11:17 07/11/2012

Trung Quốc và cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo

Sáng nay (9/11), Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18) chính thức khai mạc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.

Sáng nay (9/11), Đại hội Đại biểu Toàn quốc Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 (Đại hội 18) chính thức khai mạc tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.


Việc hơn 1.000 phóng viên trên toàn thế giới đăng ký đưa tin, đạt kỉ lục về số lượng qua các kỳ đại hội toàn quốc ĐCS Trung Quốc, cho thấy Đại hội 18 đã thu hút sự quan tâm chú ý đặc biệt của dư luận quốc tế.


Thậm chí, theo Đài Truyền hình CNBC của Mỹ, một số nhà quan sát còn nói rằng cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo 10 năm mới có một lần ở đất nước đông dân nhất thế giới quan trọng hơn cả bầu cử tổng thống Mỹ. Tại sao vậy?


Trang hoàng đường phố chuẩn bị cho Đại hội 18 của Trung Quốc). Ảnh: AFP


Thứ nhất là Đại hội 18 chứng kiến sự rút lui của đại đa số lãnh đạo cấp cao ở Trung Quốc và sự ra đời của ban lãnh đạo mới trong bối cảnh nhiều vấn đề xã hội trở nên hết sức bức xúc và gây trở ngại cho sự phát triển của nước này. Theo tiêu chuẩn về độ tuổi, dự kiến có 7 trong 9 vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 17 và hơn một nửa số Ủy viên Trung ương sẽ về hưu.


Tới nay, dù còn nhiều đồn đoán xung quanh vấn đề nhân sự cấp cao của Đại hội 18, nhưng tựu chung đều thống nhất cho rằng Đại hội 18 sẽ đánh dấu sự mở đầu của “thời đại Tập Cận Bình”. Câu chuyện chuyển giao quyền lực ở Trung Quốc càng được quan tâm chú ý trong bối cảnh nước này bước tới “ngã tư” trong việc “lựa chọn cái gì làm trung tâm”.


Theo tờ Đại Công báo của Hồng Công, 10 năm trở lại đây, dưới sự chỉ đạo của lý luận “quan niệm phát triển khoa học” và lý luận “xã hội hài hòa”, chủ trương “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm” của Trung Quốc từng bước diễn biến thành “bố cục tổng thể của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bao gồm xây dựng đồng thời kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội”.


Tuy nhiên, trong 23 chỉ tiêu mà Đại hội 16 đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu vĩ mô xây dựng Trung Quốc thành xã hội khá giả toàn diện vào năm 2020, tới nay, chỉ có các chỉ tiêu kinh tế là thực hiện nhanh nhất và tốt nhất. Trong khi đó, các chỉ tiêu thuộc lĩnh vực dân sinh, văn hóa giáo dục, xã hội hài hòa và pháp chế dân chủ thực hiện khá kém, có chỉ tiêu không hoàn thành, có chỉ tiêu thậm chí còn thụt lùi.


Rất nhiều ý kiến, bao gồm nhiều ý kiến của đội ngũ lãnh đạo cấp cao, đều cho rằng căn nguyên tổng thể của mọi vấn đề xã hội đều là do sự đình đốn của cải cách chính trị. Có thể nói rằng, Trung Quốc đi đến ngày hôm nay, thể chế chính trị đã hoàn toàn trở thành trung tâm của mâu thuẫn và tiêu điểm của vấn đề. Thể chế chính trị kém, bước đi của cải cách sẽ khó khăn, phát triển cũng không thể tiếp tục. Trước tình thế này, cần phải có sự lựa chọn, tức là trong “xây dựng kinh tế, xây dựng chính trị, xây dựng văn hóa, xây dựng xã hội”, nhân tố nào sẽ được chọn làm trung tâm?


Thứ hai là vai trò ngày một quan trọng của Trung Quốc đối với hồi phục kinh tế thế giới. Hai quý trước Đại hội 18, lần đầu tiên sau 3 năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc quay trở về dưới ngưỡng 8%/năm làm dấy lên nỗi lo kinh tế Trung Quốc “hạ cánh cứng”. Nhưng phải thấy rằng thực tế đó nằm trong dự liệu của các nhà làm quyết sách Trung Quốc.


Đầu tháng 3 vừa qua, chính phủ Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 7,5% và tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trong thời gian thực hiện Quy hoạch Phát triển Kinh tế Xã hội 5 năm lần thứ 12 được thiết kế ở mức 7%.


