03:09 25/03/2014

Trung Quốc đắc lợi từ sức mạnh Mỹ

Sự sự hiện diện diện của Mỹ tại khu vực Đông Á đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, trong đó có cả vấn đề lợi ích nòng cốt của Trung Quốc là Đài Loan.

Sự triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ ở khu vực Đông Á thường được nhìn nhận như mối đe dọa và thách thức với Trung Quốc. Nhưng thực tế sự hiện diện của Mỹ tại khu vực cũng đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc, trong đó có cả vấn đề lợi ích nòng cốt của Trung Quốc là Đài Loan (Trung Quốc).

Giới hạn sức mạnh quân sự của Nhật Bản

Cam kết an ninh của Mỹ với Nhật Bản đã có hơn 6 thập kỷ cho phép Tokyo “tự do hành động” dựa trên sức mạnh Mỹ ở khu vực Đông Á và điều này cũng có nghĩa Nhật Bản không cần xây dựng một quân đội thông thường phù hợp với quy mô và sự giàu có của nền kinh tế. Hiện tại, Nhật Bản đang là một nhân vật quân sự quan trọng tại khu vực, nước này hoàn toàn có thể sở hữu một khả năng quân sự lớn mạnh hơn nếu không tin tưởng vào sự đảm bảo an ninh của Mỹ ở khu vực. Có thể thấy rằng việc Mỹ đảm bảo an ninh đã giới hạn quy mô và sức mạnh của quân đội Nhật Bản, đem lại lợi ích lớn cho Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc và Nhật Bản là hai nước có lịch sử xung đột và thù địch, hiện đang có những tranh chấp chủ quyền và cạnh tranh ngày càng gia tăng để trở thành nước đứng đầu Đông Á.

Hơn 1.500 lính Mỹ và 3.500 lính Nhật chuẩn bị cho cuộc tập trận tháng 12/2013


Trong tương lai, nếu Trung Quốc có thể thành công trong việc đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Đông Á, Tokyo sẽ sẵn sàng phản ứng với việc Mỹ giảm sức mạnh ở khu vực bằng việc thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng một quân đội thông thường của chính mình. Với Trung Quốc, đây có thể là được coi như một thắng lợi không đáng giá vì khi đó Bắc Kinh chỉ thành công trong việc thay thế sự hiện diện của Mỹ bằng sự gia tăng sức mạnh quân sự của Nhật Bản, điều mà Trung Quốc xem như mối đe dọa lớn hơn nhiều. Bởi vậy, việc tìm cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Đông Á không những không đem lại lợi ích cho Bắc Kinh mà thậm chí làm tồi hơn vị trí chiến lược của Trung Quốc so với Nhật Bản.

Vì lý do trên, Bắc Kinh có thể tiếp tục gia tăng và triển khai sức mạnh trong các khuôn khổ đã được xây dựng sẵn ở khu vực và được duy trì bởi sức mạnh quân sự Mỹ, đồng thời điều này cũng hạn chế hiệu quả khả năng và tham vọng xây dựng quân đội thông thường của Nhật Bản.

Phổ biến vũ khí hạt nhân

Sức mạnh quân sự Mỹ và cam kết bảo đảm an ninh tại Đông Á có thể được coi như nhân tố then chốt trong giải thích tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) lại không trở thành quốc gia (và vùng lãnh thổ) hạt nhân và tại sao ít có khả năng Tokyo, Seoul hay Đài Bắc ngấm ngầm hoặc công khai thể hiện tham vọng theo đuổi năng lực hạt nhân trong tương lai gần. Nhật Bản và Hàn Quốc, hai quốc gia được bảo vệ bởi hiệp ước quốc phòng và nôi hạt nhân Mỹ, không cần để ý tới sự cần thiết hay lợi ích để tìm cách đạt được sự độc lập về khả năng hạt nhân, mặc dù có sự thách thức về môi trường an ninh.

Trong thập niên 1970 và 1980, Mỹ sử dụng quan hệ và đòn bẩy về ngoại giao và quân sự gây ảnh hưởng buộc Đài Loan phải dừng chương trình hạt nhân trong hai lần khác nhau. Thực tế, việc Đài Loan có vẻ như đã từ bỏ mọi tham vọng theo đuổi khả năng hạt nhân phần lớn là do cam kết an ninh và sự phản đối mạnh mẽ từ Mỹ.

Sức mạnh Mỹ đã giúp ngăn chặn các nước sở hữu vũ khí hạt nhân, đem lại lợi ích chiến lược cho Trung Quốc. Nếu bất kỳ quốc gia láng giềng Đông Á nào sở hữu khả năng hạt nhân hay đang nghiêm túc theo đuổi chương trình hạt nhân thì Trung Quốc thực sự bị đe dọa và môi trường an ninh khu vực có thể trở nên phức tạp hơn nhiều. Điều này cũng làm tăng nguy cơ Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng hay tai nạn hạt nhân và cũng làm tăng lên khả năng Bắc Kinh bị kéo theo chính sách ngoại giao hạt nhân hoặc trong trạng thái “bên miệng hố chiến tranh” hạt nhân.

