06:15 20/06/2012

Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?

Sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Phi có thể giúp phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực, song sự tăng cường quan hệ này đối đầu với lợi ích của Mỹ và có thể gây hệ lụy cho tương lai của châu lục.

Ngày 18/6, nhật báo "Thời đại mới" của Ănggôla đăng bài phân tích với tiêu đề "Trung Quốc muốn gì ở châu Phi?". Bài báo cho rằng sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở châu Phi có thể giúp phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực, song sự tăng cường quan hệ này đối đầu với lợi ích của Mỹ và có thể gây hệ lụy cho tương lai của châu lục. 

 

Đối với Trung Quốc, châu Phi là nguồn cung cấp than đá và dầu mỏ giá rẻ, hai loại tài nguyên quan trọng đối với nhu cầu năng lượng của họ.

 

Đối với các quốc gia châu Phi, Trung Quốc là một đối tác thương mại lý tưởng vốn ít khi đặt điều kiện tiên quyết về chính trị đối với những nước sẵn sàng cung cấp nguyên liệu cho họ và còn thường xuyên hậu thuẫn các nước này về mặt ngoại giao. 

 

Quan hệ Trung Quốc-châu Phi có lịch sử lâu dài, kể từ khi người Trung Quốc vượt châu Á, Ấn Độ Dương cách đây 6 thế kỷ.

 

Trong thời gian gần đây, người ta cho rằng Bắc Kinh đã xếp hạng các nước ủng hộ chính sách "một Trung Quốc" trong vấn đề Đài Loan và sử dụng viện trợ làm củ cà rốt, và điều này đã mang lại hiệu quả.

 

Đổi lại, Trung Quốc đã được sự ủng hộ về mặt ngoại giao tại các diễn đàn Liên hợp quốc. Trung Quốc nhiều lần sử dụng con bài "đồng cảm", "khuyên nhủ" các nước đang phát triển, đặc biệt là các nước châu Phi, rằng họ không hề xa lạ với đói nghèo, rằng các nhà lãnh đạo châu Phi không có đất để hoạt động, bởi các nước tài trợ phương Tây, được gọi một cách mỹ miều là các đối tác phát triển, luôn luôn áp đặt đòi hỏi buôn bán tự do, mở rộng thị trường và tiến hành tư nhân hóa - những đòi hỏi không thể thực hiện được trên cơ sở nguyên tắc bình đẳng. 

 

Chính vì thế, sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với châu Phi rất phù hợp trong bối cảnh kinh tế của nhiều nước châu Phi còn trì trệ và các nhà tài trợ từ phương Tây liên tục đặt các câu hỏi khó chịu liên quan đến vấn đề minh bạch hóa, trách nhiệm, nhân quyền và mở cửa kinh tế. Số liệu về sự tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp của Trung Quốc đã "quyến rũ" được nhiều chính phủ ở châu Phi - những người tin là cách thức của Trung Quốc phù hợp với chiến lược phát triển của họ. 

 

Từ chỗ chỉ có 700 công ty hoạt động tại 49 nước châu Phi vào năm 2004, đến nay con số này đã tăng lên gần 900. Từ 1963 đến nay, cùng với các khoản tín dụng với lãi suất thấp dành cho ngày càng nhiều quốc gia châu Phi, Trung Quốc đã cử hơn 15.000 bác sĩ tới điều trị cho gần 180 triệu người bị nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác tại 47 nước.

 

Từ việc phục hồi hàng loạt dự án bị xếp xó trong thời gian dài như các mỏ đồng ở Dămbia đến các thương vụ mới về dầu mỏ và các hiệp định hợp tác được ký kết trong các cuộc viếng thăm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc, dường như cánh cửa vào châu Phi đang được mở rộng và Trung Quốc đang trở thành một nhà đầu tư hàng đầu. 

 

Trung Quốc là một đối tác đầu tư lớn ở châu phi. Ảnh Internet.

Tuy nhiên, quan hệ ngày càng phát triển giữa Trung Quốc và châu Phi đã động chạm trực tiếp tới lợi ích của Mỹ - nước cũng đang gặp phải những thách thức trong việc đa dạng hóa các nguồn dầu mỏ nhập khẩu của mình. Ngoài ra, một số nước châu Phi như Gana và Nam Phi phàn nàn về điều mà họ gọi là "tác động tiêu cực từ hoạt động nhập khẩu của Trung Quốc".

 

Chính vì thế, châu Phi cần phải học cách đưa ra những lợi ích sống còn của mình và tránh không để trở thành nơi tiêu thụ các sản phẩm hạng hai của Trung Quốc trong khi bán rẻ tài nguyên của mình. 

 

Cho dù người ta có nhìn nhận vấn đề theo cách nào đi nữa thì với người dân châu Phi, sự nổi lên của Trung Quốc như là một thế lực có thể giúp người dân nơi đây dứt khỏi quá khứ thực dân đầy cay đắng. Bằng chứng về chỗ đứng của người Trung Quốc tại châu Phi giờ không còn là vấn đề phải tranh cãi. Vấn đề là ở chỗ liệu người châu Phi có quan tâm đến lợi ích của mình hay không. 

 

TTXVN/Tin Tức