hơn và tiếng cười nói ít đi. Cả con tàu nghiêng sang phải rồi nghiêng sang trái. Trong những buồng tàu, người ta phải giữ cho những chai nước, hộp bánh không chạy lung tung trên sàn.

Một cơn say tập thể đang lan ra khắp tàu. Những cậu lính trẻ dán lưng xuống võng. Hàng trăm con người cùng hưởng cái cảm giác “biêng biêng” trong đầu, cùng nôn nao và lặng im nghe tiếng sóng vỗ.

Trong không khí vẳng mùi dầu gió quyện với mùi hơi đốt. Dù động cơ của tàu có chạy ầm ầm đến rung cả tường vẫn có thể nghe rõ tiếng ai đó nôn ọe, rồi tiếng người khác cằn nhằn vì bị dây bẩn. Say sóng được cho là loại say khó chịu nhất. Hơn cả say xe, say máy bay và say rượu. Nhưng còn tồi tệ hơn với những ai phải chịu cơn say đến hàng tuần lễ trên vùng biển động dữ dội.

Tại đảo An Bang, có những thời điểm sóng đánh dạt lên tận tầng 3 của con tàu. Những khối nước khổng lồ xanh thẫm đáng sợ cứ vồng lên rồi hạ xuống. Con tàu lắc lư giống hệt một con lật đật. Giữa biển khơi, 1.000 tấn sắt thép cũng chỉ nhỏ bé như chiếc lá tre rơi lạc vào bể bơi Olympic đang giờ thi đấu. “Bây giờ mà có trực thăng cứu hộ thì mất bao nhiêu tiền anh cũng thuê để vào bờ”, Tống Ngọc Thanh, phóng viên của tờ Hà Nội Mới ao ước. Anh đã nằm bẹp trong hầu hết thời gian ở trên tàu. Hai con mắt anh lồi ra, má tóp lại. Anh hầu như không ăn, chỉ gượng dậy nhai nhệu nhạo mấy miếng cơm, uống ực hớp nước cho đỡ dính ruột rồi lại nằm xuống.

Anh và nhiều người khác phải học cách chống say sóng. Một số chọn cách dán cao hoặc uống thuốc. Ngay cả những sĩ quan hải quân lâu năm cũng phải dùng cách này. Họ vừa dán cao vừa lắc đầu lè lưỡi “Không đùa được đâu, mùa này sóng ác lắm”. Nhiều người khác thì không tin vào hiệu quả của thuốc. Họ chọn cách nằm xấp.

Ngay cả khi ăn, họ cũng nằm. Nếu cảm thấy bất tiện, họ có thể vùng ngồi dậy, ăn vài miếng rồi lại nằm xuống. Đợi thức ăn đã xuống dạ dày, họ lại vùng dậy... Thậm chí, một số người nhịn bớt ăn uống để hạn chế đi vệ sinh. Mỗi lần đứng dậy là họ lại thêm phần choáng váng nôn nao.

Ăn uống đã khó, đi vệ sinh cũng cần những kĩ năng đặc biệt. Làm sao để ngồi xí xổm được trong điều kiện sóng gió cấp 8? Câu trả lời là bạn phải biết xuống tấn, có khả năng thăng bằng tốt, rất linh hoạt với những con sóng bất thình lình. Bạn phải có một cánh tay khỏe để bám chặt vào tay cầm nếu tàu rung lắc mạnh. Nếu không bạn có thể ngã chúi mặt hoặc ngã ngửa ra sau. Nếu bạn không đủ sức khỏe, hãy đợi khi tàu đi vào vùng biển lặng, hoặc... cố nhịn cho tới khi vào bờ. Trên tàu cũng có xí bệt, nhưng hiếm khi chúng rảnh.


Đoàn nhà báo chụp ảnh cùng bộ đội đảo Trường Sa Lớn.


Dù muốn hay không, đa phần thời gian của mọi người trên tàu là nằm. Say sóng phải nằm, nhưng không say cũng phải nằm. Cơm tối được dọn ra lúc 6 giờ chiều. Xong bữa cơm dù có tán gẫu đến cạn cả vốn liếng cũng chỉ mới 8 giờ. Hầu hết mọi người đi ngủ, đợi đến bình minh.

Thời gian nằm lâu sẽ khiến cho phần lưng người nằm bị ê ẩm. Nhiều người đã ước ao được đi tẩm quất, xoa bóp y học.

Say sóng chưa phải là thử thách lớn nhất của chuyến đi. Muốn đưa người và hàng hóa vào đảo, người ta phải sử dụng xuồng chuyển tải. Những cú đập của sóng lớn xô chiếc xuồng nặng hàng tấn đập rầm rầm vào mạn tàu.

Người có nhiệm vụ theo thang dây leo xuống, đợi khi chiếc xuồng nhô lên cao nhất thì bước mạnh qua. Nếu bước hụt, chân người đó có thể bị đè nghiến vào mạn tàu.

