11:19 02/11/2015

Trung Quốc xây đảo nhân tạo là sự phá hoại hòa bình khu vực

Giáo sư Christopher Roberts nhận định việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, đây là sự phá hoại, đặc biệt là ở cấp độ chiến lược, đối với hòa bình và ổn định.


Nhân dịp diễn ra hội thảo quốc tế với chủ đề “Phương hướng giải quyết hoà bình tranh chấp ở biển Đông” vào ngày 30/10 vừa qua tại thành phố Busan, Hàn Quốc với sự tham dự của gần 100 học giả đến từ Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc và Việt Nam.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Christopher Roberts, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu quốc phòng trực thuộc Đại học New South Wales, Australia xung quanh việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông và vai trò của các cơ chế khu vực trong việc giải quyết vấn đề biển Đông. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên: Xin ông cho biết đánh giá về tác động của việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép quy mô lớn ở Biển Đông thời gian gần đây đến hoà bình, ổn định, an toàn hàng hải trong khu vực và quá trình giải quyết tranh chấp ở Biển Đông?


Giáo sư Christopher Robert trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc.

Giáo sư Christopher Roberts: Về việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo, đây là sự phá hoại, đặc biệt là ở cấp độ chiến lược, đối với hòa bình và ổn định. Việc này không hề có cơ sở pháp lý. Điều này là do Công ước LHQ về Luật biển 1982 (UNCLOS) không công nhận đảo nhân tạo là cơ sở để thay đổi vùng lãnh hải như khu vực 12 hải lý hay khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Nhưng trong bối cảnh họ đang xây dựng đường băng và tiếp tục làm như vậy, điều này gây ra một nguy cơ là nó sẽ quân sự hóa các đảo, được hỗ trợ bằng nhiều loại vũ khí. Điều này đã tạo ra khả năng thiết lập ADIZ và tất nhiên là nâng cao khả năng Trung Quốc sẽ thống trị vùng biển này, đặc biệt là đối với các bên nhỏ hơn cũng tuyên bố chủ quyền.

Do đó, tính toán của tôi là dù họ có làm gì tại đây thì cũng không làm cho Mỹ can dự vào đây trên quy mô lớn để tranh giành quyền kiểm soát vùng biển trên. Những việc này chỉ liên quan đến Trung Quốc và các bên tuyên bố chủ quyền như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Indonesia... Đây chỉ là một trong những ví dụ về khả năng tiềm tàng của việc mâu thuẫn gia tăng và điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ rất khó có thể thay đổi thực trạng và được các nước khác chấp nhận những gì họ đã xây dựng và tiến đến việc giải quyết vấn đề này trong tương lai.

Phóng viên: Xin ông đánh giá vai trò của ASEAN trong các cơ chế an ninh khu vực như ARF, ADMM+, EAS và vai trò của các cường quốc trong khu vực như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc trong việc đóng góp cho hoà bình, ổn định tại khu vực Đông Nam Á và Đông Á?


Giáo sư Christopher Roberts: Mỗi thể chế và nước lớn trong khu vực đều có vai trò riêng của mình, nhưng đều phụ thuộc lẫn nhau. Ví dụ như ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) tạo ra những đầu mối để thông qua đó Mỹ có thể có các cuộc đối thoại với các nước khác như Trung Quốc. Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á là nơi rất thuận tiện để các nước lớn, các nước nhỏ hơn và các nước ASEAN, trong đó có cả những nước tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, gặp gỡ nhau và ít nhất là trao đổi ý kiến với nhau, nói lên ý kiến của mình, tìm cách có được sự hiểu biết tốt hơn đối với quan điểm của nhau.

Điều này là quan trọng và tôi cho rằng các cơ chế khu vực tạo ra một loại “khả năng mềm” về ngoại giao. Tình hình có lẽ sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều nếu như chúng ta không có các thể chế này. Các loại hình đối thoại như thế này rất có ích trong việc giảm thiểu nguy cơ hiểu lầm giữa các nước.

Khi nói điều này, tôi cũng muốn nói them rằng trong các thể chế này cũng có những hạn chế nhất định. Trong nội khối ASEAN, chúng ta có 10 nước, trong EAS, chúng ta có 18 nước. Mỗi nước có mức độ phát triển khác nhau, hệ thống chính trị khác nhau, chiến lược khác nhau. Và chính ASEAN cũng có nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và nguyên tắc đồng thuận. Điều này có nghĩa là một nước trong khối có thể làm phương hại đến chính sách ngoại giao của 9 nước còn lại. Tôi cho rằng để ASEAN có thể trở nên hiệu quả hơn trong tương lai, các bạn nên xem xét một số phương án thay thế như là ASEAN-6. Như vậy, ASEAN có cả những điểm hạn chế và những điểm lợi thế.

Tôi cho rằng các nước lớn cũng như phần lớn cộng đồng quốc tế sẽ không công nhận những tuyên bố của Trung Quốc là hợp pháp. Các thách thức thường diễn ra một cách nhanh chóng trên vùng Biển Đông. Về vấn đề xây dựng đảo nhân tạo, tôi cho rằng khó có thể nói bao giờ thì việc này sẽ được đảo ngược. Việc này sẽ cần cách tiếp cận trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao cũng như những gì Mỹ đang làm. Cần thêm nhiều nước nữa tham gia để thuyết phục Trung Quốc rằng cách tiếp cận của họ là sai lầm và sẽ không thể tiến triển. Có lẽ những lời phán quyết của tòa án La Haye sau khi Philippines 7 lần đệ đơn kiện Trung Quốc là những diễn biến rất quan trọng trong những ngày này. Trung Quốc không thể đơn giản là phớt lờ việc này. Nếu Trung Quốc không tuân thủ thì chúng ta không thể tin tưởng Trung Quốc trong bất kỳ hiệp ước nào mà họ tham gia ký kết, từ WTO tới bất kỳ điều gì liên quan đến Liên hợp quốc. Tôi cho rằng đây là một diễn biến vô cùng có ý nghĩa trong những ngày này.

Phạm Duy (P/v TTXVN tại Hàn Quốc)