04:16 29/04/2020

Trung Quốc ngăn chặn làn sóng dịch COVID-19 thứ hai như thế nào?

Là nước lớn đầu tiên thoát khỏi tình trạng đóng cửa, Trung Quốc đang tập trung giải quyết làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ hai.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 24/4. Ảnh: THX/TTXVN

Bảo đảm giãn cách trong lớp học, bắt buộc đeo khẩu trang, sử dụng các ứng dụng theo dõi trên điện thoại thông minh - đó là những biện pháp đang được áp dụng phổ biến ở các tỉnh, thành Trung Quốc, từ trung tâm tài chính Thượng Hải cho tới tỉnh cực bắc kém phát triển Hắc Long Giang.

Khi khẳng định không thể loại trừ virus SARS-CoV-2, giới chức Trung Quốc hướng trọng tâm vào việc duy trì mức lây nhiễm ở ngưỡng kiểm soát được, tránh những đợt dịch thảm họa bùng phát làm quá tải hệ thống bệnh viện.

Cân bằng giữa cho phép người dân quay lại nhịp sống đời thường với giữ tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp là biện pháp mà chính phủ các nước trên thế giới, kể cả những quốc gia bị tác động mạnh nhất là Italy, Mỹ, sẽ phải tìm cách áp dụng. Dưới đây là một số chiến lược mà các tỉnh, thành tại Trung Quốc đang áp dụng

Xử lý nguy cơ từ biên giới

Tự do đi lại toàn cầu là điều không còn thực tế trong thời kỳ hậu COVID-19, khi các nước vẫn lo ngại lây nhiễm nhập khẩu sẽ châm ngòi cho làn sóng dịch bệnh mới. Tuyệt đại đa số công dân nước ngoài bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, trong khi người Trung Quốc từ nước khác trở về phải trải qua quá trình cách ly ít nhất hai tuần.

Những thành phố áp đặt quy định chặt chẽ nhất như Bắc Kinh đều đang thực thi bổ sung biện pháp cách ly tại nhà trong 7 ngày sau khi hết cách thời hạn cách ly tại các trung tâm. Tại thủ đô, bất kỳ ai cách ly tại nhà mà chỉ cần mở cửa trước là chuông cảnh báo đã kêu lên. Hàng xóm được khuyến khích cung cấp thông tin về những trường hợp rời khỏi nhà khi đang cách ly.

Bắc Kinh siết chặt một số biện pháp hạn chế cực đoan cho dù không có các ca lây nhiễm mới trong cộng đồng. Theo ông Huang Yanzhong, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Toàn cầu tại Đại học Seton Hall, bang New Jersey (Mỹ), Bắc Kinh là thủ đô, có nhiều lãnh đạo chính quyền sống tại đây và họ phải xem xét những quan ngại về chính trị và ổn định xã hội.  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, ngày 24/4/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Nhiều khu vực khác cũng áp dụng hạn chế đi lại, trong đó có tỉnh Hắc Long Giang giáp Nga - địa phương vừa trải qua đợt lây nhiễm từ số người qua lại biên giới. Tỉnh này quy định cách ly trong thời hạn 35 ngày đối với người di chuyển qua biên giới bằng đường bộ, hạn chế hoạt động xuất-nhập khẩu tại khu vực.

Tại trung tâm tài chính Thượng Hải, do cần phải mở cửa đầu tư nên hầu như không có biện pháp kiểm soát đi lại chặt chẽ với những người từ tỉnh khác vào. Một phóng viên của hãng tin Bloomberg đi từ tâm dịch Hồ Bắc tới Thượng Hải không gặp phải hạn chế nào, không bị cách ly và thậm chí cũng không có quy định xét nghiệm khi đặt chân tới thành phố này. Biện pháp của Thượng Hải chắc chắn sẽ được chính quyền và các trung tâm tài chính khác như New York, Tokyo xem xét, học hỏi, vì đây đều là những thành phố mà nhịp sống năng động phụ thuộc vào việc di chuyển mở trong phạm vi địa phương.

