05:19 29/05/2014

Trung Quốc đang lấn át Mỹ từng bước

Từng bước một, Bắc Kinh đang tạo ra các sự kiện mới và với mỗi sự cố, Trung Quốc thể hiện sự thách đấu với Mỹ.

Từng bước một, Bắc Kinh đang tạo ra các sự kiện mới và với mỗi sự cố, Trung Quốc thể hiện sự thách đấu với Mỹ.

Liệu với những hành động hung hăng gần đây trong khu vực, Trung Quốc đang có những hành động sai lầm hay là có tính toán? Tóm lại, đó là cuộc tranh cãi về chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nhìn bề ngoài, dường như nó là nỗ lực nhằm kích động các nước láng giềng khi trong những tuần gần đây, Bắc Kinh đã lựa chọn cách gây hấn với đồng thời cả 3 nước Nhật Bản, Việt Nam và Philippines.

Tàu chiến của Trung Quốc trong một cuộc diễn tập.


Trường hợp đặc biệt nghiêm trọng và nguy hiểm đã xuất hiện sau khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hồi đầu tháng 5 này. Trung Quốc cũng đã huy động hàng trăm tàu các loại để bảo vệ giàn khoan phi pháp trên, sẵn sàng dùng vòi rồng công suất lớn bắn vào các tàu chấp pháp của Việt Nam và đâm chìm cả tàu cá của ngư dân Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã khiêu khích những tuyên bố hàng hải của Manila bằng cách tiến hành các hoạt động cải tạo đất trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Bộ Ngoại giao Philippines mới đây cáo buộc Trung Quốc đang cho xây dựng một đường băng trên đảo này. Sau khi buộc Mỹ ra khỏi căn cứ hải quân ở vịnh Subic vào năm 1992, Manila giờ đây đã yêu cầu Washington quay trở lại. Trong chuyến công du châu Á mới đây của Tổng thống Barack Obama, hai bên đã ký một thỏa thuận cho phép tàu và máy bay chiến đấu của Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự của Manila.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đối đầu với Nhật Bản sau khi điều hai chiến đấu cơ của nước này bay sát một cách bất thường các máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Hoa Đông, nơi các vùng nhận dạng phòng không của 2 nước chồng lấn nhau vào ngày 24/5. Sự gây hấn của Trung Quốc trong thời gian gần đây cũng là một nguyên nhân thúc đẩy chính phủ của Thủ tướng Abe tích cực thảo luận khả năng và cách thức để Tokyo có thể nới lỏng những hạn chế từ thời hậu chiến đối với Lực lượng Phòng vệ (SDF). Nỗ lực này nhằm cho phép SDF tham gia phòng vệ tập thể, bảo vệ đồng minh khi bị tấn công vũ trang, hoặc sử dụng vũ khí trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Có thể nói, trong ngắn hạn, hành động ngang ngược của Trung Quốc đang khiến các nước láng giềng của Bắc Kinh xích lại gần nhau. Tất cả những dấu vết về "ngoại giao thân thiện" của Trung Quốc dường như đã biến mất. Brad Glosserman tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) cho rằng, hành động trên của Trung Quốc là "rất khó hiểu" khi mà nước này đang phải đối mặt với một số vấn đề nội bộ nghiêm trọng như, tăng trưởng kinh tế suy giảm, nạn ô nhiễm, tham nhũng và bất ổn ở Khu tự trị Tân Cương...

Tuy nhiên, theo Giáo sư Hugh White, chuyên gia nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia, sự gây hấn của Trung Quốc thời gian gần đây là không có gì đáng ngạc nhiên. Bởi vì, sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi xây dựng "mô hình quan hệ nước lớn kiểu mới". Có nghĩa là, Bắc Kinh muốn được đối xử ngang bằng với Washington, muốn có nhiều ảnh hưởng hơn, ít nhất là ở khu vực Thái Bình Dương.

Mỹ sẽ đối phó thế nào với hành động hung hăng của Trung Quốc?


Đây có lẽ là mục tiêu không lay chuyển và không thể ngăn lại được của Trung Quốc. Đó là một cuộc cạnh tranh không đối xứng, cụ thể là về khả năng quân sự giữa Bắc Kinh và Washington (Trung Quốc không có khả năng theo kịp sự phát triển tàu sân bay của Mỹ, nhưng có thể có các loại tên lửa đánh chìm chúng). Để duy trì  nguyên trạng, Mỹ cần phải ngăn chặn những hành động hung hăng của Trung Quốc và tất nhiên, Mỹ có thể vạch ra một "giới hạn đỏ" cho Trung Quốc.

Chỉ có điều, một số vấn đề Mỹ hiện đang "lực bất tòng tâm", ví dụ như việc Washington không thể ngăn cản được việc Bắc Kinh lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông hay ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và thậm chí, nhìn lại vấn đề Syria, giới hạn đỏ của Mỹ có thể chỉ là vấn đề không thực tế.

Trong khi quyền lực của Mỹ đang suy giảm, bằng cách lấn dần từng bước, Trung Quốc đang tạo ra những sự kiện mới trên mặt đất, hay đúng hơn là trên không và trên biển. Với mỗi sự cố mới này, Bắc Kinh đang thách thức Washington. Trong cuốn sách "Sự lựa chọn đối với Trung Quốc: Tại sao chúng ta nên chia sẻ quyền lực", Giáo sư Hugh White cho rằng, có 3 lựa chọn để Washington có thể đối phó với thách thức từ Bắc Kinh: 1- Mỹ rút khỏi châu Á - Thái Bình Dương (điều này là không thể, ngay cả trong suy nghĩ của Bắc Kinh); 2- Tìm cách duy trì ưu thế vượt trội và 3- Mỹ có thể thỏa hiệp.

Sự lựa chọn "nhượng bộ" sẽ truyền tải ý nghĩa tiêu cực khi mà Trung Quốc đang tìm cách chứng minh với các nước láng giềng rằng sự ngăn chặn Bắc Kinh là không thể và Mỹ cũng không sẵn sàng để bảo vệ các đồng minh cùng những đối tác của mình, cũng như không muốn dấn thân vào cuộc xung đột với Trung Quốc, cho dù điều đó sẽ làm suy yếu vị thế của Mỹ ở châu Á. Hơn nữa, Bắc Kinh tin rằng sự quyết đoán là thuộc về Trung Quốc. Rõ ràng, Washington muốn duy trì vai trò ở châu Á, nhưng Bắc Kinh thậm chí còn quyết tâm hơn trong việc tranh giành quyền lực với Mỹ. Lối hành xử của Trung Quốc cho thấy giới lãnh đạo ở Bắc Kinh nghĩ rằng Washington hiểu được sự mất cân bằng trong quyết tâm đó. Và các nhà lãnh đạo Mỹ cũng biết Trung Quốc sẽ không “xuống nước” đầu tiên trong một cuộc khủng hoảng. Đó thực sự là một chiến lược nguy hiểm nhưng có tính toán của Bắc Kinh.

 
Công Thuận
(Financial Times)