10:16 27/10/2015

Trung Quốc tìm kiếm điều gì từ quan hệ với Anh?

Trong hai năm qua, London đã xích lại gần Bắc Kinh theo cách mà chính người Trung Quốc cũng phải ngạc nhiên.


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) gặp gỡ Thủ tướng Anh David Cameron.

Quan hệ giữa hai nước có sự thay đổi đột biến từ tháng 12/2013 khi Tổng thống Anh David Cameron, cùng phái đoàn 120 doanh nghiệp hàng đầu "Xứ sở sương mù" và 6 bộ trưởng tới Bắc Kinh. Ông Cameron kêu gọi Trung Quốc đầu tư vào nước này và khẳng định không quan ngại việc Trung Quốc đầu tư vào năng lượng hạt nhân, có cổ phần tại sân bay Heathrow, Manchester hay công ty Thames Water. Ông Cameron cho rằng đó là một dấu hiệu tích cực cho thấy Anh sẵn sàng mở cửa chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc hơn bất kỳ nước châu Âu nào. Còn Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã dùng từ “Kỷ nguyên vàng” để mô tả về quan hệ giữa hai nước trong giai đoạn hiện nay nhân một chuyến thăm tới Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua.

Không quá khi nói rằng Anh hiện đang trở thành người bạn tốt nhất của Trung Quốc ở châu Âu. Cách đây vài tháng, Anh là quốc gia châu Âu đầu tiên gia nhập Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng, trong vai trò một thành viên sáng lập. Động thái của Anh đã mở đường cho Australia, Pháp, Đức, Italy, Hàn Quốc và các đồng minh thân cận khác của Mỹ gia nhập AIIB, và cạnh tranh với các thể chế tài chính do Phương Tây chi phối như Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB). Anh cũng giúp Trung Quốc huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình và gửi tới Trung Quốc nhiều cố vấn trong các lĩnh vực tài chính, quản trị cơ sở hạ tầng, đào tạo cấp cao và xây dựng dân dụng.

Trong 5 năm qua, Anh luôn ở tốp đầu các quốc gia châu Âu mà Trung Quốc đầu tư trực tiếp nhiều nhất (con số này trong năm 2014 là 16 tỷ USD). Các ngân hàng Trung Quốc, như Ngân hàng Thương mại và Công nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng, đã được cho phép mở chi nhánh ở London. Đặc biệt nhất là dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Anh trong vòng 25 năm qua ở Tây Nam nước này, với số vốn mà Trung Quốc dự kiến đầu tư là 25 tỷ bảng (gần 39 tỷ USD).

Tập đoàn viễn thông Hoa Vi, mà các cơ quan an ninh Mỹ coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia và bị nghi hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, hiện là một nhà cung cấp chính cho Công ty viễn thông Anh. Ở mảng bán lẻ, doanh nghiệp Marks & Spencer của Anh mới đây đã mở chi nhánh lớn tại Trung Quốc. Thông qua một công ty đầu tư nhà nước, Trung Quốc hiện đang nắm giữ 9% cổ phần tại sân bay Heathrow và 9,5% công ty cấp nước Thames Water. Trung Quốc cũng có cổ phần trong các cơ sở đường sắt và cảng biển của Anh. Các công ty của Trung Quốc cũng đang mạnh tay thâu tóm những doanh nghiệp nhỏ của Anh như Weetabix, Pizza Express, Sunseekers và đang theo đuổi nhiều thỏa thuận bất động sản trị giá hàng tỷ bảng Anh ở London.

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) hội đàm với người đồng cấp Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường nhân dân Bắc Kinh.

Kể từ khi thực hiện chính sách mở cửa 37 năm trước, Trung Quốc đã luôn là một “kẻ chơi cờ” khôn ngoan, nắm rõ nội tình châu Âu, và biết cách dùng nước này để áp chế nước khác. Chẳng hạn, trong dự án xây đường sắt cao tốc nối Bắc Kinh với Thượng Hải hồi đầu những năm 1990, Trung Quốc đã để Đức và Pháp cạnh tranh với nhau và rồi chọn Đức với yêu cầu được chuyển giao công nghệ càng nhiều càng tốt từ các tập đoàn hàng đầu nước này như Siemens, Alstom (nhưng cuối cùng, Trung Quốc đã tự xây dựng tuyến đường này với sự trợ giúp của Siemens).