Trên boong tàu oang oang tiếng của các thủy thủ. Giữa sóng gió cách làm việc hiệu quả nhất đôi khi lại là hét vào mặt nhau. Hàng trăm con mắt dõi theo bước chân của người xuống xuồng. Họ liên tục nhắc nhau cẩn thận tay và chân. “Nói chung là chẳng làm sao đâu, nhưng chảy máu, gẫy xương thì nhiều rồi”, một lính thủy lâu năm cười nói.

Nhưng cũng thật thú vị với những ai không bị say hoặc đã hết say. Bạn sẽ ngủ ngon hơn nếu có những cơn sóng nhẹ đu đưa thân tàu, như một bàn tay vô hình đu chiếc nôi khổng lồ.

Đi lại trên tàu cũng là một cách giết thời gian. Hãy tìm gặp những tay lính đảo lão luyện và trò chuyện. Họ luôn có một kho chuyện kì lạ về các hòn đảo. Từ chuyện chế súng săn cá đến chuyện học bơi cạn. Mỗi lần di chuyển từ tầng này sang tầng khác của con tàu, bạn sẽ phải chui, bò, treo, đánh đu... qua một rừng tăng võng của bộ đội mắc la liệt khắp lối đi. Ít ở đâu gặp được cảnh hai người chào nhau, cười nói, bắt tay trong lúc bò hoặc trèo như trên những chuyến tàu này. Nếu bạn sảy chân, lập tức sẽ có 5,6 cánh tay thò ra níu bạn lại. Thậm chí, đừng ngạc nhiên nếu đang bò lổn nhổn dưới sàn, từ phía trên ai đó chìa xuống một múi bưởi mời bạn. Sau 1 hoặc 2 tuần trên biển, một múi bưởi ngọt sẽ là món quà bất ngờ mà bạn không thể từ chối.

Ở trên tàu, thú tiêu khiển hay nhất là câu cá. Lính thủy không sử dụng cần câu. họ dùng những chiếc ống nhựa quấn cước xung quanh. Thế nhưng họ thường xuyên câu được những con cá nặng hàng chục kg. Trong chuyến đi, cánh lính thủy đã hai lần câu được cá mập. Mỗi con nặng khoảng 40 kg và phải dùng móc câu để lôi lên. Tuy nhiên nhà bếp thường không thích cá mập, thịt của chúng nhạt và tanh.

Đứng đầu bảng là cá mú lớn. Thịt chúng thơm, ngọt và hơi dai. Trong một lần quăng câu, sĩ quan điện đài của tàu đã lôi lên một chú cá mú nặng 35 kg. Đại tiệc được dọn ra ngay bữa tối hôm đó. Những nồi lẩu nóng hổi, ngọt lừ vị xương cá và thơm đến điếc mũi được dọn ra. Thế nhưng đa phần thực khách, vốn lần đầu đi biển, không thể dự trọn bữa. Họ đã đầu hàng cơn say sóng cho dù những món ăn phía trước mời gọi đến chảy nước miếng. Tuy vậy, với số ít người vượt qua được thử thách, đó sẽ là bữa ăn không thể nào quên. Một nồi lẩu ấm áp, chén rượu thơm, những cái bắt tay nồng nhiệt của thủy thủ đoàn... bất chấp bên ngoài sóng gió cấp 8 xô tàu nghiêng ngả.

 

"Chiến lợi phẩm" là con cá mú nặng 35 kg.


Chiều 31/12, đoàn công tác có mặt ở điểm đảo Thuyền Chài B. Chuyến đi mới hoàn thành một nửa. Công việc còn ngổn ngang và mọi người đều mệt nhoài vì say sóng. Con tàu đã đi qua một cơn bão và một vùng áp thấp. Đài dự báo vẫn còn áp thấp đang đợi họ và thời tiết thì nắng mưa thất thường không thể lường trước.


Tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn.


Trên đảo, gần 50 người cả chủ và khách ngồi quây quần bên bữa cơm tất niên. Hai đặc sản Trường Sa là cá bò giáp sắt và ốc nhảy được đem ra chiêu đãi mọi người. Khi những chén rượu tiếp khách được nâng lên, cũng là lúc mọi người nhận ra một vùng trời phía tây rực lên một màu hồng kì diệu. Một màu hồng mà rất ít khi xuất hiện trong đất liền. Máy ảnh được lôi khỏi bao bảo quản đặc biệt, đèn flash nháy liên hồi sau đó.

Ở Trường Sa, nơi sóng và gió đầy bất trắc, nơi người ta thường xuyên phải đưa ra những quyết định nghiêm túc... bạn phải học cách cảm nhận những gì tốt đẹp nhất.

Bài và ảnh: Phong Anh