04:18 17/04/2011

Trung Quốc phát hiện chiêu biến thịt lợn thành thịt bò

Sự kiện “bột thịt nạc” chưa kịp lắng xuống, vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc một lần nữa lại nóng lên khi cơ quan chức năng nước này phát hiện trên thị trường sản phẩm “bột thịt bò” bán rất chạy.

Sự kiện “bột thịt nạc” chưa kịp lắng xuống, vấn đề an toàn thực phẩm ở Trung Quốc một lần nữa lại nóng lên khi cơ quan chức năng nước này phát hiện trên thị trường sản phẩm “bột thịt bò” bán rất chạy. Sẽ không có gì đáng nói nếu loại chất phụ gia biến thịt lợn thành thịt bò này không chứa chất gây ung thư.

Miếng thịt lợn (phải) sau khi được nhuộm “bột thịt bò” (trái)


Ở Trung Quốc, thịt bò thường đắt gần gấp đôi thịt lợn. Vì thế nếu biến thịt lợn thành thịt bò sẽ mang lại lợi nhuận lớn. Mờ mắt trước đồng tiền, một số ông chủ nhà hàng, tiệm ăn đã ra chợ mua về cái gọi là “tinh chất thịt bò” (bột thịt bò), chơi trò “treo đầu dê bán thịt chó”. Và không chỉ có “bột thịt bò”, trên thị trường Trung Quốc còn bán cả “bột thịt dê”, “bột thịt gà” , “bột thịt vịt”… Các loại phụ gia thực phẩm này thậm chí được rao bán cả trên mạng.

Bỏ ra 65 nhân dân tệ (khoảng 200.000 đồng VN), phóng viên tờ Thái Dương của Hồng Công dễ dàng mua được một hộp “bột thịt bò” loại 500 gam tại một cửa hàng bán lẻ ở La Hồ (khu vực giáp giới với Hồng Công) thuộc thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Mở nắp hộp, mùi hương đặc trưng của thịt bò lập tức lan tỏa. Theo tiết lộ của giới thạo nghề, thông thường người ta dùng thịt lợn để biến thành thịt bò vì thớ thịt lợn khá giống với thớ thịt bò.

Những can “bột thịt bò” như thế này rất dễ mua ở Trung Quốc


Việc biến thịt lợn thành thịt bò bắt đầu từ công đoạn nhuộm hồng thịt lợn, rồi đổ “bột thịt bò” lên thịt lợn trộn bóp trong vài phút, thịt lợn nhanh chóng khoác màu đỏ tươi của thịt bò. Trong quá trình chế biến thứ thịt lợn “giả cầy” đó (chiên, nướng…), người ta tiếp tục nêm vào “bột thịt bò”. Hoàn thành quy trình, khó ai có thể phân biệt đâu là thịt bò thật và đâu là thịt bò giả cả về thị giác lẫn vị giác.

Theo thời giá hiện nay ở thị trường Phúc Châu, Phúc Kiến, Trung Quốc, một kg thịt lợn có giá khoảng 26 NDT, trong khi giá một kg thịt bò bắp vào khoảng 70 NDT. Như vậy, chỉ cần sử dụng “bột thịt bò” biến 25 kg thịt lợn thành thịt bò là các nhà hàng, tiệm ăn hám lợi quên đức đã bỏ túi khoảng 1.000 NDT. Cộng với phần giá trị gia tăng sau khi chế biến, lợi nhuận của việc biến thịt lợn thành thịt bò không phải là nhỏ. Bởi thế, “bột thịt bò” trở thành “bệ phóng” phát tài của một số doanh nhân mờ mắt vì tiền ở Trung Quốc.

Cách phân biệt thịt bò và thịt lợn: Để tránh bị lừa mua phải thịt bò “giả cầy” làm từ thịt lợn, các chuyên gia khuyến nghị người tiêu dùng lên sử dụng tổng hợp các thuộc tính của thịt bò để phân biệt. Ví dụ: Thịt bò tươi có độ dính hơn thịt lợn. Mỡ thịt bò có màu trắng hoặc trắng sữa, ít hơn rất nhiều so với mỡ của thịt lợn. Thịt lợn có vị ngọt đặc trưng, trong khi thịt bò và thịt dê có mùi tương đối tanh. Thớ thịt của thịt bò tương đối dài, trong khi thớ thịt lợn ngắn và dầy. Khi ăn, thịt bò tương đối dai còn thịt lợn lại mềm…

“Bột thịt bò” được những người sản xuất ra nó cho là an toàn và hoàn toàn có thể tin dùng. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mạnh Bằng thuộc Phòng hóa thực phẩm, Viện kiểm nghiệm chất lượng, Cục kiểm nghiệm chất lượng tỉnh An Huy, Trung Quốc, trong thành phần của “bột thịt bò” có Disodium 5’- Ribonucleotides (I+G) và Proteinum Hydrolysatum. Đây là các chất phụ gia thực phẩm yêu cầu phải có hạn lượng sử dụng, ví dụ: I+G là 2%-5%, Proteinum Hydrolysatum mỗi ngày chỉ được dùng từ 50-100 gam.

Vấn đề là trên hộp “bột thịt bò” không những không thể hiện điều này, mà còn nhấn mạnh lượng dùng không hạn định, căn cứ vào khẩu vị. Điều này chắc chắn sẽ dẫn tới trường hợp sử dụng quá liều lượng. Trong khi đó, các chuyên gia đã khuyến cáo rằng chất phụ gia thực phẩm nếu sử dụng với liều lượng an toàn sẽ không gây nguy hại tới sức khỏe, nhưng nếu sử dụng quá liều lượng hoặc sử dụng lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí dẫn tới ung thư.

Lê Minh