09:15 29/09/2018

Trường nghề trăm tỷ đồng ở Nghệ An có nguy cơ bị bỏ hoang do thiếu vốn

Mặc dù các hạng mục cơ bản đã được xây dựng xong nhưng dự án công trình Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cơ sở 2 tại xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) có nguy cơ bị bỏ hoang do thiếu vốn.

Trong khi đó, nhu cầu học tập của học sinh là rất lớn, khi cơ sở 1 tại thị trấn Cầu Giát (Quỳnh Lưu) đang quá tải.

Chú thích ảnh
Dự án này có mục tiêu thu hút, đào tạo lao động có tay nghề phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

Dự án có tổng vốn đầu tư cả 3 giai đoạn hơn 100 tỉ đồng, do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An làm chủ đầu tư; được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tháng 10/2010 và khởi công xây dựng năm 2011. Các hạng mục chính gồm: Xây dựng mới 2 nhà học 4 tầng, 3 nhà xưởng thực hành, 3 khu ký túc xá, nhà làm việc, hệ thống nhà ươm giống thủy sản, thư viện, phòng truyền thống…

Dự án được thực hiện với mục tiêu là nơi học tập, đào tạo nghề cho hơn 2.000 học sinh khu vực Bắc Nghệ An như thị xã Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu, huyện Diễn Châu.

Năm 2010, vì lợi ích chung, xã Quỳnh Hoa đã giao gần 5 ha đất nông nghiệp để làm mặt bằng xây dựng dự án. Thế nhưng, dự án xây dựng trong 7 năm, hiện sắp hoàn thành phải dừng lại do thiếu vốn.

Phóng viên TTXVN đã có mặt tại dự án Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cơ sở 2 tại xã Quỳnh Hoa để tìm hiểu vấn đề. Ngôi trường nghề được xây dựng nằm giữa cánh đồng của xã. 5 dãy nhà khang trang, to đẹp gồm 3 dãy nhà học, 1 khu ký túc xá, 1 nhà làm việc và nhiều xưởng thực hành đã xây dựng xong nhưng bị bỏ hoang. Các phòng học được khóa cửa hoặc niêm phong. Khuôn viên phía trong ngôi trường cỏ dại mọc um tùm, ngổn ngang vật liệu xây dựng, cát. Nhiều hộ dân chăn thả trâu, bò trong khuôn viên trường.

Tình trạng xuống cấp do không được sử dụng đã xuất hiện như gạch ốp nền bong tróc, cửa kính nhiều chỗ bị vỡ, nhiều vết nứt dọc tường… Hệ thống điện, nước, phòng cháy chữa cháy chưa lắp đặt xong. Cả ngôi trường rộng chỉ có một bảo vệ canh giữ.

Ông Lê Minh Bào, bảo vệ thuộc Công ty TNHH Minh Quang (đơn vị thi công dự án công trình Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cơ sở 2 tại xã Quỳnh Hoa) cho biết, do công trình chưa xong nên không thể bàn giao và Công ty phải cử người ở đây canh giữ phòng trộm cắp tài sản, cơ sở vật chất của trường.

Theo nhiều người dân địa phương, dự án đã dừng thi công gần một năm nay. Nhìn công trình trăm tỷ phơi nắng, phơi sương giữa cánh đồng, không được đưa vào sử dụng khiến nhiều người xót xa. Trong khi đó, những năm gần đây, nhu cầu học nghề của người lao động ở khu vực phía Bắc tỉnh Nghệ An tăng cao. Năm 2018, cơ sở 1 của Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An đóng tại thị trấn Cầu Giát tuyển sinh hơn 300 em. Hàng năm, chỉ tiêu tuyển sinh đều tăng nên cơ sở vật chất hiện tại của trường không để đáp ứng được nhu cầu giảng dạy và học tập.

Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch xã Quỳnh Hoa cho biết, trường nghề nằm trên địa bàn xã mà không được đưa vào sử dụng, rất lãng phí. Địa phương mong các ngành, các cấp đầu tư thêm vốn để ngôi trường hoàn thành và đi vào hoạt động.

Trước tình trạng thiếu vốn không thể hoàn thành dự án, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An đã có tờ trình số 191 TTr-TrTCBNA ngày 14/9/2018 “Về việc xin bố trí nguồn vốn trung hạn dự phòng 2016-2020 để đầu tư xây dựng dự án trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An (giai đoạn 2)” gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội để tiếp tục xây dựng các hạng mục thiết yếu đưa dự án vào sử dụng.

Ông Chu Minh Lợi, Phó Hiệu trưởng trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An cho biết: Do nguồn vốn không có nên nhà thầu đã dừng thi công. Rất mong lãnh đạo tỉnh Nghệ An, các ngành, các cấp quan tâm cấp vốn xây dựng, để đến cuối năm 2018, cơ sở 2 của trường có thể đi vào hoạt động.

Tỉnh Nghệ An cần sớm quan tâm chỉ đạo các các cơ quan chức năng vào cuộc, có giải pháp khắc phục để sớm hoàn thành dự án, tránh lãng phí về cơ sở vật chất do công trình xuống cấp không được sử dụng, cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong việc thu hút, đào tạo lao động có tay nghề, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của khu vực phía Bắc tỉnh Nghệ An.

Nguyễn Oanh (TTXVN)