10:21 26/10/2020

Trung Quốc muốn cải thiện quan hệ bất kể chủ nhân mới Nhà Trắng là ai

Khi diễn ra quá trình chuyển giao chính quyền tại Nhà Trắng, có một truyền thống là các tổng thống mãn nhiệm sẽ viết một bức thư cho người kế nhiệm, đưa ra lời khuyên và thể hiện thân tình giữa các đời lãnh đạo Mỹ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: AP

Kênh CNN (Mỹ) cho biết cựu Tổng thống George W. Bush từng cảnh báo người kế nhiệm Barack Obama rằng “những người chỉ trích sẽ thịnh nộ còn bạn bè lại gây thất vọng cho ông”. Còn cựu Tổng thống Obama lại khuyến nghị người kế nhiệm Donald Trump “duy trì trật tự quốc tế đã ổn định từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”.

Các chuyên gia cho rằng bất kể ai trở thành ông chủ Nhà Trắng mới, dù là Tổng thống Trump đắc cử nhiệm kỳ hai hay đó là ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden, thì lời khuyên từ người đi trước vẫn sẽ có nội dung tập trung vào mối quan hệ với Trung Quốc.

Vị tổng thống đắc cử tuyên thệ vào tháng 1/2021 sẽ trở thành nhà lãnh đạo Mỹ đầu tiên trong 2 thập niên qua đối mặt với thách thức chính sách đối ngoại là trật tự thế giới đa cực với Mỹ không phải là cường quốc duy nhất.

Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ vị trí nền kinh tế hàng đầu thế giới và quy mô quân sự. Nhiều nhà quan sát cảnh báo về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Dưới thời Tổng thống Trump, Washington đã “tấn công” Bắc Kinh với thuế bổ sung, áp đặt lệnh trừng phạt lên một số quan chức Trung Quốc, phản đối hoạt động trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông. Năm nay, Tổng thống Trump còn đặc biệt chỉ trích Trung Quốc vì dịch COVID-19 và hai nước còn đóng cửa lãnh sự quán tại lãnh thổ của nhau.

Các chuyên gia nhận định rằng về phần mình, Trung Quốc sẽ tìm đến giải pháp khôi phục lại quan hệ với Mỹ trong tháng 1, bất kể kết quả cuộc bầu cử ngày 3/11 là gì.

Đại sứ Trung Quốc tại Washington Cui Tiankai vào đầu tháng 10 nói rằng Bắc Kinh “kiên quyết phản đối cuộc Chiến tranh Lạnh mới hoặc tách rời tương quan” và “cam kết với phát triển ổn định của mối quan hệ Mỹ-Trung”. Đại sứ Cui Tiankai bổ sung: “Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc đang trải qua khó khăn nghiêm trọng hiếm thấy trong mối quan hệ ngoại giao 41 năm qua. Điều này đã giảm nghiêm trọng lợi ích nền tảng của người dân Mỹ và Trung Quốc”.

Quan điểm tại Trung Quốc có nhiều chia rẽ về việc Tổng thống Trump hay ứng cử viên đảng Dân chủ Biden sẽ là nhân vật khiến mối quan hệ Washington-Bắc Kinh tốt đẹp hơn về dài hạn. Trung Quốc có xu hướng yêu thích sự ổn định nhưng ông Cheng Xiaohe tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá: “Mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc sẽ không quay trở lại như trước. Mối quan hệ này đã quá xấu”.

Nhiều nhà quan sát có chung quan điểm rằng nếu ứng cử viên đảng Dân chủ Biden giành chiến thắng, ông này sẽ theo đuổi chính sách ít gây hấn hơn với Trung Quốc. Ông Jeff Moon nói: “Ông Biden sẽ khôi phục phương thức truyền thống dựa vào cộng đồng quốc tế và các đồng minh của Mỹ, đưa ra quyết định thận trọng hơn về các vấn đề Mỹ-Trung. Phương pháp này sẽ dẫn đến mô hình dễ đoán trong cam kết song phương và giúp tái định hình lại tinh thần chung của quan hệ song phương bằng cách ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung và tránh khả năng gây hiểu nhầm có thể leo thang xung đột”.

Trong khi đó, nhiều khả năng Tổng thống Trump trong trường hợp chiến thắng nhiệm kỳ 2 sẽ tiếp tục duy trì phong cách khó đoán. Bà Jacques deLisle tại Đại học Pennsylvania đề cập đến thực tế ở những năm đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Trump dành nhiều lời tốt đẹp cho Chủ tịch Tập Cận Bình và các chuyên gia Trung Quốc cho rằng ông là “doanh nhân sẵn sàng tạo thỏa thuận và không tập trung vào vấn đề nhân quyền”.

Chú thích ảnh
Cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình trong một sự kiện năm 2013. Ảnh: Reuters

Bà Wendy Cutler từng làm việc tại Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ có quan điểm: “Bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ thì căng thẳng trong quan hệ hai quốc gia sẽ ngày càng tăng trong lĩnh vực kinh tế, chính trị, địa chiến lược, nhân quyền trong những năm tới”.

Nhà cựu ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc – ông Jeff Moon phân tích: “Dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, không có khả năng khôi phục hoàn toàn mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc bởi thái đội phản đối Bắc Kinh đã cứng rắn hơn tại Mỹ. Sự hung hăng của Trung Quốc còn đạt đến mức độ chưa từng có trong giai đoạn ‘Chiến Lang’ hiện nay”. Thuật ngữ “Chiến Lang” dùng để miêu tả phong cách ngoại giao có phần hiếu chiến và cạnh tranh của các nhà ngoại giao dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình.

Bên cạnh đó, ông Moon bổ sung rằng nhiều vấn đề sâu xa hơn có thể khó được giải quyết. Sau nhiều thập niên đối thoại Mỹ-Trung và hợp tác về mọi mặt trong các vấn đề song phương, Trung Quốc từ chối thay đổi chính sách và cách nhìn nhận các lo ngại của Mỹ. Do vậy, công thức đối khôi phục của Trung Quốc đối với Mỹ là không chấp nhận được”.

Chuyên gia Nick Marro tại nhóm nghiên cứu Economist Intelligence Unit thuộc tạp chí kinh tế The Economist CHO rằng mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi bắt nguồn từ cả 2 phía. Ông Nick Marro nhận xét: “Trung Quốc đang cố gắng để mối quan hệ không xấu đi nhưng lại chưa tạo nền tảng để quan hệ trở nên tốt đẹp hơn”.

Trong cuộc vận động tranh cử năm 2012, một đề tài tranh luận là Nga hay Trung Quốc là đối thủ lớn nhất của Mỹ. Trong một bài bình luận gần đây của hãng thông tấn Xinhua có đoạn “mối đe dọa Trung Quốc gần như là một âm mưu cố định trong các cuộc tổng tuyển cử tại Mỹ”.

Ông Marro đưa ý kiến: “Thỏa thuận thương mại giai đoạn một được đảm bảo bởi Tổng thống Trump lo ngại về việc tái đắc cử thay vì là biểu tượng của thay đổi thực chất trong quan hệ kinh tế Mỹ-Trung”.

Hà Linh/Báo Tin tức