06:19 22/06/2016

Trung Quốc vung tiền xây đảo nhân tạo vô giá trị ở Biển Đông

Chưa tính cơ sở hạ tầng bên trên, chỉ riêng Đá Chữ Thập, số tiền mà Trung Quốc bỏ ra để bồi đắp phi pháp sơ bộ lên tới 73,6 tỷ nhân dân tệ (hơn 11,27 tỷ USD).

Trung Quốc đã xây đường băng dài 3.000 m trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: CSIS/AMTI

Tới nay, Trung Quốc đã cơ bản hoàn thành việc bồi đắp phi pháp 7 bãi, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, gồm Đá Xu Bi (Subi Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Vành Khăn (Mischief  Reef)…

 

Theo báo Tài chính Quốc tế của Trung Quốc, lấy Đá Chữ Thập làm ví dụ, căn cứ vào ảnh vệ tinh chụp tháng 9/2015, diện tích sau khi bồi đắp của Đá Chữ Thập khoảng 62,5 km2.

 

Nếu chia phần bồi đắp ra làm 3 phần thì phần sâu khoảng 1 m có diện tích khoảng 5,96 km2, phần sâu khoảng 5 m có diện tích khoảng 26,93 km2 và phần sâu khoảng 10 m có diện tích khoảng 29,11 km2.

 

Cộng thêm việc bồi đắp để Đá Chữ Thập cao hơn mặt nước khoảng 3 m, tổng số đất đá sử dụng để biến Đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo ước khoảng 611,75 triệu m3.

 

Tính thêm một số chi phí khác, tổng giá thành bồi đắp đất đá ở Đá Chữ Thập lên tới 73,6 tỷ nhân dân tệ (hơn 11,27 tỷ USD) và giá này chưa bao gồm hạ tầng bên trên.

 

Con số mà báo Tài chính Quốc tế nêu ra gần tương đương với dự đoán của tờ Libération (Pháp) đưa ra ngày 11/5/2015 là 12 tỷ USD.

 

Như vậy, số tiền mà Trung Quốc bỏ ra để bồi đắp 7 bãi, đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam không hề nhỏ.

 

Vấn đề là tuy bỏ ra một số tiền khổng lồ như vậy, nhưng Trung Quốc không thể có được cái mà họ muốn.

 

Theo Điểm 8, Điều 60 của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, các đảo nhân tạo không được hưởng quy chế của các đảo.

 

Chúng không có lãnh hải riêng và sự có mặt của chúng không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.


Như vậy, quốc gia ven biển không thể "nhờ" đảo nhân tạo mà "nới" thêm chủ quyền được.

 

Đó là chưa nói đến việc những hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc được bồi đắp phi pháp ở nơi không thuộc chủ quyền của họ.  

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhiều lần khẳng định: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và chứng cứ lịch sử về chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

 

Mọi việc làm của các bên khác trên quần đảo Trường Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam đều là bất hợp pháp và vô giá trị.

 

Hoàng Hà