Tình hình châu Âu hiện nay còn rối hơn khi châu lục này đồng thời phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người di cư và việc Trung Quốc chọn Anh có lý do riêng của nó. Anh là đồng minh thân cận nhất của Mỹ tại châu Âu và từng là cầu nối giữa châu Âu với Mỹ. Nay có lẽ Trung Quốc đang trông chờ điều tương tự ở Anh.

Nhưng có lẽ đó không phải là lý do duy nhất để Trung Quốc dành sự ưu tiên đặc biệt trong quan hệ với Anh. Xét mối quan hệ của Trung Quốc với các nước châu Âu, Pháp là quốc gia Phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1964 và quốc gia mà Bắc Kinh có mối quan hệ rất tốt trong Hội đồng bảo an. Pháp đang thúc đẩy một mối quan hệ đối tác mới với Trung Quốc liên quan tới châu Phi và muốn thu hút thêm các nhà đầu tư cũng như du khách Trung Quốc. Đức là một đối tác kinh tế hàng đầu của Trung Quốc ở châu Âu, hai nước đã hợp tác rất thành công trong lĩnh vực ô tô, vận tải và năng lượng. Trung Quốc cũng coi Đức là quốc gia lãnh đạo tại châu Âu và vào cuối tháng 10 này, sẽ lần thứ 8 đón Thủ tướng Angela Merkel tới thăm kể từ năm 2005.

Mặc dù Đức sở hữu nhiều công nghệ và ngành công nghiệp mà Trung Quốc thèm muốn, còn Pháp có những mối liên hệ đặc biệt với các nước cựu thuộc địa mà Trung Quốc rất cần ở châu Phi. Nhưng Anh có ưu thế và niềm tự hào lớn về ngành công nghiệp dịch vụ chất lượng cao, bất động sản và tài chính. Mặc dù không phải là thành viên của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), London đã được chọn làm nơi đặt trung tâm giao dịch đồng NDT đầu tiên ở châu Âu, dọn đường cho quá trình quốc tế hóa đồng NDT của Trung Quốc. Và đặc biệt Anh là đồng minh số 1 của Mỹ ở châu Âu.

Với những liên hệ đó, Anh có thể giúp Trung Quốc kéo Mỹ tới các bàn đàm phán nếu tình hình an ninh khu vực châu Á- Thái Bình Dương xấu đi, đặc biệt là ở Biển Đông. Nhưng liệu điều này có quá sức với Anh?

Cái gọi là mối quan hệ đặc biệt giữa Mỹ và Anh bắt đầu có sự rạn nứt trong giai đoạn chiến tranh Iraq 2003, khi Washington nhận ra rằng không còn có thể trông cậy nhiều vào London trong việc thuyết phục châu Âu. Vì tại thời điểm đó, Đức và Pháp đã kịch liệt phản đối quyết định xâm lược Iraq của Mỹ. Do đó, liệu Anh có thuyết phục được Mỹ tăng cường đối thoại chiến lược với Trung Quốc hay liệu London có trở thành một bên trung gian cho những thỏa thuận ngầm giữa hai cường quốc vẫn là một câu hỏi khó. Sáu tháng sau khi Anh bất ngờ tuyên bố gia nhập AIIB mà không tham vấn với Mỹ, Washington tiếp tục tỏ ra lo lắng khi một trong những đồng minh chủ chốt trong NATO của mình lại bán các tài sản năng lượng và viễn thông cho Trung Quốc.

Thủ tướng David Cameron tuyên bố với truyền thông Trung Quốc rằng Anh là cửa ngõ để dòng chảy thương mại và đầu tư Trung Quốc xâm nhập Liên minh châu Âu (EU). Nhưng liệu sau 28 tháng nữa, khi Anh trưng cầu dân ý về việc đi hay ở EU, vị thế này liệu có còn? Nếu kịch bản Brexit (Anh rời EU) diễn ra London hẳn sẽ mất lợi thế cạnh tranh so với các đối tác khác trong việc thu hút đầu tư Trung Quốc.

Thái Nguyễn (TTXVN)