Xét nghiệm diện rộng

Trong khi nhiều nước vẫn đang gặp khó khăn trong xét nghiệm và chỉ xét nghiệm những đối tượng có biểu hiện mắc bệnh, các thành phố Trung Quốc đã áp dụng hình thức xét nghiệm chặn trước đối với những người trở lại làm việc. Tại Hồ Bắc và Quảng Châu, các công ty yêu cầu người lao động mới trở lại làm việc phải làm xét nghiệm SARS-CoV-2.

Chính quyền Thượng Hải giới thiệu mô hình xét nghiệm tự nguyện trên phạm vi toàn thành phố. Theo đó, bất kỳ công ty hay cá nhân nào đều có thể đặt lịch xét nghiệm tại bệnh viện, phòng khám. Các bác sĩ, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm đang phối hợp với Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Thượng Hải để xác định, chẩn đoán và cô lập sớm các ca nhiễm, sau đó tiến hành theo dõi người tiếp xúc và thực thi cách ly để ngăn chặn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Các ứng dụng theo dõi

Từng cá nhân được theo dõi và giám sát y tế qua các ứng dụng điện thoại thông minh của tập đoàn công nghệ như Alibaba, Tencent Holdings. Ứng dụng sẽ thu thập dữ liệu từ các cơ quan chính phủ, các nhà mạng, những địa điểm, giao dịch... để đánh giá mức độ nguy cơ lây nhiễm của từng người.

Tại Trung Quốc, công dân sẽ phải trình mã theo màu sắc, gồm màu đỏ, vàng hoặc xanh trước khi vào khách sạn, nhà hàng, trung tâm mua sắm, bến tàu điện ngầm và các khu chung cư.

Mã màu này được cập nhật thường xuyên. Người có mã màu xanh được tự do đi lại, nhưng cũng có thể dễ dàng bị đánh tụt hạng màu. Chỉ cần đến một siêu thị có người nhiễm, mã của khách hàng có thể từ xanh chuyển sang vàng, đồng nghĩa với việc bắt buộc phải cách ly tại nhà.

Mở cửa từng bước

Đã nới lỏng hạn chế, nhưng Trung Quốc vẫn rất thận trọng thực hiện theo từng giai đoạn. Nhiều thành phố vẫn chưa cho phép các rạp hát, rạp chiếu phim mở cửa. Đeo khẩu trang, hình ảnh đã trở nên quen thuộc tại Trung Quốc, từ chỗ là giải pháp có thể lựa chọn, giờ đã là quy định bắt buộc tại nơi làm việc, địa điểm giao thông công cộng.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế Trung Quốc chụp ảnh tại sân bay Cáp Nhĩ Tân trước khi khởi hành tới Nga giúp
đối phó dịch COVID-19, ngày 11/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Diễn biến ở Hắc Long Giang cho thấy một làn sóng lây nhiễm mới có thể bùng phát nhanh chóng và bất ngờ. Một lưu học sinh trở về từ Mỹ có hai tuần cách ly và xét nghiệm âm tính, sau đó đã lây bệnh cho trên 10 người khác. Hai bệnh viện đã phải đóng cửa để khử trùng, còn thủ phủ Cáp Nhĩ Tân đã buộc phải hoãn mở cửa trở lại các trường học, các khu dân cư tiếp tục bị đóng cửa.

Tỉnh này cũng thông báo về 370 ca nhiễm bệnh nhập khẩu trong tháng 4, chủ yếu là các công dân Trung Quốc qua lại biên giới trên bộ với Nga. Thế nhưng thực trạng này cũng cũng chưa dẫn tới bất kỳ một làn sóng lây nhiễm mới, giúp các nước khác nuôi hy vọng có thể bắt đầu các kế hoạch nới lỏng quy mô đóng cửa.

“Không một ai muốn chứng kiến các ca lây nhiễm bùng phát do việc gỡ bỏ các quy định hạn chế quá sớm. Mỗi cá nhân và cả xã hội cần phải sẵn sàng cho một cách sống mới”, ông Takeshi Kasai, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ quan điểm tại một buổi họp báo tuần trước.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Bloomberg)