Điều đó có nghĩa, chính phủ Trung Quốc sớm có sự chuẩn bị cho khả năng kinh tế giảm tốc và chủ động thuận theo xu thế phát triển kinh tế. Thời kỳ tăng trưởng kinh tế tốc độ cao dựa trên giá lao động thấp, hi sinh môi trường để đổi lấy giá thành tài nguyên thấp, đầu tư chính phủ với quy mô lớn có thể nói đã trở thành quá khứ. Những gì mà Trung Quốc đang tiến hành cho thấy nước này đang hướng tới việc nâng cao chất lượng và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.


Đây là tín hiệu tích cực không chỉ với kinh tế Trung Quốc mà còn đối với kinh tế thế giới. Bởi một khi nhu cầu trong nước được kích thích, đất nước đông dân nhất thế giới này sẽ trở thành thị trường khổng lồ thực sự đối với xuất khẩu hàng hóa các nước. Khi đó, không cần tới gói kích thích kinh tế lên tới 586 tỉ USD như cuối năm 2008, Trung Quốc cũng sẽ đóng vai trò dẫn dắt hồi phục kinh tế thế giới như từng làm trong khủng hoảng tài chính thế giới.


Thứ ba là sự trỗi dậy về kinh tế làm xuất hiện yêu cầu có tiếng nói tương xứng trên trường quốc tế. Hiện nay, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Cùng với sự trỗi dậy về kinh tế, yêu cầu có tiếng nói tương xứng của Trung Quốc xem ra không phải là điều khó hiểu và người ta đã thấy sự xuất hiện của dấu hiệu liên quan. Đầu tháng 5 vừa qua, Tân Hoa xã dẫn nguồn tin chuyên gia Bắc Kinh cho biết trong cuộc Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung - Mỹ vòng 4, phía Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra khái niệm hoàn toàn mới: quan hệ Trung - Mỹ kiểu C2 và nhận được sự ủng hộ của phía Mỹ.


Trong khái niệm C2, quan hệ Trung-Mỹ là quan hệ điều phối (coordination), hợp tác (cooperation) và cũng có thể là cộng đồng chung (community). Viện trưởng Viện Nghiên cứu Vấn đề Quốc tế Trung Quốc Khúc Tinh cho rằng, C2 không chỉ phù hợp với chính sách nhất quán mà Trung Quốc cam kết là hòa bình, hợp tác, cùng có lợi và cùng thắng, đồng thời còn phù hợp với nhu cầu phát triển của quan hệ Trung - Mỹ và càng phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ quốc tế. Nếu Trung Quốc và Mỹ tiếp tục nỗ lực theo hướng này, bất đồng sẽ không ngừng giảm xuống, hợp tác sẽ tiếp tục được mở rộng và quan hệ Trung - Mỹ kiểu mới sẽ ngày càng rõ ràng.


Dù không nói rõ, nhưng quan hệ Trung - Mỹ kiểu C2 cho người ra cảm giác “đồng cân đồng lạng” và thế giới giờ không còn là đơn cực như thời hậu Chiến tranh Lạnh nữa. Tuy nhiên, cùng với một Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng, Mỹ đã triển khai chiến lược “trở lại châu Á”. Đành rằng Mỹ chưa bao giờ rời xa châu Á, nhưng việc nhấn mạnh tới nhân tố “trở lại” của Mỹ lại làm dấy lên lo ngại “bị bao vây” ở Trung Quốc. Làm thế nào để có thể giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới này là vấn đề được dư luận hết sức quan tâm chú ý.


Nói tóm lại, Đại hội 18 diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, cả trong và ngoài Trung Quốc. Vì thế, Đại hội 18 có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển tương lai của Trung Quốc. Bên cạnh đó, trước khi ban lãnh đạo mới của Trung Quốc ra mắt, Mỹ cũng tiến hành bầu cử tổng thống. Tuy rằng quan hệ Trung - Mỹ đã xuất hiện một số nhân tố không xác định, nhưng về tổng thể, viễn cảnh mà thế giới muốn nhìn thấy là việc hai cường quốc hàng đầu thế giới xây dựng được mối quan hệ hòa bình hữu nghị bền vững. Dư luận tin rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc và các nhà lãnh đạo Mỹ có đủ “trí tuệ” để đưa ra lựa chọn “thông minh”.



Hà Ngọc