07:07 28/07/2014

Trường học sinh miền Nam trên đất Bắc-Kỳ 3: Giáo viên gần gũi như cha mẹ

Có thể nói, sự trưởng thành của những học sinh miền Nam trên đất Bắc ngày nay không thể không nhắc tới sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của những người thầy cô giáo... Một trong những người thầy có ảnh hưởng lớn tới các em học sinh, được các em coi như cha, mẹ khi ấy là thầy giáo Nguyễn Việt Bắc.

Có thể nói, sự trưởng thành của những học sinh miền Nam trên đất Bắc ngày nay không thể không nhắc tới sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình của những người thầy cô giáo năm xưa. Một trong những người thầy có ảnh hưởng lớn tới các em học sinh, được các em coi như cha, mẹ khi ấy là thầy giáo Nguyễn Việt Bắc.


Sau khi tốt nghiệp khoa Toán tại một trường Đại học ở Hà Nội, thầy Nguyễn Việt Bắc được Bộ Giáo dục phân công về công tác tại Trường học sinh miền Nam (HSMN) Đông Triều (Quảng Ninh) năm 1971. Thầy Nguyễn Việt Bắc chia sẻ: “Dù trước đó, nhiều người có phản ánh, trường HSMN “quậy” lắm, nhưng tôi vẫn quyết định đi vì khao khát được cống hiến và muốn dành nhiều tình yêu thương cho những em học sinh đặc biệt này”.


Mỗi khi nhắc tới những từ "học sinh miền Nam" thầy Việt Bắc lại như được trở về thời đẹp nhất của cuộc đời.Ảnh: hoàng tuyết




Theo thầy Bắc, hệ thống trường HSMN được thành lập vốn dành cho con em cán bộ, chiến sỹ ở chiến trường miền Nam tập kết ra Bắc để sau này trở lại miền Nam xây dựng đất nước, nên các em rất thiếu thốn tình cảm gia đình. Do đó, mỗi giáo viên trong trường đều xác định, ngoài công tác giảng dạy còn phải có trách nhiệm chăm sóc, quan tâm đến các học sinh như những người thân trong gia đình.

“Lúc đó, tôi mới 21 tuổi, vừa mới ra trường, cũng chưa lập gia đình nên còn nhiều bỡ ngỡ với mô hình giáo dục đặc biệt của trường HSMN. Nhưng quá trình giảng dạy, gần gũi với các em học sinh đã tạo cho tôi cảm giác mình đã trở thành một thành viên trong một gia đình lớn; còn các em cũng coi chúng tôi như cha, mẹ, người thân trong gia đình”, thầy Bắc cho biết.

Ngày ấy, vào mỗi buổi chiều tối, sau khi kết thúc thời gian học tập trên lớp, như các giáo viên chủ nhiệm khác của trường HSMN Đông Triều, thầy Bắc thường tới các khu lưu trú học sinh để trò chuyện, tâm sự với các em học sinh về việc học tập, chuyện gia đình cũng như những khúc mắc có thể nảy sinh trong cuộc sống hàng ngày. Mỗi khi các em bị “trái gió trở trời” thì các thầy, cô giáo chủ nhiệm như thầy Bắc cũng là người đầu tiên cận kề, chăm sóc. Nhờ vậy. tình cảm giữa thầy giáo và HSMN ngày càng thêm gắn bó, hiệu quả công tác dạy và học nhờ vậy cũng được nâng cao.

Nhớ lại thời gian đầu mới về trường, thầy Nguyễn Việt Bắc kể lại: “Khi đó, tôi được phân công chủ nhiệm lớp chuyên Toán, các em học sinh ở đây rất giỏi và ngoan. Để học sinh của mình có thêm môi trường rèn luyện môn Toán, tôi thường khuyên các em gửi bài giải toán cho báo Toán học tuổi trẻ. Trong lớp, người dẫn đầu nhóm giải toán và thường giải thành công các bài toán của tờ báo này là em Lê Thế Hùng. Sau ngày 30/4/1975, Hùng được cử đi học tại trường Đại học Lômônôxốp của Nga; khi về nước em đã cùng một số thành viên khác sáng lập ra tập đoàn FPT. Tôi thật tự hào về cậu học sinh nhỏ giỏi toán ngày nào giờ đã trưởng thành. Và rất vui là không chỉ riêng có Hùng, hầu hết các em lớp chuyên toán năm xưa sau này đều thành đạt, đảm nhiệm nhiều trọng trách cao trong cương vị công tác”.

Hồi ấy, HSMN được dạy dỗ trong môi trường giáo dục toàn diện và các em học sinh cũng có ý thức rõ việc học để làm gì sau này.“Giáo dục cần nhất những người muốn học và học hay. Điều đó có thể thấy rõ tại trường HSMN, bởi các em luôn khao khát được học tập, mở mang kiến thức. Qua trao đổi, chúng tôi nhận thấy, các em đều có chung suy nghĩ: “Đã phải xa gia đình đến vậy thì cần phải học để trở thành người có ích và làm được việc gì đó hữu ích cho quê nhà”, thầy Bắc chia sẻ.

Theo thầy Bắc, cũng nhờ có những học sinh luôn khát khao học tập nên các thầy cô cũng thấy có thêm động lực để hết lòng truyền thụ kiến thức cho các em. Những giờ lên lớp hay những giờ sinh hoạt ngoại khóa, các thầy cô luôn sẵn sàng giải đáp những câu hỏi về kiến thức cũng như những câu hỏi về cuộc sống mà các học sinh thắc mắc như: Thế nào là người xấu, người tốt, ngoài Bắc giỗ chạp ra sao...

Chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức, nhiều HSMN của trường HSMN Đông Triều năm ấy đều cho biết, những bài học của những thầy cô giáo như thầy Việt Bắc không chỉ trang bị cho HSMN những kiến thức quan trọng mà còn giúp họ hiểu hơn về những giá trị văn hóa của người miền Bắc, đặc biệt là tình yêu Tổ quốc, tình yêu đồng bào… Ông Nguyễn Mười, một cựu học sinh trường HSMN Đông Triều, tâm sự: “Nhờ những bài giảng của các thầy cô về cuộc sống, về con người, phong tục tập quán của người Bắc… chúng tôi đã hiểu biết hơn những giá trị văn hóa tinh thần của miền Bắc và cảm nhận được những tình cảm sâu sắc mà người dân nơi đây dành cho HSMN. Đặc biệt, những tình cảm thân thương của các thầy cô đã giúp chúng tôi có thêm động lực để học tập, phấn đấu vươn lên và trưởng thành như ngày hôm nay”.


H. Tuyết - Đ. Phương


Kỳ 4: “Món nợ ân tình” của cựu học sinh miền Nam