07:10 27/07/2012

Trước mùa Vu Lan lại nói về tục đốt vàng mã

Xưa kia, ông cha ta ít quan tâm đến chất lượng đồ mã mà chỉ nặng về phần tâm linh nhằm gợi lên không gian thiêng để cho con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo đối với người đã khuất. Đó là văn hóa sinh tử và biểu hiện của văn hóa sinh tử chính là tang lễ...

Hằng năm, khi bước vào các mùa lễ hội, nhất là lễ vía Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc (Kiên Giang), Lễ Vu Lan (rằm tháng 7) …nhiều bà con đi hành hương, lễ bái thường đốt vàng mã để thể hiện tấm lòng thành kính đối với thánh thần, trời Phật và người đã mất. Tục lệ này ngày càng có dấu hiệu gia tăng, ngay cả người Việt ở Hải ngoại về thăm mồ mả ông bà.


Có thể nói chưa bao giờ tiền vàng bạc, kể cả tiền đô “giả” và đồ mã lại được bán nhiều như hiện nay. Nơi sản xuất nhiều và đa dạng nhất ở miền Nam có lẽ là Hóc Môn, Bình Chánh và quận 8 (TP Hồ Chí Minh) và những nơi tiêu thụ mạnh ở miền Nam hiện nay là núi Sam - Châu Đốc; núi Bà Đen - Tây Ninh và những nơi có nhiều chùa, miễu, am, cốc.


Tục đốt vàng mã có từ bao giờ?


Nhiều tài liệu ghi rằng, tục đốt vàng mã có từ đời nhà Hán bên Trung Quốc. Thời ấy, khi vua băng hà, triều thần đã bỏ tiền, vàng thật vào áo quan để dưới cửu tuyền các vong hồn không bị thiếu thốn. Sau đó các quan cũng bắt chước vua, dân lại bắt chước quan, dần dần tạo thành tục lệ chôn vàng, bạc, tiền thật theo người chết vì họ quan niệm rằng “Sự tử như sự sinh. Sự vong như sự tồn”.


Những gia đình nghèo khổ không có vàng bạc để gửi cho người quá cố nên họ mới nghĩ ra cách làm tiền, vàng, quần áo, giày dép giả để thay cho đồ thật. Đến đời vua Đường Huyền Tông (năm 738) mới có sắc dụ, cho phép dùng tiền giấy thay cho tiền thật trong việc cúng tế cầu siêu. Thế là việc dùng vàng mã đã bắt đầu phổ biến từ đấy và dần dần du nhập qua Việt Nam bằng con đường giao thương. Bởi thế tục ngữ mới có câu “Đi với ma mặc áo giấy”.

Cảnh mua bán nhang đèn và vàng mã tại núi Sam-Châu Đốc.


Trong chương nói về “ Những tế tự ở gia tộc”, học giả Đào Duy Anh có viết: Đời xưa người ta dùng toàn đồ thật để cúng. Về sau, quần áo và đồ dùng làm bằng giấy và đốt đi. Ngoài việc hóa vàng trong các ngày giỗ, ngày Tết, người ta còn cấp đồ ăn và đốt vàng mã cho các cô hồn trong ngày rằm tháng bảy, còn gọi là ngày vong nhân xá tội.


Trong cuốn Tín ngưỡng Việt Nam, tác giả Toan Ánh cũng đã nhắc đến tục hóa vàng (đốt vàng mã) và coi như một nghi thức trong ngày cúng tế ông bà không thể thiếu được. Như thế, tục đốt vàng mã và giấy tiền đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức con người từ đời này sang đời khác, thậm chí có người còn coi đó là một loại hình văn hóa – Văn hóa thờ cúng tổ tiên. Xuất phát từ thực tế đó, nhiều cơ sở sản xuất tiền giả và đồ giả đã không ngừng cải tiến và sáng tạo ra các mẫu mã tiền giấy, tiền vàng và các loại đồ mã đến mức độ tinh vi và kỹ xảo nhằm đáp ứng nhu cầu thị hiếu và mua sắm của nhiều người.


Đốt vàng mã trên núi Bà Đen - Tây Ninh.


Xưa kia, ông cha ta ít quan tâm đến chất lượng đồ mã mà chỉ nặng về phần tâm linh nhằm gợi lên không gian thiêng để cho con cháu bày tỏ lòng hiếu thảo đối với người đã khuất. Đó là văn hóa sinh tử và biểu hiện của văn hóa sinh tử chính là tang lễ, chẳng hạn như trên đường đưa vong linh đến nơi hạ huyệt con cháu phải rắc vàng bạc để người chết làm lộ phí cho ma quỉ.


Theo tục lệ từ ngàn xưa, ngày giỗ chạp, buổi lễ cầu siêu hay đi tảo mộ, nhất thiết phải có vàng bạc giấy tiền để đốt gửi cho người đã mất. Lúc hóa vàng, tất cả con cháu phải kính cẩn dùng ly rượu cúng tưới vào đống tro tàn vàng mã vừa mới đốt. Có vậy người dưới cõi âm mới nhận được tiền và đồ cúng. Đặt biệt là ngày giỗ ba năm phải đốt vàng mã thật nhiều vì trong các ngày giỗ trước, số vàng mã gửi xuống âm phủ được coi là “mã biếu” đã tặng hết cho các vị ác thần để được che chở. Ngoài việc đốt vàng mã, nhiều gia đình còn đốt cả hình nhân với niềm tin là những hình nhân đó sẽ biến thành những người hầu phục vụ cho thân nhân dưới suối vàng.


