10:21 16/10/2018

Trung Quốc muốn tăng nhập khẩu, các công ty tỏ vẻ dè dặt

Theo giới quan sát, với một hội chợ thương mại lớn dự kiến tổ chức vào đầu tháng 11 tới, Trung Quốc nhấn mạnh hơn nữa cam kết tự do thương mại và thể hiện rằng Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường nhập khẩu.

Chú thích ảnh
Thịt gà đông lạnh được bày bán tại một siêu thị ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhưng các doanh nghiệp nước ngoài, nhất là châu Âu và Mỹ, lại tỏ ra thận trọng và muốn thấy những thay đổi chính sách cụ thể về cải thiện khả năng tiếp cận thị trường của Trung Quốc.

Hội chợ Triển lãm nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE) sẽ diễn ra trong các ngày 5-10/11 tại Thượng Hải. CIIE - được tổ chức tại một khu triển lãm có diện tích lớn hơn cả 35 sân bóng đá cộng lại - sẽ là một trong những sự kiện quan trọng nhất về ngoại giao của Trung Quốc trong năm nay, với nhiều quan chức và giám đốc điều hành các công ty nước ngoài đều dự kiến sẽ tham dự.

Bộ Thương mại Trung Quốc và chính quyền thành phố Thượng Hải đã lập thêm các phòng ban mới để tổ chức và điều hành CIIE, và một tòa án giải quyết tranh chấp đặc biệt cũng đã được thành lập. Mục đích chính của CIIE là làm dịu tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài về hoạt động thương mại của Trung Quốc, đồng thời cho thấy Bắc Kinh sự sẵn sàng thu hẹp khoảng cách thương mại giữa nước này với Mỹ và các quốc gia khác.

Nhưng giữa bối cảnh tranh chấp thương mại Trung - Mỹ đang gia tăng, các nguồn tin quen thuộc với ban tổ chức hội chợ cho biết Washington không có ý định gửi bất kỳ quan chức nào tới CIIE, mặc dù họ đã được Bắc Kinh gửi lời mời.

Ông Ken Jarrett, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc, cho biết CIIE là một dấu hiệu lớn cho thấy Trung Quốc muốn tăng cường nhập khẩu. Song mặt khác, các rào cản như hạn chế tiếp cận thị trường và hàng rào phi thuế quan tiếp tục ngăn cản các công ty bán sản phẩm của họ ở Trung Quốc. Theo ông Jarrett, việc Trung Quốc giải quyết những rào cản này cũng quan trọng như việc phát đi tín hiệu họ muốn tăng nhập khẩu, thậm chí là còn hơn thế.

Một nhà ngoại giao châu Âu nói rằng đối với các doanh nghiệp thuộc châu lục này, những điều họ muốn là một lịch trình dài hạn, minh bạch và có thể dự đoán được về việc mở cửa của thị trường đông dân nhất thế giới, cũng như những biện pháp bình đẳng hóa thương mại. Chứ không phải là một hội chợ thương mại khổng lồ.

Theo các chuyên gia, chính sách thương mại của Chính phủ Trung Quốc sẽ khó thay đổi so với hiện tại, khi Bắc Kinh vẫn chỉ đưa ra một số cơ hội tiếp cận thị trường cụ thể trong bối cảnh những can thiệp sâu rộng của nhà nước vẫn không thay đổi.

TTXVN/Báo Tin tức