07:10 02/07/2014

Trung Quốc tự đánh mất niềm tin chiến lược trước láng giềng

Theo Giáo sư Carlyle Thayer, với việc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Trung Quốc đã tự đánh mất niềm tin chiến lược trước các nước láng giềng.

Ngày 30/6, trang mạng Chinausfocus đã cho đăng tải bài viết của Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á tại Đại học New South Wales (Australia), phân tích hệ quả của lối hành xử đơn phương hiếu chiến của Trung Quốc trên Biển Đông. Bài viết có một số nội dung đáng chú ý sau:

Những căng thẳng gần đây trên Biển Đông xuất phát từ việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải dương 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam đã đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về niềm tin chiến lược trong quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng.

Theo giáo sư Carlyle Thayer, quyết định của Bắc Kinh gây ngạc nhiên, hiếu chiến và phi pháp, hủy hoại các nỗ lực xây dựng niềm tin chiến lược giữa Trung Quốc với các nước.

Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng công suất lớn ngăn cản tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Ảnh: TTXVN phát


Nó gây ngạc nhiên là bởi Việt Nam đã không có bất kì một hành động nào có thể coi là “khiêu khích” để Trung Quốc vin vào đó biện minh cho việc làm sai trái của mình. Hơn nữa, trước đó Trung Quốc đã đạt được các thỏa thuận cấp cao với Việt Nam về phương thức, cơ chế xử lý các tranh chấp trên biển, vốn được xem là vấn đề phức tạp nhất trong quan hệ song phương. Nổi bật là Thỏa thuận các nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc (ký 2011), trong đó có điều khoản: “… Căn cứ chế độ pháp lý và nguyên tắc được xác định bởi luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nỗ lực tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được cho các vấn đề tranh chấp trên biển”.

Hành động đó là hiếu chiến, bởi lẽ đây là lần đầu tiên Trung Quốc tự ý hạ đặt giàn khoan trong vùng EEZ của một nước khác. Nguy hiểm hơn, Bắc Kinh còn huy động rất nhiều tàu chiến, tàu hải cảnh, tàu cá, máy bay quân sự… làm nhiệm vụ bảo vệ giàn khoan, với số lượng trung bình khoảng 100 tàu/ngày. Khi Việt Nam triển khai tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển, Trung Quốc đã chọn lối hành xử đầy hăm dọa. Dựa vào ưu thế tàu lớn, tàu Trung Quốc đã cố tình đâm va các tàu Việt Nam, gây ra những thiệt hại lớn. Không dừng ở đó, tàu Trung Quốc còn sử dụng cả vòi rồng công suất lớn, mở bạt che súng để uy hiếp các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam.

Hạ đặt giàn khoan còn cho thấy Trung Quốc đã ngang nhiên thách thức luật pháp quốc tế. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều có quyền thiết lập vùng EEZ hợp pháp theo UNCLOS. Khi mới hạ đặt, Bắc Kinh cho là giàn khoan Hải Dương 981 nằm tại điểm cách đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) 17 hải lý và thuộc “vùng lãnh hải” của Trung Quốc. Trong khi đó theo UNCLOS, vùng lãnh hải chỉ kéo dài 12 hải lý tính từ bờ (đường cơ sở) của một quốc gia ven biển.

Trong tuyên bố hôm 8/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc có ý “cải chính” lỗi sai này, khi nói rằng Hải Dương 981 được đặt trong vùng tiếp giáp lãnh hải của nước này. Lời biện bạch trên cũng không có cơ sở pháp lý. Vì theo UNCLOS, mục đích duy nhất của vùng tiếp giáp là nhằm tạo điều kiện cho quốc gia ven biển “thực thi kiểm soát cần thiết để: (a) Ngăn chặn sự vi phạm các luật hay quy định của quốc gia đó về hải quan, tài chính, di cư... trong phạm vi lãnh thổ hay lãnh hải”; (b) Trừng phạt việc vi phạm các luật và quy định trên đây, đã được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ hay lãnh hải của quốc gia đó.

Chưa cần xét đến các tuyên bố đòi chủ quyền, quyền tài phán rất “mù mờ” của Trung Quốc, chỉ riêng việc Bắc Kinh hiếu chiến đòi “quyền chủ quyền” theo kịch bản được lập từ trước đã cho thấy bản chất của vấn đề. UNCLOS quy định: Việc giải quyết các tranh chấp trên biển buộc Trung Quốc và bên liên quan phải tiến đến thỏa thuận điều khoản về vùng tranh chấp, cho đến khi một hiệp định về phân định được hoàn tất. Trong thời gian này, không bên nào được phép thay đổi nguyên trạng, sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực. Thế nhưng, việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã “tố” Trung Quốc vi phạm nguyên tắc này.

Giáo sư Thayer đồng thời đánh giá cao đối sách đầy thiện chí của Việt Nam, với việc kiên trì sử dụng các kênh giao tiếp, trong đó có cơ chế đường dây nóng, phái viên, để giải quyết hòa bình các bất đồng, xung đột. Ông kết luận: hệ quả nhãn tiền của việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng thềm lục địa, vùng EEZ của Việt Nam đã rõ: Bắc Kinh đã tự đánh mất niềm tin chiến lược trước các nước láng giềng.


Hoài Thanh (Theo Chinausfocus)