09:07 15/09/2021

Trung Quốc ‘chờ đợi và quan sát’ khi quan hệ với Taliban

Bắc Kinh dường như chọn cách tiếp cận chờ đợi và quan sát trong quan hệ với Afghanistan dưới thời Taliban. Trung Quốc quan tâm đến nguồn lợi tài nguyên tiềm tàng, cung cấp viện trợ trị hàng chục triệu USD. Nhưng an ninh biên giới vẫn là điều đáng quan tâm nhất.

Chú thích ảnh
Thủ lĩnh chính trị của Taliban Abdul Ghani Baradar (trái) gặp Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ở Thiên Tân hồi tháng 7 vừa qua. Ảnh: DPA

Chính phủ Trung Quốc mới đây cam kết viện trợ nhân đạo cho Afghanistan 30 triệu USD. Trước đó, Bắc Kinh đã thể hiện quan điểm sẵn sàng ủng hộ chính quyền do Taliban đứng đầu khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tiếp đón một thành viên cao cấp của Taliban tại thành phố Thiên Tân trong tháng 7 vừa qua.

Khác với chuyến thăm đầu tiên của phái đoàn Taliban tới Trung Quốc năm 2015, lần này truyền thông Trung Quốc đưa đậm tin về cuộc gặp ở Thiên Tân. Tại đây, ông Vương Nghị nêu quan điểm tương lai của Afghanistan phải do chính người dân nước này quyết định và giờ là lúc họ có cơ hội thuận lợi để thiết lập ổn định và phát triển quốc gia.

Taliban “tấn công quyến rũ”

Theo học giả Helena Legarda đến từ Viện Nghiên cứu Trung Quốc Merics (Đức), Trung Quốc trước đây không có ý định can dự vào diễn tiến nội bộ tại quốc gia láng giềng Afghanistan, một chiến lược phù hợp với chính sách đối ngoại thực dụng và linh hoạt về hệ tư tưởng của Trung Quốc. Nhưng khi Taliban lên nắm quyền tại Kabul, Trung Quốc chắc chắn sẽ sẵn lòng hợp tác với lực lượng này.

Taliban mở chiến dịch “tấn công quyến rũ” trước Bắc Kinh ngay sau khi lên nắm quyền. “Trung Quốc là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi. Đây là cơ hội đặc biệt, bởi Trung Quốc sẵn sàng đầu tư và tái thiết Afghanistan”, phát ngôn viên Taliban Sabiullah Mujahid bày tỏ quan điểm trong bài trả lời phỏng vấn tờ nhật báo La Repubblica (Italy) hồi đầu tháng này.

Afghanistan có nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên để mời gọi, gồm có dầu mỏ, các khoáng sản quý hiếm như lithium và cobalt - vốn là nguyên liệu then chốt cho ngành công nghệ thông tin kĩ thuật số. Dường như Taliban sẽ rất vui mừng được cung ứng nguồn tài nguyên này cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, việc biến tiềm năng này thành thành hoạt động kinh tế cụ thể ra sao lại là vấn đề khác. Năm 2008, tập đoàn khai mỏ MCC của Trung Quốc bỏ ra khoảng 3 tỉ USD để mua giấy phép thăm dò, khai thác mỏ đồng Mes Aynak gần Kabul, được đánh giá là mỏ giàu trữ lượng bậc nhất thế giới. Nhưng kể từ đó đến nay dự án này vẫn trong tình trạng đắp chiếu. Nguồn tin của Reuters cũng xác nhận tập đoàn dầu khí CNPC của Trung Quốc cũng đang tính rút khỏi dự án khai thác mỏ dầu khí dọc lưu vực sông Amu Darya ở biên giới đông bắc Afghanistan.

An ninh là yếu tố Trung Quốc quan ngại nhất

Theo tờ Thời báo Hoàn cầu, một khi tình hình an ninh tại Afghanistan ổn định, các công ty tư nhân và nhà nước của Trung Quốc sẽ nhảy vào đầu tư ở quốc gia Nam Á này. “Nhiều quốc gia láng giềng đã thiết lập quan hệ kinh tế, thương mại chặt chẽ với Trung Quốc. Xét trong dài hạn, Afghanistan cũng sẽ không phải là ngoại lệ”, Thời báo Hoàn cầu viết.

Chú thích ảnh
Trung Quốc viện trợ nhân đạo cho Afghanistan trong cuộc chiến chống COVID-19. Ảnh: DPA

Tiềm năng khoáng sản, nhiên liệu là điều Trung Quốc lưu tâm, nhưng ổn định và an ninh biên giới tại Afghanistan giáp khu vực Tân Cương là điều Bắc Kinh theo dõi sát sao nhất. Taliban không được phép ủng hộ ngoại giao với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, hoặc cho phép người thuộc sắc tộc này tị nạn trên lãnh thổ Afghanistan – đó là giới hạn cao nhất Trung Quốc đặt ra.

Chính phủ Trung Quốc cũng quan tâm đến ổn định nội trị ở quốc gia láng giềng. Ngay sau khi Taliban lên nắm quyền, Bắc Kinh bày tỏ hy vọng chính phủ mới do Taliban lập ra sẽ mang tính đại diện cho các sắc tộc, cộng đồng ở Afghanistan. Thế nhưng thành phần trong chính quyền chuyển tiếp Taliban mới công bố tuần trước chỉ toàn các nhân vật của lực lượng này, không có đại diện nữ giới hay các sắc tộc khác ngoài Pashtun. Những nhóm bị loại trừ có thể sẽ là nhân tố tạo bất ổn.

Thực tế trên buộc Trung Quốc phải chọn cách tiếp cận quan sát và chờ đợi - bà Helena Legarda bình luận. Bắc Kinh sẽ theo dõi sát để thẩm định xem liệu Taliban có duy trì được hòa bình và ổn định ở Afghanistan hay không, có đủ khả năng bảo vệ lợi ích của Trung Quốc tại Afghanistan và khu vực hay không. Theo bà, Bắc Kinh sẽ can dự với Taliban, nhưng không công khai cam kết hậu thuẫn lực lượng này. Sự ủng hộ trước mắt sẽ tập trung vào trợ giúp nhân đạo.

Tuần trước, Trung Quốc cùng với Nga đã lên tiếng ủng hộ việc giải phóng 10 tỉ USD dự trữ của Afghanistan đang bị đóng băng ở nước ngoài do sức ép từ Mỹ. “Đây là những tài sản thuộc về người dân Afghanistan và nên để người dân nước này sử dụng. Không nên coi đây là công cụ để gây sức ép đe dọa hay kiềm chế”, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc Geng Shuang nói.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (DW)