02:12 07/02/2021

Trường học vùng khó khăn sáng tạo các hoạt động trải nghiệm

Một trong những điểm nhấn của chương trình giáo dục phổ thông mới là giáo dục học sinh thông qua các hoạt động trải nghiệm. Sớm nắm bắt xu hướng, đồng thời cải thiện bữa ăn bán trú, thầy và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp (Văn Yên, Yên Bái) có những bước đi đầy sáng tạo và thiết thực.

Trồng rau, nuôi bò cải thiện cuộc sống      

Chúng tôi đến trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp khi cô và trò đang trong giờ học. Phía đối diện trường là một vườn rau xanh mướt. Nào là bắp cải, xu hào, xúp lơ, xà lách… đều đang đến độ thu hoạch. Những tưởng đây là vườn rau của người dân nhưng thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Vườn rau này do thầy cô và học sinh nhà trường chăm sóc. Đây là một trong những nguồn thực phẩm hàng ngày trong bữa ăn bán trú của trường”.      

Em Sùng Thị Xoá (học sinh lớp 5A) cho biết: “Lúc đầu em chưa biết trồng rau. Vì bố mẹ lên nương lấy rau rừng. Nhưng từ khi đi học ở trường Tiểu học Lang Thíp, em về nhà biết trồng nhiều loại rau, nhanh cho thu hoạch. Gia đình thấy thế cũng làm theo". 

Mô hình trồng rau của nhà trường bắt đầu từ yêu cầu tổ chức hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chú thích ảnh
Học sinh trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp (Văn Yên, Yên Bái) thu hoạch rau. 

Thầy Đinh Tiến Dũng cho biết: “Ban đầu khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm với học sinh vùng khó khăn là một vấn đề nan giải, kể cả với cán bộ quản lý. Được sự tư vấn kịp thời của phòng GD&ĐT, mô hình “Nhà trường - Vườn rau” ra đời. Nhà trường mua lại 3 sào đất đối diện trường và khuyến khích thầy cô hướng dẫn học sinh trồng rau. Mục tiêu chính là triển khai hoạt động trải nghiệm. Khi có năng suất tốt thì thành phẩm của thầy cô và các em đã trở thành thực phẩm để cải thiện bữa ăn bán trú của học sinh".    

Được biết, từ mô hình “Nhà trường - Vườn rau”, Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp còn “đầu tư” bò để học sinh thay phiên nhau chăn thả những lúc rảnh rỗi. Khi bò đẻ, số tiền bán con bê con được nhà trường mua các đồ dùng thiết yếu cho các em ở bán trú.    

Ông Lưu Quang Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Yên, (Yên Bái) cho biết: “Chúng tôi đã có những “quả ngọt” từ mô hình “Nhà trường - Vườn rau”. Học sinh được học cách ủ phân vi sinh, chăm sóc vườn rau để có năng suất nhanh và đảm bảo an toàn. Khi trở về nhà, các em lại hướng dẫn lại người thân cách trồng rau. Bây giờ, ở bất cứ thôn bản nào của huyện Văn Yên đều thấy đồng bào dân tộc trồng rau trên thửa đất cạnh nhà, thay vì đi lấy rau rừng như trước đây”.

Học sinh thích đi học  

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Lang Thíp, huyện Văn Yên (Yên Bái) cách trung tâm thị trấn Mậu A (khu vực phát triển nhất huyện Văn Yên) khoảng 1,5 giờ ô tô. Chúng tôi đi qua những khúc cua gấp, dốc đứng với con đường đầy ổ trâu, ổ gà mới thấy sự vất vả của thầy và trò các trường học nơi đây.

Thầy Đinh Tiến Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có tới 69,5% học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Nhà các em cách trường trung bình 15 - 20km. Do điều kiện địa hình khó khăn, nhiều em muốn về được nhà mình phải đi vòng qua địa phận của tỉnh Lào Cai. Học sinh ở điểm trường lẻ có tỷ lệ đi học chuyên cần rất thấp. Đây là bài toán khó của ngành giáo dục Yên Bái”.    

Tuy nhiên, theo ông Lưu Quang Lợi, Trưởng phòng GD&ĐT Văn Yên (Yên Bái), sau 4 năm triển khai Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh, 100% học sinh được ra lớp. Chất lượng giáo dục nâng lên rất nhiều. Các em thích tham gia vào các hoạt động trải nghiệm thiết thực của các nhà trường.   

“Sau thời gian thực hiện, học sinh được ăn ngon, chăm sóc đầy đủ, khi trở về nhà hàng tuần, hàng tháng, có nhiều tiến bộ hơn", thầy Đinh Tiến Dũng cho biết.      

Cô Đào Thị Mận, giáo viên nhà trường cho biết: “Vườn rau cũng chính là ví dụ trong hoạt động trải nghiệm của học sinh lớp 1. Các em hào hứng tham gia vào hoạt động này. Có thời điểm sản lượng rau cao, nhà trường bán cho người dân. Số tiền đó được chuyển mua cá, thịt để tăng chất lượng bữa ăn. Cuộc sống bán trú của các em chính là ví dụ sinh động và là chất liệu hay để chúng tôi giảng bài”. 

Bài và ảnh: Lê Vân/Báo Tin tức