02:05 18/02/2019

Trung Quốc muốn xoa dịu Mỹ bằng đơn hàng 'khủng' mua chip điện tử

Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang bế tắc do Washington và Bắc Kinh vẫn chưa đạt được thỏa thuận liên quan đến một số vấn đề then chốt.

Chú thích ảnh
Trung Quốc muốn mua chip của Mỹ như một động thái làm Mỹ "hạ hỏa". Ảnh: Reuters

Theo báo Wall Street Journal, Trung Quốc đang hy vọng những đơn hàng lớn mua chip và các sản phẩm hàng hóa khác của Mỹ sẽ có tác dụng giảm căng thẳng thương mại và thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump kéo dài thỏa thuận tạm ngưng áp thuế bổ sung.

Trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại tuần này bước sang ngày thứ 4, các quan chức Mỹ và Trung Quốc tiếp tục bế tắc trong một số vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại. Các vấn đề bao gồm việc Washington cáo buộc Trung Quốc gây sức ép với các công ty Mỹ đòi chuyển giao công nghệ và ban hành những chính sách hỗ trợ có lợi cho doanh nghiệp nội địa trước các đối thủ cạnh tranh Mỹ.

Về phần mình, bên cạnh việc phủ nhận mọi cáo buộc, giới chức Trung Quốc tập trung thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ sang nước này. Cụ thể, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia - cơ quan hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu của Trung Quốc - đang đề xuất tăng doanh số chip điện tử của Mỹ bán cho Trung Quốc lên 200 tỷ USD trong vòng 6 năm. Các nhà đàm phán Trung Quốc cũng đề nghị loại bỏ chính sách hỗ trợ xe ô tô nội địa. Trước đó, Bắc Kinh còn cam kết tăng sản lượng mua các sản phẩm năng lượng và nông nghiệp của Mỹ, bao gồm đậu nành, khí đốt tự nhiên và dầu thô.

Theo một nguồn tin thân cận, các cơ quan Chính phủ Mỹ đang thu thập ý kiến về đề xuất của Trung Quốc nhưng dường như không mấy bên ủng hộ.

John Neuffer - Giám đốc điều hành của Hiệp hội Công nghiệp Sản xuất các chất bán dẫn - cho biết, cam kết mua chip máy tính là một động thái gây mất tập trung và bước đi khá khôn ngoan. Chuyên gia này miêu tả đề nghị của Trung Quốc như “một mánh khóe được đưa ra để giúp quốc gia này đạt được các mục tiêu Made-in-China 2025”.

“Made in China 2025” là sáng kiến nhằm đưa Trung Quốc bắt kịp với các đối thủ trên toàn cầu trong các lĩnh vực kinh tế then chốt và đã được Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra sáng kiến này hồi năm 2015.

Chiến lược này đóng vai trò then chốt trong mục tiêu biến Trung Quốc thành một siêu cường toàn cầu vào năm 2050. Cùng với sáng kiến “Vành đai, Con đường”, chiến lược “Made in China 2025” chính là một trong những tâm điểm gây tranh cãi, xung đột giữa Washington và Bắc Kinh thời gian qua.

Các nhà đàm phán Trung Quốc, do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, hy vọng động thái tăng lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sẽ mở đường cho một cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và người đồng cấp Mỹ Donald Trump.

Bắc Kinh hy vọng một cuộc họp thượng đỉnh sẽ giải quyết được triệt để mâu thuẫn thương mại. Trong chuyến thăm Washington vào tháng trước, Phó Thủ tướng Lưu Hạc – cố vấn kinh tế thân cận của ông Tập Cận Bình – đã chuyển lời mời cho Tổng thống Trump về một cuộc hẹn gặp nhà lãnh đạo Trung Quốc tại hòn đảo Hải Nam.

Sau đó, Tổng thống Trump và giới chức Nhà Trắng cũng tuyên bố nhà lãnh đạo Mỹ hy vọng sớm gặp ông Tập Cận Bình. Ngày 13/2, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders tiết lộ khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago tại bang Florida của Tổng thống Trump có thể là một địa điểm tuyệt vời để tổ chức cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức