05:08 04/05/2013

Trung Quốc lại rúng động bê bối thực phẩm

Trung Quốc đã bắt giữ hơn 900 người và tịch thu tới 20.000 tấn sản phẩm sau một chiến dịch truy quét nạn dùng thịt chuột, thịt cáo để bán trên thị trường giả dạng thịt bò và thịt cừu.

Trung Quốc đã bắt giữ hơn 900 người và tịch thu tới 20.000 tấn sản phẩm sau một chiến dịch truy quét nạn dùng thịt chuột, thịt cáo để bán trên thị trường giả dạng thịt bò và thịt cừu. Đây là vụ bê bối mới nhất xung quanh vấn nạn coi thường sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng để trục lợi bằng mọi cách ở Trung Quốc.

 

Treo đầu bò, bán thịt chuột


Theo hãng AFP, tin tức về chiến dịch kéo dài 3 tháng nói trên đã nối tiếp chuỗi bê bối thực phẩm gây xôn xao dư luận Trung Quốc trong thời gian qua như vụ dầu ăn “tái chế” giá rẻ, hay vụ sữa bột nhiễm melamine khiến 6 trẻ em tử vong và 300.000 người bị ảnh hưởng…


 

Một gian hàng bán thịt bò tại khu chợ ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Ảnh: Internet

Thông cáo trên trang web của Bộ Công an Trung Quốc ngày 3/5 viết: “Có 382 trường hợp thịt bơm nước, thịt cừu và bò giả, thịt động vật nhiễm bệnh và nhiều sản phẩm độc hại khác. 904 nghi phạm đã bị bắt giữ và hơn 20.000 tấn thịt giả hoặc chất lượng kém bị tịch thu”. Điển hình là các cửa hàng thịt ở tỉnh Giang Tô (miền đông Trung Quốc) lấy thịt cáo, thịt chuột cống ướp hóa chất để giả thịt cừu; hay ở tỉnh Quý Châu (tây nam) sử dụng hóa chất để tẩy chân gà.


Sau khi những thông tin trên được công bố, người tiêu dùng Trung Quốc đã rất phẫn nộ. Trên mạng xã hội lớn nhất Trung Quốc Sina Weibo, một người mỉa mai: “Có nên cảm ơn những người bán hàng tuyệt vời này không, bởi chúng ta gần như đã miễn dịch với hàng trăm loại hóa chất độc hại?”.

 

Thức ăn trẻ em nhiễm thủy ngân


Báo Thái Dương của Hồng Công (Trung Quốc) ngày 3/5 cho biết, qua kiểm tra có tới 60/63 loại thuốc nhỏ mắt ở các cửa hàng thuốc lớn tại Vũ Hán chứa chất bảo quản có hại cho sức khỏe. Theo các bác sĩ nhãn khoa, nếu sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa chất bảo quản lâu ngày sẽ gây tổn hại lớn tới mắt, trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến mù mắt. Vấn đề là không có quy định nhà sản xuất phải ghi rõ trên bao bì là thuốc nhỏ mắt của họ có chứa chất bảo quản hay không, cũng như tác hại của nó.

Thành Nam

Cùng ngày 3/5, nhà chức trách Trung Quốc đã ra lệnh thu hồi 23 lô thực phẩm dành cho trẻ em mang nhãn hiệu Heinz sản xuất tại nước này. Nguyên nhân do hàm lượng thủy ngân trong các sản phẩm vượt mức cho phép. Các xét nghiệm cho thấy những lô hàng nói trên được chế biến từ cá biển và có hàm lượng thuỷ ngân trung bình 0,03mg/kg, vượt quá 3 lần mức cho phép.


Đại diện hãng Heinz ở Trung Quốc thông báo họ đã bắt đầu thu hồi toàn bộ 5 lô thịt cá ngừ khô thái sợi, đồng thời cam kết sẽ hoàn lại tiền cho khách hàng đã mua sản phẩm và sẽ tăng cường giám sát nguyên liệu sản xuất.


Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc ngày 3/5 cũng thông báo một loạt kiến nghị về những hình phạt nặng hơn đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ thực phẩm không an toàn. Bộ luật hình sự hiện hành của Trung Quốc mặc dù cấm thực phẩm không an toàn nhưng chưa nêu rõ hành vi nào bị coi là vi phạm luật. Pei Xianding, một quan chức Tòa án Nhân dân Tối cao nói: “Chúng tôi hy vọng đây sẽ là công cụ hiệu quả hỗ trợ cho cảnh sát và các cơ quan hành pháp”.


Hải Yến (P/v TTXVN tại Trung Quốc) - Hà Linh