10:15 10/10/2017

Trường cao đẳng nghề đầu tiên của người Công giáo ở Việt Nam

Không chỉ chú trọng tới chất lượng giảng dạy, Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc (huyện Trảng Bom, Đồng Nai) còn tập trung xây dựng, phát triển kỹ năng sống cho học sinh. Đây cũng là trường cao đẳng nghề đầu tiên của người Công giáo ở Việt Nam.

Tiền thân là Trường Trung cấp nghề Hòa Bình do Giáo phận Xuân Lộc thành lập, Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc bắt đầu đi vào hoạt động năm 2011. Sau 6 năm hoạt động, nhà trường đã tuyển và đào tạo được hơn 4.000 học sinh, trong đó hơn 1.000 học sinh đã ra trường, có việc làm.

Theo quyết định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc là trường tư thục, có nhiệm vụ đào tạo theo 3 cấp độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp; bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động theo yêu cầu của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và người lao động; nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, hợp tác, liên kết tổ chức đào tạo, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo quy định của pháp luật. Song song với việc học nghề, những học sinh học hết lớp 9 sẽ được bố trí học tiếp văn hóa vào các buổi chiều tối cho đến khi hết chương trình học.

Hiện trường tập trung đào tạo tất cả 9 ngành với 27 nghề thuộc hệ trung cấp và cao đẳng. Trong đó, thế mạnh đào tạo của trường là khoa công nghệ ô tô và khoa du lịch.

Sinh viên Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trong giờ thực hành kỹ thuật điện.

Đến nay, 100% học sinh của trường sau khi học xong đều có việc làm theo đúng ngành học và nguyện vọng ban đầu.

Linh mục Nguyễn Văn Uy, Trưởng ban Bác ái xã hội caritas Giáo phận Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường được thành lập với mục tiêu “Thăng tiến toàn diện con người”, nhằm đón nhận những học sinh học hết lớp 9 nhưng không thể vào lớp 10 và những em học hết lớp 12 không có điều kiện vào các trường đại học.

Do vậy, học sinh ở đây hầu hết là những em có hoàn cảnh khó khăn, không phân biệt người Công giáo hay người ngoại đạo đều có thể đăng ký học tập tại trường. Đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn như trẻ mồ côi, gia đình chính sách sẽ được miễn hoàn toàn học phí, chi phí ăn ở tại trường. Những học sinh còn lại được nhà trường hỗ trợ bằng cách học phí trong năm sẽ được chia ra đóng trong 2, 3 giai đoạn và được ở miễn phí trong khu ký túc xá của trường, nhằm giảm bớt chi phí để các em chuyên tâm học tập.

Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy tại trường, hầu hết là các linh mục, tu sĩ nam, nữ tham gia theo từng chuyên ngành và có đầy đủ trình độ theo đúng yêu cầu trong lĩnh vực đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, nhà trường cũng mời các giáo viên ở Đồng Nai và Thành phố Hồ Chí Minh đến tham gia giảng dạy.

Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc thu hút đông đảo học sinh trong tỉnh đến học nghề.

Theo Linh mục Nguyễn Văn Uy, để đảm bảo cho các em học tập hiệu quả, có cơ hội ứng dụng vào thực tiễn, nhà trường đã liên kết với một số doanh nghiệp lớn trong tỉnh tạo điều kiện cho học sinh ngoài giờ học lý thuyết được vào thực hành ngay trong phân xưởng của các công ty. Ngoài ra, nhà trường đã, đang liên kết với Học viện Taiken (Nhật Bản) trong việc cử học sinh đi học và làm việc tại Nhật Bản. Hiện có gần 80 học sinh của trường đang theo học tại Học viện Taiken.

Em Trần Văn Hùng, học viên Khoa Công nghệ ô tô Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc cho biết, thường các em được thầy cô dạy lý thuyết trong trường, nhưng sau mỗi phần lý thuyết sẽ được đưa vào phân xưởng sửa chữa và chế tạo ô tô để học hỏi và trực tiếp thực hành trên máy móc. Nhờ vậy, những anh chị khóa trước ra trường đều có tay nghề khá vững, đáp ứng yêu cầu công việc và nhận được phản hồi tốt từ các doanh nghiệp.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai, mô hình trường dạy nghề của người Công giáo là mô hình mới được áp dụng tại Việt Nam. Nhờ mô hình này, rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được học tập. Đồng Nai là địa phương có đông đồng bào Công giáo, do vậy rất thuận lợi trong việc tuyển sinh cũng như kêu gọi tài trợ từ những nhà hảo tâm là người Công giáo.

Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc được đánh giá là mô hình xã hội hóa rất tốt, nên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Đồng Nai khuyến khích, ủng hộ tối đa để phát triển và nhân rộng mô hình nhằm tận dụng, phát huy nguồn lực của đồng bào công giáo./.

Bài và ảnh: Lê Xuân (TTXVN)