12:13 21/12/2010

Trung Quốc công khai kế hoạch đóng tàu sân bay

Theo báo Hồng Công “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, đằng sau việc Bắc Kinh lần đầu tiên công khai kế hoạch đóng tàu sân bay là không ít câu hỏi về động thái này của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại


Theo báo Hồng Công “Bưu điện Hoa Nam buổi sáng”, đằng sau việc Bắc Kinh lần đầu tiên công khai kế hoạch đóng tàu sân bay là không ít câu hỏi về động thái này của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Theo báo cáo thường niên của Cục Quản lý Hải dương Trung Quốc (SOA), chính phủ nước này trong năm 2003 đã quyết định biến Trung Quốc thành một siêu cường hàng hải. Báo cáo “Phát triển Hải dương Trung Quốc năm 2010” cho biết thêm năm 2009, Trung Quốc đã thúc đẩy ý tưởng và kế hoạch cho việc xây dựng các tàu sân bay: “Những điều này thể hiện Trung Quốc đang bước vào một kỷ nguyên lịch sử trong việc xây dựng mình thành siêu cường hàng hải”.


Tàu sân bay được trang bị rất hiện đại-Ảnh internet


Cũng theo báo cáo này, công cuộc xây dựng trên là nhiệm vụ của Trung Quốc trong cả thế kỷ 21 và giai đoạn 2010-2020 có ý nghĩa quyết định cho việc thực hiện nhiệm vụ chiến lược này với mục tiêu cụ thể đặt Trung Quốc nằm trong số những quyền lực hàng hải “hạng trung”.


Luồng dư luận theo chủ nghĩa dân tộc và phe diều hâu trong quân đội Trung Quốc muốn Bắc Kinh công khai các kế hoạch đóng tàu sân bay để đáp trả các cuộc tập trận hải quân chung trong năm nay giữa Mỹ và Hàn Quốc ở Hoàng Hải, vùng biển gần với Bắc Kinh và trung tâm kinh tế Thiên Tân. Cuối năm 2008, Trung Quốc đã lần đầu hé lộ rằng họ hướng tới phát triển một tàu sân bay. Tháng 11/2008, Tướng Tiền Lợi Hoa, phụ trách đối ngoại của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, nói với truyền thông nước ngoài rằng “thế giới không nên ngạc nhiên nếu Trung Quốc đóng một tàu sân bay”.


Tháng 3/2009, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt nói với người đồng cấp Nhật Bản rằng Trung Quốc sẽ không thể duy trì được vị thế một quyền lực lớn mà mãi không có một tàu sân bay. 


Tuy nhiên, trước khi công bố báo cáo trên của SOA, Trung Quốc không hề đưa ra một xác nhận chính thức nào về kế hoạch này của mình. Đáng lưu ý, việc công khai này được “lẩn khuất” khéo léo ở phần cuối trong chương cuối của báo cáo dài 570 trang. Chính vì thế, dù báo cáo của SOA được công bố vào tháng 5 năm nay, mãi đến cuối tuần qua, thông điệp kín đáo trên mới được phát hiện.


Từ Quang Dụ, một tướng Trung Quốc về hưu, đánh giá rằng quyết định công khai kế hoạch đóng tàu sân bay của Bắc Kinh thông qua SOA là nhằm tránh để các quốc gia khác phản ứng quá mạnh đối với bước phát triển này: “Về tính pháp lý, SOA đủ tiêu chuẩn để thông báo bất cứ quy định, kế hoạch mới nào liên quan đến chiến lược hàng hải quốc gia trong thời bình. Thực tế, việc Bắc Kinh lựa chọn cơ quan này để thông báo kế hoạch sẽ hạn chế được phản ứng thái quá của bên ngoài”.


Chuyên gia trên cho rằng SOA, vốn hoạt động dưới quyền Bộ Tài nguyên Đất đai, là cơ quan chính thức chịu trách nhiệm cho việc xác lập, định hình các chiến lược biển của Trung Quốc, bao gồm cách thức để luật quốc tế về biển tương thích với các luật trong nước, lên kế hoạch nghiên cứu khoa học hải dương, khám phá các vùng biển, thương lượng với các quốc gia về những tranh chấp lãnh thổ trên biển.


Tuy nhiên, Tống Hiểu Quân, một chuyên gia về tàu hải quân tại Bắc Kinh cho rằng SOA không phải là cơ quan thích hợp nhất để thông báo một dự án quân sự quan trọng như vậy. Ông nói: “Kế hoạch đóng tàu sân bay nên được tuyên bố bởi Bộ Quốc phòng trong Sách Trắng Quốc phòng công bố hai năm một lần".


Tháng 10/2009, Bắc Kinh tuyên bố đang có kế hoạch đóng các tàu khu trục lớn thế hệ mới như một phần trong nỗ lực phát triển một hải quân viễn dương hiện đại. Thông tin đó cũng được đưa ra trong một báo cáo của Trung tâm Thông tin đóng tàu Trung Quốc (một viện trực thuộc tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc - nhà đóng tàu quốc doanh lớn nhất nước này).


Theo báo cáo, các tàu khu trục thế hệ mới sẽ có trọng lượng nước rẽ hơn 10.000 tấn và có khả năng trang bị các tên lửa siêu thanh chống hạm đời mới với tầm bắn 500 km.


Giới quan sát quân sự cho rằng những tàu chiến mới này rất quan trọng cho mục tiêu dài hạn của Trung Quốc về đóng và hoạt động các tàu sân bay.
Mới đây, truyền thông nước ngoài dẫn nguồn tin quân sự Trung Quốc nói rằng tàu sân bay “hàng nội” đầu tiên của Trung Quốc nhiều khả năng sẽ đóng xong sớm hơn một năm so với kế hoạch khi tiến độ đã được thúc đẩy nhanh chóng, suôn sẻ./. 


Theo TTXVN