09:19 08/09/2016

Trung Quốc lại dính bê bối phân biệt chủng tộc

Sau khi đưa ra hướng dẫn du lịch mang tính “phân biệt chủng tộc”, hãng hàng không Air China của Trung Quốc mới đây đã trở thành cái tên khiến báo chí quốc tế phải nhắc đến liên tục.

Một máy bay của hãng hàng không Air China.

Tạp chí Wings of China của hãng hàng không Air China đã đăng các thông tin hướng dẫn an toàn cho du khách trong đó có nội dung: “Thủ đô London (Anh) là thành phố khá an toàn để khám phá, tuy nhiên du khách cần cảnh giác khi đến những khu vực có đông dân số là người gốc Ấn Độ, Pakistan và da đen”.

Tạp chí này còn bổ sung: “Chúng tôi khuyên các du khách không ra ngoài một mình vào buổi tối. Du khách nữ luôn cần có người đồng hành khi đi thăm thú”.

Những nội dung do tạp chí của Air China đăng tải đã khiến nghị sĩ Anh Virendra Sharma không thể im lặng, ông nêu rõ: “Tôi đã sốc và thấy thật kinh hoàng khi đến thời điểm này vẫn còn có những người viết ra được dòng thông tin phân biệt chủng tộc và không chính xác như vậy”.

Ông Virendra Sharma cho biết đã trao đổi với Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh về vụ việc. Được biết nghị sĩ Công đảng Virendra Sharma là người gốc Ấn Độ di cư đến Anh từ thập niên 60 của thế kỷ trước.

Trong khi đó, cả hãng hàng không Air China và Đại sứ quán Trung Quốc đều chưa đưa ra phát ngôn chính thức liên quan tới những lời khuyến nghị gây tranh cãi này. Còn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vào ngày 8/9 đã nhắc nhở Air China "giải quyết thích đáng vụ việc".

Vụ bê bối trên diễn ra vào đúng thời điểm mối quan hệ giữa Bắc Kinh và London đang khá “lạnh nhạt”. Thủ tướng Anh Theresa May mới đây đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Trung Quốc khai mạc ngày 4/9. Tại sự kiện này, bà Theresa May đã vững vàng bảo vệ quyết định trì hoãn dự án nhà máy điện hạt nhân tại nước này mà Trung Quốc rót nguồn vốn “khủng”.

Theo đó, Trung Quốc dự định đóng góp 1/3 kinh phí xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên của Anh trong nhiều thập niên qua tại Hinkley Point, tây nam nước Anh. Tuy nhiên chính phủ Anh đã hoãn việc ký kết thỏa thuận.

Đây không phải là lần đầu tiên cộng đồng quốc tế nhắc đến các vụ việc phân biệt chủng tộc gây xôn xao tại Trung Quốc.

Vào đầu năm nay, một công ty Trung Quốc đã tung đoạn video quảng cáo với nội dung một người đàn ông da màu bị ném vào máy giặt và biến thành thanh niên Trung Quốc trắng trẻo sạch sẽ. Tiếp đó, poster của phần mới nhất loạt phim Star Wars khi xuất hiện tại Trung Quốc đã bị chỉnh sửa trắng trợn với diễn viên chính người da màu John Boyega bị "thu nhỏ" và làm mờ nhạt hơn so với các diễn viên da trắng.

Hà Linh (Theo AFP, CNN)