10:17 19/10/2018

Trước thềm bầu cử giữa kỳ, Facebook lập ‘phòng chiến tranh’

Facebook vừa thiết lập một “phòng chiến tranh” trong trụ sở của công ty tại California để tránh lập lại sai sót của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 khi các thông tin sai lệch lan tràn mạng xã hội này. 

Căn phòng vừa đi vào hoạt động này được thiết kế như một trung tâm đầu não của Facebook trong cuộc chiến chống lại nạn thông tin sai lệch và thao túng mạng xã hội lớn nhất thế giới này để can thiệp vào các kỳ bầu cử ở Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào. 

Sáng 17/10 tại Menlo Park, các phóng viên đã được giới thiệu một căn phòng không hề có cửa sổ, cửa chính đóng kín với tấm bảng nhỏ đề chữ “Phòng chiến tranh” màu đỏ. Bên trong, khoảng 20 kỹ sư và chuyên gia dữ liệu đang làm việc hết công suất để rà soát các dấu hiệu khả nghi trong khi các màn hình kỹ thuật số hiển thị các thông tin thời gian thực trên nền tảng này. 

Chú thích ảnh
Khung cảnh làm việc bên trong "Phòng chiến tranh" của Facebook. Ảnh: Guardian

Facebook đã nằm trong sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, các nhà điều tra liên bang và truyền thông sau khi xuất hiện cáo buộc chính phủ Nga thao túng nền tảng này để nhắm vào người dân Mỹ năm 2016. 

Facebook cho biết công ty đã thuê hàng ngàn người kiểm duyệt mới, đầu tư vào trí tuệ nhân tạo, nhờ các cựu nhân viên tình báo Mỹ hỗ trợ cũng như áp dụng những quy tắc mới trong quảng bá chính trị - tất cả nỗ lực nhằm đối khắc phục cuộc khủng hoảng thông tin sai lệch. 

Ông Samidh Chakrabarti, Giám đốc phụ trách các vấn đề bầu cử và dân sự của Facebook, phát biểu với CNN rằng phòng chiến tranh "thực sự là đỉnh cao của hai năm đầu tư lớn cả về con người và công nghệ để đảm bảo rằng nền tảng của chúng tôi là an toàn và đảm bảo cho cuộc bầu cử”. 

Trong đa số trường hợp, các nhà kiểm duyệt và trưởng nhóm sẽ đưa ra các quyết định về có thể vi phạm chính sách của Facebook. Tuy nhiên, nếu một phát sinh một vấn đề, vấn đề sẽ được xem xét bởi Giám đốc Mark Zuckerberg và Phó Giám đốc Sheryl Sandberg.

Trong cuộc bầu cử tại Brazil mới đây, “Phòng chiến tranh” đã phát hiện và gỡ bỏ một thông tin giả mạo về việc hoãn bỏ phiếu vì biểu tình trước khi nó được lan truyền rộng rãi.

Hồi tháng 8, Facebook đã xóa bỏ 559 fanpage và 251 tài khoản chính trị, đều có nguồn gốc tại Mỹ, vì cho rằng họ vi phạm chính sách chống thông tin rác của Facebook. Theo người đứng đầu phụ trách hoạch định chính sách an ninh mạng của Facebook, Nathaniel Gleicher, và nhà quản lý sản phẩm Oscar Rodriguez, những page bị xóa không phải vì nội dung chính trị, mà do chúng vi phạm quy định của mạng xã hội do Facebook quy định.

Rất nhiều đối tượng đã sử dụng tài khoản giả mạo hoặc nhiều tài khoản cùng một lúc với các tên trùng nhau để đăng một lượng lớn bài viết nhằm tăng lượng tương tác cho website của họ. “Rất nhiều người áp dụng chiêu thức này để khiến nội dung của họ xuất hiện nhiều hơn trên Facebook hơn thực tế. Một số lại sử dụng quảng cáo, để khiến người dùng hiểu nhầm nghĩ rằng Facebook là một diễn đàn thảo luận về chính trị”.

Trung tâm phản hồi chính trị cho cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ, dự kiến sẽ diễn ra ngày 6/11 tới, sẽ có chi phí cao nhất từ trước tới nay. Số liệu của Ủy ban Bầu cử Liên bang cho thấy tổng số tiền quyên góp cho cuộc chạy đua vào Quốc hội Mỹ năm nay đạt 3,96 tỷ USD, cao hơn tổng số tiền 3,84 triệu USD cho cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2014. 

Xuân Chi/Báo Tin tức