04:11 01/04/2015

Trung Quốc sẽ không bán vũ khí với giá rẻ

Tạp chí Foreign Policy đã nêu câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra khi trên thế giới tràn ngập món hàng máy bay và tàu chiến Trung Quốc giá rẻ?".

Theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu hoà bình quốc tế Stockholm (SIPRI), kể từ cuối năm 2014, Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nga về xuất khẩu vũ khí.

Thành tựu của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất vũ khí và xuất khẩu thiết bị quân sự đã làm nảy sinh những "dự báo bi đát" ở phương Tây. Tạp chí "Foreign Policy" (Mỹ) đã nêu câu hỏi: "Điều gì sẽ xảy ra khi trên thế giới tràn ngập món hàng máy bay và tàu chiến Trung Quốc giá rẻ?".

Theo chuyên viên Vasily Kashin thuộc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ, dự báo ảm đạm xuất phát từ thực tế là vũ khí Trung Quốc quả thực có mức giá rẻ, còn trình độ kỹ thuật thì khác với những năm trước khi đã vươn lên ngang tầm các nhà sản xuất hàng đầu thế giới. Thêm nữa, người ta cho rằng Trung Quốc dự định tăng cường bán vũ khí tràn lan cho tất cả những khách hàng muốn mua, bất kể là ai.

Trung Quốc đã chiếm vị trí thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Nga về xuất khẩu vũ khí.


Danh tiếng của Trung Quốc trên thị trường vũ khí toàn cầu được xác lập vào những năm 1980. Ở thời điểm đó, các cơ sở công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đối mặt với tình trạng giảm sút mạnh lượng đơn đặt hàng từ trong nước và buộc phải tìm cách "cố tồn tại" nhờ đẩy mạnh xuất khẩu và điều may mắn hơn là họ có được sự hỗ trợ của chính phủ. Giá tiền công lao động ở Trung Quốc lúc đó vô cùng rẻ mạt kể cả so với tiêu chí của những nước đang phát triển.

Trung Quốc bảo lưu công suất đạt được trong thời kỳ 1950-1970 dành cho sản xuất đại trà những hệ thống vũ khí thuộc loại tương đối đơn giản. Trong đó, trường hợp cuộc chiến tranh Iran-Iraq kéo dài phần lớn thập niên 1980 đã thúc đẩy sự gia tăng rõ rệt trên thị trường vũ khí quốc tế. Trung Quốc có tiếng là quốc gia sẵn sàng bán vũ khí cho tất cả các khách hàng và có khả năng cung cấp những lô lớn hàng loạt thiết bị quân sự với giá thấp.

Mặc dù Trung Quốc có sự sa sút đột ngột trong xuất khẩu vũ khí giai đoạn 1990-2000 nhưng danh tiếng hình thành trong thập niên 1980 vẫn được bảo tồn. Trong khi đó, những yếu tố kinh tế và chính trị đã sản sinh ra danh tiếng này thì lại bị triệt tiêu ngay trước mắt.

Trước hết, chẳng còn thấy lý do cụ thể nào để vũ khí Trung Quốc có giá rẻ lạ thường. Mức lương trong ngành công nghiệp Trung Quốc tăng cao nhanh chóng. Ngành công nghiệp quốc phòng buộc phải cạnh tranh với công nghiệp dân dụng để có đội ngũ công nhân - kỹ sư với tay nghề chuyên môn cao. Trong một số lĩnh vực quốc phòng riêng biệt, chẳng hạn như công nghiệp hàng không hay tên lửa của Trung Quốc, chi phí cho công lao động đã đạt đến mức của các nước Đông Âu, mà vẫn tăng thêm không ngừng. Giá chi phí thuê mặt bằng, tiền điện cùng các phí dịch vụ công cộng cùng tỷ lệ nhập khẩu các nguyên vật liệu cần thiết cho công nghiệp quốc phòng đều tăng.

Trái ngược với những năm 1980, giờ đây ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc không còn phụ thuộc nhiều vào tiền bán vũ khí. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đạt mức 144 tỷ USD, gần 1/3 dành chi cho việc mua sắm thiết bị và vũ khí sản xuất hàng loạt. Ngoài ra, có những hạng mục riêng trong ngân sách dành kinh phí đáng kể cho chi tiêu quốc phòng. So với tổng kinh phí này, khoản tiền từ xuất khẩu quân sự không phải là "đỉnh cao ý nghĩa".

Yếu tố cuối cùng là hệ thống kiểm soát xuất khẩu của Trung Quốc những năm 1990 và 2000 đã trở nên khắt khe hơn. Bây giờ bất kỳ giao kèo xuất khẩu vũ khí nào cũng phải trải qua hệ thống phê duyệt 3 cấp khá phức tạp. Cách tiếp cận của Trung Quốc với vấn đề xuất khẩu vũ khí hiện nay đang trở nên thận trọng hơn so với trước đây.

Trong những năm tới, xuất khẩu vũ khí Trung Quốc được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển. Nhưng đó sẽ là tiến trình có kế hoạch, gắn bó chặt chẽ với đà tăng trưởng kinh tế và bành trướng thế lực chính trị của Trung Quốc tại những phần khác nhau trên thế giới. Một ví dụ điển hình là quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc mua các hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 do Trung Quốc sản xuất. Đó không chỉ là thành tựu từ lối tiếp thị ráo riết của Bắc Kinh trong nỗ lực tối đa hoá lợi nhuận, mà còn là hệ quả từ những thay đổi trong đường lối đối ngoại của Ankara.

Trong xu hướng giảm bớt mức độ thân phương Tây, Trung Quốc đã được Thổ Nhĩ Kỳ chọn làm đối tác then chốt trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự, có thể vì ghi nhận rằng Bắc Kinh đang vươn lên giữ vai trò một trung tâm đối trọng thay thế của nền kinh tế thế giới. Đối với Trung Quốc, xuất khẩu vũ khí giờ đây không chỉ là mục đích tự thân của nền kinh tế thị trường, mà còn là công cụ hữu hiệu để gia tăng uy tín và ảnh hưởng của một "tân siêu cường".


TTK