Việc sức mạnh Mỹ đóng vai trò chấm dứt khả năng phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á đem lại lợi ích chiến lược to lớn và ý nghĩa cho Bắc Kinh, bao gồm cả vấn đề lợi ích cốt lõi liên quan tới Đài Loan. Điều này thể hiện lợi ích đan xen lớn hơn giữa Trung Quốc và Mỹ ở khu vực và thêm một lần nữa chỉ ra rằng sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á chưa hẳn đã là mối thách thức và đe dọa lợi ích Trung Quốc và Bắc Kinh không cần thiết phải tìm cách đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Đông Á.

Tự do hàng hải

Sức mạnh Hải quân Mỹ ở vùng biển Đông Á và khu vực rộng lớn hơn là Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương đã và đang đem lại lợi ích to lớn cho Trung Quốc cả về mặt kinh tế và chính trị. Cam kết lâu dài và vững chắc để những tuyến đường hàng hải luôn tự do và ổn định cũng như khả năng để duy trì các tuyến đường này đã hỗ trợ và tạo điều kiện cho kinh tế Trung Quốc tăng trưởng ngoạn mục từ thập niên 1980. Hiện tại, không chỉ xuất khẩu Trung Quốc có thể tự do vận tải qua những tuyến đường hàng hải ổn định được đảm bảo bởi sức mạnh Mỹ mà một khối lượng khổng lồ dầu mỏ có vai trò then chốt với nền kinh tế Trung Quốc nhập khẩu từ Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh cũng đi qua những tuyến đường này.

Hoạt động của Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ ở khu vực Thái Bình Dương đóng góp cho tuyến đường hàng hải ở khu vực luôn tự do và ổn định


Chỉ với riêng dẫn chứng này đã là một ví dụ rõ ràng nhất việc Trung Quốc hưởng lợi thế nào từ sự hiện diện quân sự mạnh mẽ của Mỹ ở Đông Á. Đây cũng là lý do thuyết phục giải thích tại sao trong tương lai Bắc Kinh có thể không quan tâm tới việc tìm cách làm yếu hoặc thu bớt sự hiện diện của Mỹ ở Đông Á. Nếu Mỹ bị ép buộc để từ bỏ vai trò như người bảo lãnh với sự tự do và ổn định những đường hàng hải khu vực thì kinh tế Trung Quốc có thể phải trả một giá đắt vì mô hình kinh tế nước này phụ thuộc quá lớn vào hoạt động thương mại thông qua những đường hàng hải không bị ngắt quãng. Hiện tại không có nhiều bằng chứng chỉ ra rằng Bắc Kinh sẵn sàng hoặc có khả năng đảm nhận gánh nặng đảm bảo an toàn và tự do cho những tuyến hàng hải khổng lồ và nhộn nhịp ở Đông Á.

Thậm chí nếu Bắc Kinh sẵn sàng thay thế Mỹ với vai trò người bảo lãnh cho những đường hàng hải tự do ở Đông Á, các nước khác trong khu vực, đáng chú ý là Nhật Bản, sẽ ngăn cản viễn cảnh này và một nước riêng lẻ hoặc tổ chức nào đó sẽ tìm cách để lấp đầy khoảng trống quyền lực. Kết quả của việc này là sự tăng chi tiêu quốc phòng của các nước trong khu vực và khả năng diễn ra một cuộc chạy đua hải quân giữa các nước lớn ở Đông Á, gây nguy cơ làm đứt quãng thương mại hàng hải. Tất nhiên, cả hai quá trình "gây rắc rối" này sẽ không được Bắc Kinh chào đón.

Bắc Kinh hiện tại thu lợi khổng lồ từ những đường hàng hải tự do ở khu vực mà không phải chi trả về ngoại giao, tài chính và quân sự để duy trì hoạt động này. Đây là cơ sở để nhận định rằng Trung Quốc có thể ưa thích hơn việc Mỹ tiếp tục đảm nhận những chi phí đắt đỏ trong việc cung cấp môi trường ổn định ở khu vực.

Rõ ràng là sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Đông Á tạo thuận lợi cho một loạt những lợi ích nòng cốt của Trung Quốc. Bởi vậy, dự báo về việc Bắc Kinh và Washington đang chạm tới một cuộc chạy đua chiến lược không thể tránh khỏi sẽ không căng thẳng như những gì được đồn thổi. Những nhân tố được liệt ra ở trên không đảm bảo cho sự hòa hợp gữa hai cường quốc nhưng những nhân tố này bộc lộ rằng, trong khi có rất nhiều yếu tố thúc đẩy Mỹ và Trung Quốc hướng tới cạnh tranh thì cũng có nhiều nhân tố thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.


Đức Trung (Theo Diplomat)