11:14 30/11/2020

Trung Quốc thống trị thị trường xuất khẩu thế giới giữa thương chiến với Mỹ

Chuỗi cung của các nền kinh tế châu Á ngày một phụ thuộc vào Trung Quốc và Hiệp định RCEP sẽ đẩy nhanh xu thế này, tờ Asian Nikkei Review bình luận.

Chú thích ảnh
Thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trong thương mại toàn cầu tăng mạnh trong hai thập kỉ trở lại đây. Ảnh: Reuters

Khi đại dịch COVID-19 gây đứt gãy hoạt động logistic toàn cầu, đó là động lực lớn để cac nền kinh tế trên thế giới giảm phụ thuộc vào chuỗi cung từ Trung Quốc. Nhưng thực tế lại là câu chuyện khác. Thị phần của Trung Quốc trong xuất khẩu toàn cầu đang tăng trở lại và thậm chí đã vượt ngưỡng được xác lập tại thời điểm bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018.

Giới nghiên cứu cho rằng, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mới được 15 nước ký kết sẽ giúp Trung Quốc củng cố hơn nữa sức mạnh đối với thương mại toàn cầu. 

Số lượng sản phẩm do Trung Quốc chế tạo chiếm thị phần cao trên các thị trường xuất khẩu tăng nhanh. Theo phân tích dữ liệu của Asian Nikkei Review, trong tổng số 3.800 mặt hàng thuộc diện khảo sát của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), có đến 320 mặt hàng Trung Quốc chiếm thị phần xuất khẩu toàn cầu hơn 50%.

Tại thời điểm năm 2001, con số này chỉ là 61. Số lượng các mặt hàng diện này có xu hướng ngừng tăng sau năm 2016, khi ông Donald Trump lên nắm quyền và khởi xướng cuộc chiến thương mại chống Trung Quốc, nhưng lại tăng trở lại kể từ năm ngoái. 

Xuất khẩu máy tính cỡ nhỏ của Trung Quốc chiếm 66% tổng thị trường xuất khẩu toàn cầu năm 2019 với mức giá trị 95,6 tỉ USD. Thị phần mặt hàng màn hình tinh thể lỏng dùng cho máy tính và điện thoại thông minh của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng vượt mức 50% toàn cầu. Những mặt hàng khác Trung Quốc chiếm thị phần cao gồm có điều hòa nhiệt độ (57%), bệ rửa mặt và bệ nhà vệ sinh (80%). 

Xuất hiện nhu cầu tăng đột biến đối với những sản phẩm này, do tác động từ đại dịch COVID-19, cùng với lệnh hạn chế ra khỏi nhà, buộc nhiều công ty phải áp dụng phương pháp làm việc từ xa, làm tăng nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân, thiết bị di động. Xu hướng này ngày càng rõ nét khi lập phép tính, thống kê thị phần xuất khẩu của Trung Quốc trong các nền kinh tế lớn. 

Tháng 2/2020, xuất khẩu của Trung Quốc chiếm 14% xuất khẩu của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỉ lệ này sau đó tăng nhanh, đạt mức 17% trong tháng 3 và 24% trong tháng 4/2020.

Sau thời điểm này, thị phần xuất khẩu của Trung Quốc tiếp tục duy trì trên mức 20%, vượt cả mức đỉnh lịch sử thường niên được thiết lập năm 2015 (19%). Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy, mức thị phần này đã vượt ngưỡng ghi nhận tại thời điểm chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng phát.

Chú thích ảnh
Hiệp định RCEP sẽ giúp Trung Quốc củng cố hiện diện kinh tế, thương mại tại khu vực. Ảnh minh họa. Nguồn: SCMP

Tuy nhiên, gia tăng phụ thuộc vào hàng hóa Trung Quốc lại là nguy cơ ngày một lớn đối với các nước nhập khẩu. Nhật Bản đã từng phải đối diện với khủng hoảng thiếu hụt khẩu trang và thiết bị y tế hồi mùa xuân vừa qua, do những mặt hàng này “cháy hàng” trước nhu cầu tăng vọt toàn cầu, trong bối cảnh Trung Quốc là nhà sản xuất chủ lực. Nhiều nước nhận ra đó là thời điểm để bắt tay vào tái cấu trúc chuỗi cung, nhưng hành động trên thực tế không có nhiều chuyển biến. 

Chính phủ Nhật Bản đã quyết định trợ cấp cho các công ty di dời các nhà máy từ Trung Quốc về nội địa. Đã có tới 1.760 công ty nộp đơn đăng ký, trong đó có nhiều hãng sản xuất bán dẫn, màn hình tinh thể lỏng và sản phẩm y tế. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng hầu như không có lợi nhuận nếu đem xản suất tại Nhật Bản, vì giá nhân công tương đối đắt đỏ. 

Trung Quốc vẫn là nước cung ứng 80% đồ bảo hộ, thiết bị y tế cho Nhật Bản trong giai đoạn từ tháng 5 tới tháng 7/2020. Một công ty giấu tên từng đặt cơ sở ở Trung Quốc và giờ mở xưởng tại Nhật Bản cho biết, họ không thể cạnh tranh được với hàng hóa Trung Quốc, tình hình chỉ có thể được cải thiện nếu chính phủ đứng ra bao tiêu sản phẩm. 

Theo ông Hitoshi Ochi, Chủ tịch tập đoàn hóa chất Mitsubishi Chemical, chi phí sản xuất cùng với các quy định kinh doanh cấp chính phủ là yếu tố then chốt để các công ty ra quyết định chiến lược về địa bàn sản xuất. “Chúng tôi sẽ không mở dây chuyền ở Nhật Bản mà không xem xét kĩ lưỡng. Công ty sẽ tiếp tục sản xuất sản phẩm keo dán nhựa dùng cho hộp đèn ô tô ở Trung Quốc”, ông Ochi nói. 

Hiệp định RCEP được ký kết hôm 15/11 có thể sẽ thúc đẩy hơn nữa hiện diện kinh tế ngày một lớn tại khu vực, khi Trung Quốc là thành viên của khu vực tự do thương mại lớn nhất châu lục và thế giới. Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (Mỹ), xuất khẩu toàn cầu sẽ tăng thêm 500 tỉ USD vào năm 2030 nhờ thực thi cam kết cắt giảm thuế theo RCEP.

Trung Quốc sẽ là người được hưởng lợi lớn nhất, với mức xuất khẩu gia tăng đạt 248 tỉ USD, nhờ vào việc giành thêm được thị phần xuất khẩu ở thị trường châu Á từ tay Ấn Độ và Đài Loan/Trung Quốc, hai nền kinh tế không tham gia RCEP.

Hoài Thanh/Báo Tin tức