09:22 30/09/2011

Trung Quốc - Đất nước của sự trỗi dậy diệu kỳ

Ngày nay, mỗi du khách nước ngoài đến Trung Quốc dường như đều có cảm nhận giống nhau, đó là đang ở một nước nào khác chứ không phải Trung Quốc.

Ngày nay, mỗi du khách nước ngoài đến Trung Quốc dường như đều có cảm nhận giống nhau, đó là đang ở một nước nào khác chứ không phải Trung Quốc. Nước đó vừa giống châu Âu vừa giống châu Á, đôi chỗ có những khu phố xen lẫn các trường phái kiến trúc khiến người ta nghĩ đến những ngôi biệt thự cổ đại ở nước Nga Sa hoàng hay nước Ý từ thời đế chế La Mã. Không chỉ biểu hiện về mặt kiến trúc mà điều đem đến cảm giác dễ chịu còn là cảnh quan nơi có những công trình kiến trúc đó, mặc dù có chỗ không hoàn toàn tĩnh lặng như mong ước đối với những khu lãng mạn thực cách đây từ nhiều thế kỷ, vì căn bệnh thời đại khó tránh ở rất nhiều nước hiện nay: xe cộ quá nhiều, quản lý đô thị theo cách của thời hiện đại.

Trung Quốc – Một đất nước trỗi dậy diệu kỳ trong thời gian qua.


Hội nghị toàn thể Trung ương 3 khóa 11 Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12/1978 được coi là khởi điểm của chủ trương cải cách mở cửa, là thời điểm mang dấu ấn lịch sử gắn liền với quá trình trỗi dậy và “cất cánh”, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia hoàn toàn mới như hiện nay.

Người Trung Quốc có cách nói về nước “Trung Quốc mới” để chỉ nước CHND Trung Hoa được Chủ tịch Mao Trạch Đông chính thức tuyên bố thành lập từ ngày 1/10/1949, đến nay nước này lại một lần mới nữa. Theo các nhà lý luận Trung Quốc, từ năm 1949 đến nay, Trung Quốc đã có ba lần chuyển đổi lớn về phương thức phát triển.

Lần thứ nhất là năm 1956, Trung Quốc hoàn thành 3 đợt cải tạo lớn về nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, đánh dấu quá trình Trung Quốc từ xã hội dân chủ mới chuyển sang xã hội xã hội chủ nghĩa, đây là lần chuyển đổi lớn về “chế độ xã hội”; lần thứ hai là sau năm 1978, Trung Quốc thực hiện chính sách cải cách mở cửa, từng bước phá bỏ sự trói buộc của thể chế kinh tế kế hoạch truyền thống, xây dựng thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, là lần chuyển đổi lớn về “thể chế kinh tế”; lần thứ ba mở đầu bằng Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011—2016), sẽ chuyển đổi từ phương thức phát triển quảng canh chạy theo số lượng sang phương thức phát triển tập trung chất lượng.

Lần chuyển đổi này sẽ vượt ra ngoài quy mô của bản thân nền kinh tế, sẽ định hướng, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình và cấu trúc lại trong các lĩnh vực, bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, sinh thái…, vì thế đây sẽ là lần nâng cấp và biến đổi toàn diện về mô hình phát triển, cũng có nghĩa lần chuyển đổi này sẽ nặng nề khó khăn, phức tạp và lâu dài, bởi hiện nay cơ cấu xã hội đã bị đảo lộn và phân tầng, phân hóa mạnh nhưng chưa hoàn toàn định hình được mô hình chuẩn mới để xây dựng lại ở cấp độ cao hơn, phần nào vẫn tiếp tục “dò đá qua sông”. Từ thời kỳ “Kế hoạch” 5 năm lần thứ 11 (2006-2010), Trung Quốc đổi lại tên gọi “Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội” thành “Quy hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội” để nhấn mạnh quan điểm phát triển khoa học, phát triển toàn diện, hài hòa chứ không chỉ coi kinh tế là trọng tâm như trước, khái niệm “tăng trưởng” được thay bằng khái niệm “phát triển” để thực hiện “phi GDP hóa”, thay đổi lại cách xác định kinh tế là tối thượng.

