12:20 24/12/2015

Trung tâm cai nghiện đìu hiu

Từ đầu năm 2015 đến nay, Trung tâm Cai nghiện ma túy và Chăm sóc đối tượng xã hội tỉnh Thái Bình mới chỉ thực hiện cai nghiện cho 8 đối tượng tự nguyện và không có đối tượng bắt buộc nào. Đây là con số rất nhỏ trong tổng số hơn 4.100 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý trên địa bàn tỉnh.

“Cửa đóng then cài”

Trung tâm Cai nghiện ma túy và Chăm sóc đối tượng xã hội (vốn có tên là Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội hay còn gọi là Trung tâm 05 - 06) thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình được thành lập từ năm 2002, nằm trên địa bàn xã Đông Lĩnh, huyện Đông Hưng, với diện tích 12 ha, có 49 cán bộ, nhân viên (gồm 44 viên chức và 5 hợp đồng); được xây dựng cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ trang thiết bị y tế phục vụ công tác cai nghiện, với tổng kinh phí đầu tư là 53 tỷ đồng. Tuy nhiên, trung tâm này đang rơi vào cảnh đìu hiu bởi không có học viên. Khu vực y tế từ buồng bệnh nhân đến phòng khám, phòng xét nghiệm HIV đều trong cảnh “cửa đóng then cài”.

Khu vực buồng bệnh nhân Trung tâm Cai nghiện ma túy và chăm sóc đối tượng xã hội tỉnh Thái Bình vắng lặng.

Ông Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc trung tâm cho biết: Năm 2014 hoạt động chủ yếu là cai nghiện cho các đối tượng bắt buộc chuyển từ năm 2013 sang với tổng số 179 đối tượng và 16 đối tượng tự nguyện. Còn từ đầu năm 2015 đến nay, trung tâm mới chỉ tiếp nhận và cai nghiện cho 8 đối tượng tự nguyện và không có đối tượng bắt buộc nào.

Nhiều cán bộ, nhân viên của trung tâm cho biết, do không có học viên và để cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho anh em, nhiều năm gần đây cán bộ, nhân viên trung tâm tìm cách tăng gia sản xuất, thêm phần thu nhập từ chăn nuôi trâu, bò, lợn, gia cầm.

Không chỉ ở cấp tỉnh, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội thành phố Thái Bình trực thuộc sự quản lý của UBND thành phố Thái Bình cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Trung tâm được thành lập năm 2005, chính thức đi vào hoạt động năm 2006, nhưng đã nhiều tháng nay, mọi hoạt động chuyên môn trong công tác cai nghiện gần như “đóng băng” bởi rất ít học viên.

Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thái Bình, năm 2015 toàn tỉnh có 4.166 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Vô hình trung tồn tại một nghịch lý là: Nơi cai nghiện với đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực không phát huy được hiệu quả, gây lãng phí, trong khi đó các đối tượng nghiện ma túy vẫn hoạt động ngoài xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về mất an toàn, an ninh trật tự.

Vướng mắc do đâu?

Đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình cho biết, vướng mắc chủ yếu ở trình tự thủ tục cai nghiện bắt buộc. Trước kia, việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc thuộc thẩm quyền quyết định của UBND cấp huyện và tương đương. Còn hiện nay, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2012, Nghị định 221/2013/NĐ-CP ngày 30/12/2013 của Chính phủ và Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 10/2/2014 về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân, thì thẩm quyền quyết định đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc được chuyển sang cho tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương.

Trong đó, quy trình thủ tục đưa một đối tượng đi cai nghiện tập trung gồm: Công an cấp xã và tương đương tiến hành thu thập tài liệu và lập hồ sơ người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định, chuyển cho Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện và tương đương đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện có trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ và gửi cho Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cấp. Trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện và tương đương ra quyết định chuyển hồ sơ đề nghị tòa án nhân dân cấp huyện và tương đương áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Mặt khác, theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, trước khi áp dụng biện pháp đưa đi cai nghiện bắt buộc, người nghiện phải được giáo dục tại địa phương, phải có cơ sở xã hội để lưu giữ trong thời gian lập hồ sơ, chờ quyết định của tòa án nhân dân. Đối với người lang thang không nơi cư trú ổn định mắc nghiện ma túy, về nguyên tắc phải thẩm tra, xác minh để xác định nơi cư trú ổn định của họ có hay không rồi mới đưa vào cơ sở cai nghiện. Trong khi chờ thẩm tra, xác minh phải giao cho cơ sở xã hội quản lý. Điều này khiến công tác quản lý, lưu giữ đối tượng gặp khó khăn bởi tỉnh chưa có nhà lưu giữ riêng và cán bộ chuyên môn cắt cơn còn hạn chế.

Để tháo gỡ vướng mắc, ngày 25/6/2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1382/QĐ-UBND quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền tổ chức cai nghiện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các trường hợp nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định tại Thái Bình thuộc đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sẽ được quản lý tại khu quản lý lưu trú tạm thời tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội.

Trước thực trạng gia tăng số người nghiện ma túy, nhất là nghiện ma túy tổng hợp như hiện nay, việc đẩy nhanh việc lập hồ sơ, thủ tục đưa những đối tượng này vào cai nghiện tập trung là điều cần thiết và cấp bách, trong đó cần sự phối hợp tích cực hơn của liên ngành Công an, Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Tư pháp, Tòa án và Viện Kiểm sát.
Bài và ảnh: Thu Hoài