10:16 28/10/2021

Trung Quốc quyết trường kỳ ‘Zero COVID’ tới Olympic mùa Đông 2022

Trung Quốc đang đẩy nhanh nỗ lực dập tắt đợt dịch COVID-19 mới trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 100 ngày nữa là đến ngày khai mạc Thế vận hội Olympic mùa Đông 2022 được tổ chức tại Bắc Kinh.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế làm xét nghiệm COVID-19 tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Ở ngoại ô tỉnh trung tâm công nghiệp Quảng Châu, các công nhân đang hoàn tất những phần việc cuối cùng của dự án xây dựng một tổ hợp lớn gồm hàng loạt những dãy nhà ba tầng màu trắng. Đó là Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu, trung tâm cách ly chuyên dụng đầu tiên đối với khách nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc.

Việc xây dựng được triển khai từ tháng 6 và đến tháng 9 vừa qua đã cơ bản hoàn thành. Hiện chỉ chờ xây đường và một số hạng mục còn lại có thể đưa vào sử dụng được. “Chúng tôi vẫn chưa biết chính xác thời điểm khai trương trạm y tế này. Nhưng có thể sẽ rất sớm thôi”, một nguồn thạo tin ẩn danh cho biết.

Trong bối cảnh gần như tất cả các quốc gia đều từ bỏ chiến dịch diệt trừ COVID-19, học cách sống chung với đại dịch trên cơ sở đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng vaccine, Trung Quốc vẫn đang đặt cược vào cách tiếp cận “Không COVID-19” (Zero COVID). Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu là một minh chứng cho xu thế đó. Khu phức hợp này có quy mô 5.000 phòng, tổng mức đầu tư lên đến 266 triệu USD, hoạt động theo mô phi tiếp xúc trực tiếp, sử dụng robot, drone để phân phối bữa ăn, vệ sinh, khử trùng bề mặt.

Trung Quốc yêu cầu người từ nước ngoài nhập cảnh vào đại lục phải tự cách ly trong khoảng thời gian từ 2-4 tuần. Hiện tại, du khách có thể cách ly tại khách sạn. Nhưng trong thời gian tới, việc cách ly, giám sát sẽ được thực hiện chặt chẽ hơn, đưa khách nhập cảnh vào cách ly tại các cơ sở chuyên dụng như Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu. Một quan chức Y tế Trung Quốc hôm 29/9 cũng hối thúc các thành phố đón lượng du khách nhập cảnh lớn cần lập các trung tâm tương tự. Đông Hoản và Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông đã lên kế hoạch xây dựng.

Ngoài quy định cách ly tại khách sạn, thành phố Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, trong tháng này cũng bắt đầu áp dụng quy định buộc khách quốc tế nhập cảnh phải tự theo dõi 4 tuần sau khi hoàn tât cách ly. Trong thời gian tự theo dõi này, du khách có thể ra khỏi nhà, nhưng phải làm xét nghiệm PCR mỗi tuần một lần, hạn chế ra ngoài không cần thiết hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

Trung Quốc từ đầu đại dịch COVID-19 đến nay ghi nhận hơn 110.00 ca nhiễm, thấp hơn nhiều so với Mỹ hay Nhật Bản. Nhưng số ca mắc mới tăng trở lại. Kể từ ngày 19/10 đến nay, số ca mắc trong cộng đồng trong ngày dao động từ 10-60 ca, cao hơn so với mức một con số trong nửa đầu tháng 10.

Chú thích ảnh
Nhiều dãy nhà ba tầng được dựng lên tại Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu. Ảnh: Nikkei Asia

Chính phủ Trung Quốc vẫn thực hiện biện pháp dập dịch như thời điểm ban đầu: Phong tỏa toàn bộ thành phố, làm xét nghiệm PCR trên diện rộng. Tỉnh Cam Túc – một điểm nóng trong đợt bùng phát dịch lần này - đã cho đóng cửa toàn bộ các địa điểm du lịch, rạp chiếu phim, nhà hát. Giải Marathon Bắc Kinh, vốn dự kiến diễn ra vào ngày 31/10 tới, cũng đã bị hủy.

Chính quyền trung ương còn yêu cầu các khu vực chưa xuất ca lây nhiễm cộng đồng nâng cao cảnh cảnh giác và triển khai biện pháp phòng chống dịch. Thành phố Thành Đô đã hủy giải chạy marathon vào cuối tháng này, trong khi Đại Liên quyết định tổ chức hội chợ lớn trong tháng 11 theo hình thức trực tuyến thay cho trực tiếp như dự kiến ban đầu.

Cách tiếp cận của Trung Quốc đối lập hẳn so với phần còn lại của thế giới, khi nhiều nước nỗ lực đạt tới trạng thái bình thường mới, học cách sống chung với virus để khôi phục lại hoạt động kinh tế. Mỹ sẽ dỡ bỏ quy định hạn chế đi lại với du khách nước ngoài đã hoàn thành tiêm chủng từ ngày 8/11 tới. Singapore, Thái Lan cùng nhiều nước khác cũng nới lỏng các quy định hạn chế.

Trung Quốc tiếp tục hướng tới mục tiêu “Zero COVID” khi Olympic Bắc Kinh 2022 sẽ khởi tranh trong tháng 2/2022. Lãnh đạo Trung Quốc hy vọng sẽ tổ chức thành công sự kiện này mà không kèm theo bùng phát lây nhiễm, nhằm chứng tỏ đà hồi phục sau đại dịch cũng như gia tăng uy tín, vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế. Tại phiên họp Bộ Chính trị hôm 29/9, Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly để giữ vững thành quả trong phòng chống dịch bệnh.

Theo Tổng cục Thể thao Trung Quốc, nước này có kế hoạch tổ chức một số sự kiện thể thao quốc tế trong tháng 12 tới. Các kỳ tranh tài này sẽ đóng vai trò là bài thử nghiệm để áp dụng cho Olympic Bắc Kinh 2022, trên phương diện về đi lại, di chuyển, cách ly. Gần như chắc chắn Trung Quốc sẽ áp quy định khán giả phải hoàn tất tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 mới được vào xem thi đấu tại Olympic.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo Nikkei Asia)