01:17 16/01/2018

Trung Quốc: Tỷ giá NDT/USD ở mức cao nhất trong 2 năm qua

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) ngày 16/1 đã ấn định điểm trung bình chính thức của đồng NDT ở mức mạnh nhất trong hơn hai năm qua, với tỷ giá đồng nội tệ so với đồng USD là 6,4372 NDT, so với mức tỷ giá 6,4574 NDT = 1 USD trong phiên trước đó.

Kiểm đồng USD và đồng NDT tại một ngân hàng ở An Huy, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng NDT đã tăng giá lên mức cao nhất trong hơn 2 năm qua so với đồng USD tại thời điểm chốt phiên ngày 15/1, một phần nhờ quyết định của Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) đưa đồng NDT vào nguồn dự trữ ngoại tệ của họ.

Phát biểu với báo giới, thành viên Ban lãnh đạo Bundesbank, ông Joachim Wuermeling cho hay quyết định trên là một phần trong chiến dịch đa dạng hóa nguồn dự trữ ngoại tệ dài hạn của Bundesbank, đồng thời phản ánh vị thế của đồng NDT trên hệ thống tài chính quốc tế. Trước đó hồi tháng 7/2017, Bundesbank đã thông báo quyết định đầu tư vào đồng NDT sau khi nhận thấy vai trò ngày càng lớn của đồng tiền này, song không nêu rõ số tiền đầu tư vào đồng NDT.
Ông Wuermeling cho hay từ năm 2003, Bundesbank đã đưa đồng đô-la Australia (AUD) vào hệ thống dự trữ ngoại tệ nước này, sau khi có quyết định tương tự với đồng USD và đồng yen của Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm khả năng đầu tư vào đồng tiền khác.

Động thái trên được đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng Sáu năm ngoái cũng có động thái tương tự sau khi quyết định chuyển số tiền dự trữ trị giá 500 triệu euro (611 triệu USD) thành đồng NDT. Hồi tháng 9/2016 đồng NDT chính thức được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, cùng với đồng USD, bảng Anh, đồng yen của Nhật Bản và đồng euro.

Cũng trong ngày 16/1, PBoC đã bơm 320 tỷ NDT (khoảng 50 tỷ USD) vào hệ thống tài chính thông qua các thỏa thuận mua lại (repo) đảo ngược 7 ngày (160 tỷ NDT), 14 ngày (150 tỷ NDT) và 63 ngày (10 tỷ NDT). Trừ đi 50 tỷ NDT thuộc các thỏa thuận đảo ngược đến hạn, thì lượng tiền ròng được bơm vào thị trường trong ngày 16/1 là 270 tỷ NDT. PBoC - Ngân hàng trung ương Trung Quốc - ngày càng dựa vào các hoạt động nghiệp vụ thị trường mở như trên để quản lý thanh khoản, thay vì cắt giảm lãi suất hay tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Khánh Ly (TTXVN)