Có nhiều nguồn động lực để Trung Quốc trở thành như hiện nay, một trong những nguồn như vậy là đã dựa vào con đường phát triển đúng đắn, phù hợp với điều kiện của đất nước mình, là ý chí đồng lòng của hơn 1,3 tỉ dân được huy động một cách hữu hiệu trên cơ sở ý thức tự tôn dân tộc. Người Trung Quốc hiện nay rất tự hào là nước có nền văn minh cổ, có bề dầy lịch sử 5.000 năm, từng có nền văn hóa độc đáo, và cả những phát minh về khoa học công nghệ đóng góp cho lịch sử nhân loại như “tứ đại phát minh” (kỹ thuật làm giấy, kỹ thuật in, la bàn, thuốc súng).

Người Trung Quốc cũng tự hào về một thời kỳ hoàng kim của dân tộc Trung Hoa thời Thịnh Đường với GDP chiếm trên 1/3 GDP thế giới, “có cả trăm nước đến triều kiến”. Về văn hóa, cùng với các loại hình tiểu thuyết, âm nhạc, múa, hội họa, điêu khắc, chính thời kỳ này ở Trung Quốc đã sản sinh ra hơn 2.000 thi nhân, để lại cho hậu thế hơn 50.000 viên ngọc quý là những bài thơ cổ với nhiều phong cách khác nhau, trong đó Lý Bạch, Đỗ Phủ là những cây đại thụ. Khổng giáo, Đạo giáo là những di sản quý về phép trị nước bằng tu dưỡng đạo đức, lòng nhân đạo và tìm cách phát huy những tiềm năng phi thường vốn có trong mỗi thực thể con người để phục vụ cho bản thân con người từ thời cổ đại (mỗi người được coi là một tiểu thế giới), đến nay vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu…

Những nguồn lực như vậy khi được khơi dậy đã làm nên kỳ tích, đưa Trung Quốc từ một nước vừa lạc hậu vừa đói nghèo trong thời kỳ đầu thành lập nước, sản lượng lương thực cao nhất năm 1949 chỉ khoảng 112 triệu tấn, đến nay GDP đứng thứ hai thế giới, dự trữ ngoại tệ và xuất khẩu đều đứng đầu thế giới, là thị trường xe hơi lớn nhất thế giới, đời sống nhân dân đã khá lên.

Tuy nhiên Trung Quốc vẫn xác định mình là nước đang phát triển, vì thu nhập GDP bình quân đầu người vẫn còn ở vị trí trên dưới 100 trong bảng xếp hạng của thế giới, những vấn đề cần phải giải quyết của Trung Quốc còn nhiều. Kinh tế tăng trưởng nhanh tạo nên tình trạng quá nóng, điều kiện cơ sở vật chất không đáp ứng kịp gây rối loạn, Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 đặt mục tiêu giảm tỉ lệ tăng trưởng GDP xuống còn 7% nhưng không đơn giản. Kinh tế tăng nhanh sẽ quá nóng, khó kiểm soát, nhưng chậm lại sẽ ảnh hưởng số phận của biết bao xí nghiệp bị đình đốn, thậm chí phải đào thải.

Trong buổi họp báo ngay sau khi kết thúc kỳ họp Lưỡng Hội vào tháng 4 năm nay, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho biết có hai vấn đề khó khăn lớn nhất trong thời kỳ Quy hoạch 5 năm lần thứ 12 là quan niệm và cơ chế sáng tạo. Về quan niệm, phải thay đổi triệt để quan niệm “duy GDP”. Phải không ngừng nâng cao tổng lượng kinh tế, cải thiện dân sinh, nhưng không thể trả giá quá cao về tiêu phí năng lượng, tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường. Về cơ chế sáng tạo, Thủ tướng Ôn Gia Bảo nói giáo dục và khoa học công nghệ chính là yếu tố quyết định sự phát triển của quốc gia. Có hai con số quan trọng hơn GDP là tỉ trọng chi phí cho giáo dục và tỉ trọng chi phí dành cho nghiên cứu phát triển trong nền kinh tế quốc dân, đó mới là nhân tố phát triển bền vững nhất, đáng tin cậy nhất và có sức mạnh nhất quyết định lực lượng sáng tạo của Trung Quốc.

Sau hơn 60 năm phát triển, nhiều người Trung Quốc thổ lộ bản thân cũng không biết trước được rằng hôm nay đất nước mình đang phát triển như vậy.

Trần Huy Cậy (P/v TTXVN tại Bắc Kinh)