Thực trạng đốt vàng mã ở nước ta hiện nay


Hiện nay, hầu hết các tiệm tạp hóa, nhất là ở khu vực có nhiều chùa miễu đều bày bán đủ các loại vàng mã. Đó là những “đồ giả” tuyệt hảo do những bàn tay nghệ nhân chuyên nghiệp (thợ mã) làm ra. Nghề này trước kia chủ yếu do người Hoa làm và bỏ mối cho các cửa hàng bán lẻ. Nay thì địa phương nào cũng có cơ sở sản xuất, có những thợ giỏi luôn tạo ra nhiều mặt hàng cao cấp và mẫu mã hấp dẫn như xe hơi, xe máy, ti vi, tủ lạnh, điện thoại di động và cả máy tính xách tay... Vào những ngày lễ hội, dọc theo các nơi hành lễ đều có vô số người bán dạo các loại nhang đèn và hàng mã. Chỉ tính riêng ở núi Sam cũng có trên một trăm chùa miễu, am, cốc và đường lên núi Cấm cũng có nhiều chỗ thờ phụng, là những nơi các thân chủ của “núi rừng” tha hồ cúng lạy và đốt vàng mã.

Hiện tượng đốt vàng mã tại núi Sam - Châu Đốc vẫn diễn ra hàng ngày.


Tôi có dịp đến núi Sam nhiều lần, mỗi lần ghé qua miếu Bà hoặc chùa Tây An đều tận mắt chứng kiến cảnh đốt vàng mã, khói hương nghi ngút, trước sân lúc nào cũng có nhân viên phục vụ cho bá tánh đến cúng bái và đốt vàng mã. Phải nói rằng trong mấy năm gần đây, mẫu mã các loại hàng mã ngày càng đa dạng và phong phú. Ngoài quần áo, giày dép, tiền vàng, vật dụng thông thường còn có các loại sang trọng, hiện đại như máy móc, điện tử và cả giấy thông hành cho người về cõi âm.


Việc đốt vàng mã ở những nơi thờ phụng cũng diễn ra công khai nếu không muốn nói là quá đà vì họ quan niệm rằng “Trần sao âm vậy”, đốt càng nhiều càng hóa giải được lỗi lầm, tội lỗi và cung phụng đầy đủ cho người bên kia thế giới. Ngay cả những phật tử đi chùa, lên núi cũng đua nhau đốt vàng mã. Tuy nhiên, theo Hòa thượng Thích Thanh Từ, trong nhiều bài thuyết pháp đã nhắc nhở Phật tử nên từ bỏ việc đốt vàng mã, không nên biến Lễ Vu Lan báo hiếu thành ngày “mê tín dị đoan”. Trong chương trình “Pháp đàm vấn đáp”, Thích Lệ Thọ cũng đã giảng: “Chúng ta đang cầu siêu cho vong hồn người chết được vãng sanh cực lạc nhưng lại đốt vàng mã nhằm cung phụng cho họ cuộc sống đầy đủ như một thế giới trần tục. Điều đó thật hết sức mâu thuẫn”.


Sách xưa, sách cũ đã nói nhiều về tục hóa vàng trong các ngày giỗ, ngày cúng tế, lễ bái và coi đó là một lễ tục nhằm tạo ra mối giao cảm giữa người sống với người chết. Cổ nhân đốt vàng mã nhằm thể hiện tấm lòng thành kính và hiếu thảo đối với người đã khuất. Ngày nay cũng thế, đốt vàng mã vừa là một tập tục, vừa là một hành động tri ân và hướng về cội nguồn. Làm được điều đó, con cháu cảm thấy an lòng, tạo ra được nhiều cảm xúc dương tính và có thể biến niềm tin, niềm hy vọng thành năng lượng vật chất, giúp chúng ta có cuộc sống yên vui và hạnh phúc.


Song trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước, chúng ta không thể đồng tình với những ai đã lạm dụng việc đốt vàng mã và bày vẽ ra nhiều chiêu trò nhằm chạy theo những thị hiếu của một nhóm người nhiều tiền lắm của “ Đốt càng nhiều hàng mã để gửi vào ngân hàng địa phủ, người chết càng được hưởng vinh hoa phú quý”. Điều đó hoàn toàn xa lạ với tôn chỉ của những người theo đạo Phật, chính vì vậy mà một số tăng ni ở TP Hồ Chí Minh đã vận động Phật tử nên từ bỏ đốt vàng mã, dùng số tiền tiết kiệm đó vào việc ủng hộ các gia đình bị thiên tai bão lụt.


Hơn thế sự bầy vẽ tốn kém và phiền phức như hiện nay đã làm ảnh hưởng không ít đến không gian văn hóa lễ hội và tín ngưỡng mà ngay từ xa xưa ông cha ta cũng đã tỏ ý không hài lòng: “Khi sống thì chẳng cho ăn. Lúc chết bày cỗ giết trâu tế ruồi”. Thiết nghĩ, ngành Văn hóa - Thông tin phải thật sự vào cuộc và tiếp tục có những văn bản mới hướng dẫn về việc duy trì hoặc bãi bỏ những tập tục cổ truyền không còn phù họp với thời đại.


Điều đáng mừng là Chính phủ đã có Nghị định 75/2010/NĐ-CP về việc không cho đốt vàng mã nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử, văn hóa và các nơi công cộng khác, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1.000.000 đồng.



Bài và ảnh:Hoài Phương