11:05 15/11/2011

Trung Quốc có nên cứu trợ châu Âu?

Mới đây, mạng tin Bình luận Trung Quốc đăng bài của nhà nghiên cứu Đàm Tiểu Phần và Lý Đa dự báo rằng trong thời gian từ tháng 2 - 4/2012, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ đại bùng nổ.

Mới đây, mạng tin Bình luận Trung Quốc đăng bài của nhà nghiên cứu Đàm Tiểu Phần và Lý Đa dự báo rằng trong thời gian từ tháng 2 - 4/2012, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ đại bùng nổ. Nắm trong tay hơn 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối, việc Trung Quốc có ra tay cứu trợ châu Âu, có nên mua nợ (các loại trái phiếu) của châu lục này hay không, đang trở thành điểm nóng thu hút dư luận trong và ngoài Trung Quốc.

Các nhân viên y tế tham gia biểu tình tại quảng trường Syntagma ở thủ đô Athens (Hy Lạp). AFP/TTXVN

Theo các tác giả, về ngắn hạn, các nhà đầu tư thông minh sẽ đi ngược xu hướng của thị trường. Hiện nay, giá mua nợ châu Âu tương đối thấp, nhưng một khi châu Âu thoát khỏi khủng hoảng nợ, kinh tế châu Âu xuất hiện sự hồi phục, thì giá nợ của châu Âu chắc chắn sẽ tăng cao. Trong khi đó, Trung Quốc đang muốn đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ của mình, việc mua nợ châu Âu ở giai đoạn hiện nay rõ ràng là hành động đạt liền hai mục đích.

Hơn nữa, nếu xem xét ở góc độ lâu dài, với tư cách là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc nên gánh vác một phần trách nhiệm bảo đảm sự ổn định của kinh tế thế giới. Mua nợ châu Âu không còn là vấn đề kinh tế đơn thuần, mà đã trở thành vấn đề chính trị. Thông qua việc mua nợ châu Âu, cung cấp viện trợ cho châu Âu, Trung Quốc có thể tăng cường tình cảm chính trị với các nước châu Âu, có lợi cho hoạt động giao lưu hợp tác sau này giữa Trung Quốc và châu lục này trên các lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa...

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng nợ công đang ngày càng nóng và có nguy cơ lan từ Hy Lạp sang Italia (nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu) và Tây Ban Nha (nền kinh tế lớn thứ tư châu Âu). Gần đây, hai nước này đã bị ba tổ chức xếp hạng tín dụng lớn của thế giới hạ cấp tín dụng quốc gia, khiến niềm tin của thị trường ngày càng giảm. Tóm lại, cuộc khủng hoảng nợ châu Âu hiện vẫn chưa thấy đáy và lúc này không phải là thời cơ thích hợp cho việc mua nợ. Đồng thời, do chính phủ các nước thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa có giải pháp ứng phó với khủng hoảng nợ, nên viễn cảnh của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vẫn rất mờ mịt. Vì thế, các chuyên gia khuyên Trung Quốc cần hết sức thận trọng.

Trong giai đoạn này, theo các tác giả, Trung Quốc có hai phương thức chủ yếu để đầu tư vào nợ châu Âu. Một là, khi mua nợ châu Âu, yêu cầu ký kết hiệp định, lấy tài sản của nước vay nợ làm thế chấp. Có như vậy, Trung Quốc mới gây sức ép được với nước vay nợ, giảm khả năng tổn thất nếu nước vay vi phạm khế ước. Hai là, đầu tư vào châu Âu trên các lĩnh vực như chế tạo, công nghệ cao, hoặc đầu tư vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có nền tảng kĩ thuật, công nghệ mạnh để đưa kĩ thuật và công nghệ về Trung Quốc.

Hiện châu Âu đang phải đối mặt những thách thức lớn khi các khoản nợ khổng lồ của nhóm PIIGS (Bồ Đào Nha, Italia, Ailen, Hy Lạp và Tây Ban Nha) tới kỳ đáo hạn. Bắt đầu từ tháng 9/2011 tới cuối năm 2011, Italia cần phải huy động lượng tiền lên tới trên 160 tỷ USD để trang trải thâm hụt tài chính và trả gốc lẫn lãi các khoản nợ tới hạn thanh toán.

Nếu Italia tiếp tục gặp khó khăn trong việc huy động vốn, trong cơ chế cứu trợ đồng euro hiện nay, Liên minh châu Âu (EU) không có cách nào để cứu Italia thoát khỏi khủng hoảng nợ và rất có khả năng sẽ xuất hiện một cơn chấn động tài chính.

Từ năm 2012 tới năm 2014, các nước PIIGS sẽ bước vào thời kỳ cao điểm trả nợ. Đây cũng là khoảng thời gian thị trường kiểm nghiệm tình hình chấp hành chương trình thắt chặt chi tiêu của các nước trên. Nếu các nước này không thực hiện được kế hoạch cắt giảm thâm hụt tài chính như đã cam kết với Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF) và EU, thị trường sẽ mất niềm tin vào các nước này.

Hơn nữa, cơ chế bảo hiểm nợ mà Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu (EFSF) đưa ra gần đây nhằm thu hút nguồn tiền từ các nước như Trung Quốc cũng như việc thiết lập nó hiện vẫn chưa chín muồi. Nếu xem xét viễn cảnh phát triển của cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay, vấn đề nợ công có khả năng đại bùng nổ vào khoảng từ tháng 2 tới tháng 4/2012. Vì thế, việc đầu tư vào nợ châu Âu trong thời gian gần đây chưa chắc đã là một quyết định thông minh.

Hà Ngọc (P/v TTXVN tại Hồng Công)