05:11 21/05/2014

Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông - Lợi bất cập hại

Bắc Kinh đã tính toán gì khi ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là câu hỏi được nhiều nhà phân tích chính sách ngoại giao Trung Quốc đặt ra.

Bắc Kinh đã tính toán gì khi ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là câu hỏi được nhiều nhà phân tích chính sách ngoại giao Trung Quốc đặt ra.

Tạo xung đột

Theo Brad Glosserman, Giám đốc điều hành Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), Trung Quốc dường như đang muốn khiêu khích và tạo xung đột với hầu hết các nước láng giềng. Trong nhiều năm qua, Bắc Kinh đã thực hiện nghiêm câu nói "giấu mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình. Điều này được Bắc Kinh thể hiện qua "nụ cười ngoại giao" và hợp tác trên cơ sở "hai bên cùng thắng" trong những năm 1990 ở khắp châu Á, nhằm trấn an các nước trong khu vực.

Trung Quốc đã cử cả tàu chiến và máy bay chiến đấu để bảo vệ giàn khoan Hải Dương-981. Ảnh: TTXVN


Nhưng giờ đây, trong khi những tuyên bố kiểu như vậy của giới lãnh đạo tại Bắc Kinh vẫn không hề thay đổi, thì chính sách của nước này lại trở nên khiêu khích nhiều hơn, với việc công khai tạo áp lực với Philippines trong trong chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông và ép Nhật Bản phải thừa nhận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là khu vực đang tranh chấp. Gây hấn với Manila và Tokyo vẫn không đủ, Bắc Kinh đã đưa Việt Nam vào danh sách này với hành vi ngang nhiên hạ đặt giàn khoan vào sâu thềm lục địa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc còn cử gần 100 tàu các loại, trong đó có cả tàu chiến và máy bay chiến đấu, để bảo vệ giàn khoan này. Điều này cho thấy sự leo thang quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Minh chứng cho điều này là việc Trung Quốc gần đây cũng đã phái rất nhiều tàu quân sự đến vùng biển tuyên bố chủ quyền của Malaysia với lý do là tìm kiếm chiếc máy bay mất tích MH370 cùng với 150 hành khách người Trung Quốc. Trước đó, tháng 1/2014, một tàu đổ bộ tấn công và 2 tàu khu trục Trung Quốc đã tuần tra bãi chìm James (cực Nam của "đường 9 đoạn"), cách Malaysia 80km, và tổ chức một buổi lễ thề bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc. Trên thực tế, đây là một bãi đá chìm hoàn toàn dưới biển nên nó khiến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trở nên nực cười.

Trung Quốc cũng khẳng định chủ quyền đối với vùng biển gần Indonesia. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Indonesia thông báo rằng bản đồ mới của Trung Quốc trong đó có "đường 9 đoạn" vô lý đã bao phủ cả vùng biển Natuna mà Jakarta tuyên bố chủ quyền. Và gần đây nhất, các phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho biết, các tàu của Trung Quốc đang lợi dụng sự phân tâm của lực lượng Cảnh sát biển Hàn Quốc sau thảm họa lật phà Sewol, đã đánh bắt cá bất hợp pháp trong vùng biển Hàn Quốc.

Đẩy sự chú ý ra bên ngoài


Ông Glosserman cho rằng những hành động trên của Trung Quốc thực sự gây quan ngại, đặc biệt là đối với các nước láng giềng. Suy đoán về lý do của những hành động này, có ý kiến cho rằng tình hình chính trị nội bộ trong nước đã thúc đẩy Bắc Kinh có những động thái gây hấn với bên ngoài. Trên thực tế, Trung Quốc đang phải đối mặt với các vấn đề trong nước nghiêm trọng. Bắc Kinh đang thực hiện chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn và đã có nhiều cán bộ lãnh đạo cao cấp bị “nhúng chàm”. Chiến dịch chống tham nhũng đó đe dọa sẽ làm giới tinh hoa tại Bắc Kinh bị chia rẽ.

Tiếp theo là vấn đề kinh tế. Sau nhiều thập kỷ tăng trưởng 2 con số, nền kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây đã có dấu hiệu chậm lại. Bên cạnh đó, vấn đề ô nhiễm môi trường cũng đang tạo áp lực rất lớn đối với Bắc Kinh. Ô nhiễm đất, nước và không khí đã ở mức đe dọa nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng đến sự tồn tại lâu dài của nhà nước.

Bên cạnh đó là các vụ khủng bố, bạo động xuất hiện ngày càng nhiều và có nguy cơ lan rộng. Trong điều kiện như vậy, Bắc Kinh gây gổ với hầu hết các nước láng giềng của mình cũng là điều dễ hiểu.

Cộng đồng người Pháp biểu tình phản đối hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ảnh: TTXVN


Tình hình nội bộ của Trung Quốc đang có nhiều vấn đề nên giới lãnh đạo nước này muốn hướng sự quan tâm của người dân ra bên ngoài thay vì tập trung vào các vấn đề trong nước là nhận định của nhiều chuyên gia.

Sai lầm chiến lược

Việc Trung Quốc đặt giàn khoan dầu ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam đã khiến căng thẳng trong khu vực lên ở mức cao nhất từ trước tới nay. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã sai lầm chiến lược trong hành động này bởi nó khiến hình ảnh quốc tế của Bắc Kinh bị ảnh hưởng và khiến các quốc gia nhỏ ở Đông Nam Á coi Trung Quốc là kẻ bắt nạt ở Biển Đông. Động thái trên của Bắc Kinh cũng được nhận định là có thể tạo ra một liên minh chống Trung Quốc ở châu Á.

Dingding Chen, Phó Giáo sư về Quản lý và Hành chính công tại Đại học Macau (Trung Quốc) chuyên nghiên cứu về chính sách đối ngoại, chính trị, nhân quyền của Trung Quốc và an ninh châu Á, cho rằng thời điểm Bắc Kinh hạ đặt giàn khoan nước sâu trong thềm lục địa Việt Nam chỉ là sự “ngẫu nhiên”. Hải Dương-981 là giàn khoan lớn được Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD và xây dựng trong một thời gian dài nên trước sau gì Bắc Kinh cũng sẽ đưa nó ra các vùng biển “tranh chấp” để khai thác dầu khí.

Trung Quốc hành xử ngang ngược ở Biển Đông, dùng vòi rồng công suất lớn phun vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Ảnh: TTXVN


Ông Chen cùng một số học giả ở Trung Quốc cũng đồng chia sẻ quan điểm rằng, vụ việc trên đã khiến hình ảnh của Trung Quốc trước cộng đồng quốc tế bị sứt mẻ, làm tổn thương mục tiêu của Trung Quốc là thúc đẩy ổn định và hòa bình trong khu vực - một một mục tiêu trọng tâm mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra tại hội nghị bàn về những công việc ngoại giao chủ yếu trong khu vực năm 2013. Trung Quốc sẽ là không khôn ngoan khi khiêu khích và tạo xung đột với các quốc gia láng giềng và Bắc Kinh cần nỗ lực để ổn định quan hệ Trung - Việt.


Công Thuận
(Tổng hợp)