06:18 04/06/2015

Trung Quốc xây dựng trái phép đảo trên Biển Đông là vi phạm DOC

Sự việc Trung Quốc xây dựng trái phép đảo trên Biển Đông khiến dư luận trong nước và quốc tế hết sức quan ngại. Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, ông Trần Văn Hằng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Sự việc Trung Quốc xây dựng trái phép đảo trên Biển Đông khiến dư luận trong nước và quốc tế hết sức quan ngại. Bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, ông Trần Văn Hằng (ảnh), Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội đã chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.


Thưa ông, việc Trung Quốc xây dựng đảo trái phép trên Biển Đông đã vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông như thế nào?

Theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đang có nhiều quốc gia chưa thực hiện. Nguyên tắc của DOC là giữ nguyên hiện trạng, không được làm phức tạp thêm tình hình nhưng việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo đã làm phức tạp thêm tình hình an ninh trên Biển Đông.

Vậy còn Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC)?

Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) đáng lẽ ra đã đến thời điểm chín muồi, nhưng tình hình thế giới xoay chuyển phức tạp nên đến nay các bên vẫn chưa đạt được như mong muốn, mặc dù các nước cũng đã có nhiều cố gắng. Trong đó, Trung Quốc có vẻ chưa mặn mà với COC.

Việt Nam mong muốn cuối năm nay hình thành cộng đồng ASEAN. Và khi ASEAN đã trở thành cộng đồng dựa trên 3 trụ cột: An ninh, kinh tế, văn hóa thể hiện sự thống nhất hợp tác giữa các nước trong khu vực sẽ càng tăng thêm tính đồng thuận, cộng đồng trọn vẹn, hợp tác cùng phát triển. Nếu không đạt được việc này thì cộng đồng ASEAN sẽ chưa trọn vẹn vì khuyết mất một chân đó là vấn đề an ninh.

Trung Quốc tăng cường xây dựng trái phép tại đảo đá Gạc Ma của Việt Nam. Ảnh: tienphong.vn


Thưa ông, việc một quan chức của Nga lên tiếng chỉ trích sự can thiệp của Mỹ đã làm phức tạp thêm tình ở Biển Đông và năm 2016 Nga sẽ cùng Trung Quốc tập trận chung trên Biển Đông, ông có bình luận gì về ý kiến này?

Việc Nga lên tiếng như vậy là đã rõ quá rồi, bởi vị thế của Nga hiện tại bây giờ đã xoay trục. Mỹ và EU lên tiếng cấm vận, bắt buộc Nga phải hướng về phía Nam. Như vậy thái độ của Nga ắt hẳn sẽ hướng về Trung Quốc. Tóm lại là vì lợi ích quốc gia thì họ sẽ xoay trục, nếu lợi ích quốc gia mình được bảo vệ thì người ta sẽ xoay theo hướng đó và thực tế Nga cũng đã tập trận với một số nước, trong đó có Trung Quốc.

Với quan hệ truyền thống Nga - Việt, tôi tin tưởng rằng Việt Nam vẫn được đảm bảo bởi những việc Nga thỏa thuận với Việt Nam, ta vẫn thực hiện rất nghiêm túc. Cho nên dù Nga có quan hệ với nước nào đi chăng nữa thì Nga - Việt vẫn thực hiện tốt những cam kết, và từ trước đến nay Việt Nam vẫn tuân thủ tốt mọi cam kết đó.

Thưa ông, tại Kỳ họp này Quốc hội có ra Nghị quyết riêng về Biển Đông?

Theo tôi, thứ nhất là để ra một Nghị quyết tại Quốc hội cần phải có quy trình làm luật và sau đó là thực hiện, mà quy trình đó không thể làm ngay bây giờ bởi nếu không sẽ không đúng quy trình văn bản quy phạm pháp luật.

Thứ hai là khi đã ra Nghị quyết rồi thì phải thực hiện và liệu có thực hiện được ngay không thì Quốc hội cũng phải cân nhắc. Nhưng theo tôi, trong chương trình Kỳ họp này không có chương trình ra Nghị quyết về Biển Đông nhưng với tình hình về Biển Đông nóng như thế thì các đại biểu phải báo cáo với Quốc hội và sau này các đại biểu Quốc hội cũng phải báo cáo với cử tri để nhân dân biết tình hình Biển Đông như thế nào. Đến thời điểm chín muồi cần phải ra Nghị quyết thì chúng ta nghiên cứu và sẽ làm đúng theo quy trình làm luật là ra Nghị quyết về Biển Đông.

Vậy khi Quốc hội không ra Nghị quyết riêng về Biển Đông thì có thể sẽ ra một công bố, hoặc thông cáo nào đó thưa ông?

Việc này cũng có thể nhưng Quốc hội chưa thảo luận, theo tôi cũng chưa đến mức như thế.

Tại Hội nghị Shangri - La mới đây các nước cũng rất quan tâm đến vấn đề Biển Đông, nhất là Trung Quốc đưa cả một “đội quân hùng hậu” đến Hội nghị, nghĩ tưởng Trung Quốc cũng sẽ làm “căng”. Nhưng tại Hội nghị này phía Trung Quốc cũng yên ắng hơn. Theo tôi để giải quyết vấn đề Biển Đông phải dựa trên góc độ, phương diện đa phương, vì không thể có nước nào đứng một mình và không có quốc gia nào cặp đôi với nhau trong sự tồn tại và phát triển bền vững. Lợi ích chung của các nước, sự ổn định hòa bình của các nước trong khu vực sẽ góp phần giữ vững ổn định để cùng phát triển.

Là Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, ông nhìn nhận như thế nào về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 là vấn đề song phương giữa ta và Trung Quốc, còn việc Trung Quốc xây dựng đảo trái phép là vấn đề đa phương mà các quốc gia đều quan tâm?

Theo tôi việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam tháng 5/2014, đã vi phạm chủ quyền vùng biển của Việt Nam. Còn việc Trung Quốc xây dựng đảo trái phép thì theo Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Trung Quốc cũng đã vi phạm. Bởi theo DOC là tất cả phải giữ nguyên hiện trạng, nước nào quản lý ở đâu thì phải giữ nguyên hiện trạng ở đó, nhưng Trung Quốc đã vi phạm vì họ đã tự ý xây đảo nhân tạo và đại biểu Quốc hội cũng nên giải thích vấn đề này để cử tri cả nước hiểu rõ bản chất vấn đề.

Xin cảm ơn ông.

Viết Tôn