Giới chức y tế Trung Quốc vừa ban hành lệnh cấm tạm thời đối với một phương pháp phẫu thuật điều trị bệnh Alzheimer, vốn đã được áp dụng tại gần 400 bệnh viện trên toàn quốc. Quyết định được đưa ra sau khi các chuyên gia cảnh báo thiếu cơ sở khoa học vững chắc về hiệu quả và độ an toàn của kỹ thuật này.
Phương pháp phẫu thuật nối bạch mạch-tĩnh mạch (lymphatic-venous anastomosis, LVA) nhằm kết nối các mạch bạch huyết của bệnh nhân với tĩnh mạch gần cổ để tăng tốc độ dẫn lưu dịch bạch huyết. Mục tiêu là loại bỏ nhanh hơn các protein có hại tích tụ trong não – yếu tố được cho là góp phần gây thoái hóa thần kinh – và làm chậm tiến triển của bệnh.
Sau ca phẫu thuật đầu tiên vào năm 2021 tại một bệnh viện tư nhân ở Hàng Châu, kỹ thuật này đã nhanh chóng được áp dụng phổ biến, đặc biệt trong năm qua. Tính đến cuối tháng 6, khoảng 382 bệnh viện thuộc hầu hết các tỉnh thành Trung Quốc đã thực hiện phương pháp này.
Tuy nhiên, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh trong thông báo ngày 8/7 rằng đây vẫn chỉ là hướng nghiên cứu thử nghiệm, chưa xác định rõ chỉ định, chống chỉ định và “thiếu các bằng chứng y khoa chất lượng cao” chứng minh hiệu quả lâm sàng. Theo đó, phương pháp phẫu thuật bị cấm sử dụng trong điều trị bệnh Alzheimer cho đến khi có thêm dữ liệu nghiên cứu.
Cơ quan quản lý không loại trừ khả năng sẽ cho phép triển khai lại nếu các nghiên cứu tiền lâm sàng đủ thuyết phục.
Sau chỉ đạo mới, nhiều bệnh viện đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng đã phải ngừng hoạt động. Một bác sĩ tại Bệnh viện Liên kết Đại học Y khoa Quảng Đông cho biết nghiên cứu của họ, mới tuyển bệnh nhân từ cuối tháng 5, đã bị đình chỉ từ đầu tháng 7 mà “không rõ khi nào có thể tiếp tục”. Một bác sĩ khác tại Bệnh viện số 2 Đại học Cát Lâm cũng chia sẻ nhóm của ông bị yêu cầu dừng dự án từ ngày 28/6, ngay trước thời điểm dự kiến bắt đầu can thiệp.
Từ khi được công bố, phẫu thuật LVA từng được một số bác sĩ quảng bá trên mạng xã hội với tuyên bố có hiệu quả trên “60-80% bệnh nhân”. Tháng 12 năm ngoái, Bệnh viện Tương Nhã thuộc Đại học Trung Nam cho biết đội ngũ của bác sĩ Tang Juyu đã thực hiện hơn 70 ca, quan sát thấy “khoảng 80% bệnh nhân cải thiện”, dù ông Tang thừa nhận đó chỉ là đánh giá sơ bộ, định tính.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ nghi ngờ về cơ chế tác dụng và tính bền vững của kết quả. Bác sĩ Fan Dongsheng, chuyên gia thần kinh Bệnh viện số 3 Đại học Bắc Kinh, cảnh báo rằng cơ sở khoa học giải thích phương pháp này chưa được nghiên cứu đầy đủ, “hiện tại chưa đủ sức thuyết phục”. Ông cũng chỉ ra rằng các báo cáo cải thiện triệu chứng phần lớn chỉ dựa trên quan sát chủ quan, không theo chuẩn đánh giá được thừa nhận. Bác sĩ Fan hoan nghênh quyết định tạm dừng, gọi việc hàng trăm bệnh viện, trong đó có cả cơ sở nhỏ, áp dụng đại trà và thu phí bệnh nhân là “rõ ràng có vấn đề”.
Trên mạng xã hội, nhiều người chia sẻ lo lắng người thân sẽ mất cơ hội tiếp cận điều trị. Một người ở Liêu Ninh viết: “Nếu gia đình đồng ý, tôi nghĩ vẫn nên thử, vì có bệnh nhân rất nặng, người nhà kiệt sức và tuyệt vọng”. Một người đàn ông cho biết cha mình sau khi phẫu thuật hồi tháng 3 đã cải thiện rõ, có thể nhận biết người thân và tự chăm sóc bản thân, nên “nếu có cơ hội, đa số gia đình vẫn sẽ chọn thử”.
Trong khi đó, bác sĩ Cheng Chongjie, người đầu tiên công khai giới thiệu phương pháp này hồi tháng 12, bày tỏ ủng hộ quyết định của chính phủ. Trong video đăng tải ngày 10/7, ông nói: “Tôi hoàn toàn đồng ý dừng kỹ thuật này. Tôi cho rằng lẽ ra phải dừng từ lâu vì chưa có quy trình tiêu chuẩn”.
Ông Cheng, công tác tại Bệnh viện số 1 Đại học Y khoa Trùng Khánh, cho biết hiệu quả điều trị rất không đồng đều, có nơi chỉ đạt dưới 30%. Ông hy vọng động thái lần này sẽ giúp cơ quan quản lý xây dựng quy trình chuẩn và phối hợp cùng các bệnh viện lớn tiến hành nghiên cứu đa trung tâm, chất lượng cao để đánh giá toàn diện hơn.