12:10 01/12/2020

Trung Quốc chậm chân trong cuộc đua vaccine COVID-19?

Bắc Kinh từng dẫn đầu trong cuộc chay đua toàn cầu phát triển vaccine phòng COVID-19, nhưng lúc này các công ty dược ở Mỹ và châu Âu mới là những bên đầu tiên tiến gần đến việc đưa các ứng cử viên vaccine ra thị trường.  

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất vaccine COVID-19 của Sinovac ở Bắc Kinh. Ảnh: Nikkei

Theo trang Nikkei Asian Review, chính sách ngoại giao vaccine của Trung Quốc đang đối mặt với một bước lùi xung quanh những câu hỏi về tính hiệu quả và an toàn khi nước này đẩy nhanh tiến độ triển khai quy mô lớn tiêm chủng vaccine COVID-19 mặc dù ứng cử viên vaccine của họ vẫn còn trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Hôm 17/11, tạp chí y khoa The Lancet của Anh đăng tải một nghiên cứu về tính hiệu quả của ứng viên vaccine do công ty Sinovac Biotech (Trung Quốc) phát triển, dựa trên các thử nghiệm lâm sàng. Nghiên cứu phát hiện ra rằng ứng viên vaccine của Trung Quốc tạo ra mức độ kháng thể bảo vệ thấp hơn so với lượng kháng thể có ở bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục. Hiệu quả được xác định là ở mức vừa phải.

Trái lại, các ứng viên vaccine của Pfizer và Moderna (Mỹ) lại cho thấy hiệu quả phòng bệnh cao hơn 90%, trong khi vaccine của AstraZeneca (Anh) cho hiệu quả tổng thể 70%. Riêng Moderna ngày 30/11 cho biết vaccine do họ sản xuất có hiệu quả 94,1% trong ngăn ngừa COVID-19 và 100% trong ngăn ngừa các trường hợp mắc bệnh nghiêm trọng. Đây được đánh là là “những dữ liệu đáng kinh ngạc”. 

Cả hai công ty Mỹ đều sử dụng công nghệ tiên tiến là mRNA (RNA thông tin) để phát triển các sản phẩm của mình.

Chú thích ảnh
Ngày 30/11, Moderna vừa đệ đơn xin cấp phép vaccine COVID-19 lên Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ. 

Trong khi đó, Sinovac sử dụng virus bất hoạt (không thể gây bệnh) để phát triển ứng cử viên vaccine COVID. Đây là một phương pháp truyền thống, được sử dụng từ lâu để ngăn ngừa các mầm bệnh như cúm. Báo cáo về thành công ở mức độ vừa phải của ứng viên vaccine này đã khiến dư luận “lăn tăn” vì trước đó họ kỳ vọng những kết quả vững chắc hơn.

Tuy vậy, nhóm tác giả của nghiên cứu đăng trên The Lancet đã xác nhận sự hiện diện của kháng thể trong các tình nguyện viên sử dụng vaccine của Sinovac; không nhận thấy các vấn đề về an toàn và cho thấy đủ bằng chứng để tiếp tục thử nghiệm lâm sàng. Giám đốc cấp cao Meng Weining của Sinovac phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến vào ngày 20/11 rằng các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối đang diễn ra suôn sẻ. "Tôi dự đoán có thể tháng sau chúng ta sẽ có dữ liệu", ông Meng Wining cho biết.

Hiện nay có tổng cộng 11 ứng cử viên vaccine trên toàn thế giới đang trong các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, và 4 trong số đó là của Trung Quốc. 

Trung Quốc bắt đầu phát triển vaccine COVID-19 từ tháng 1/2020, chủ yếu thông qua Sinovac và gập đoàn được Sinopharm khổng lồ của Nhà nước. Cả hai công ty đều đã tăng cường chương trình tiêm chủng thử nghiệm tại nhà, ngay cả khi vẫn đang trong quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối. 

Hôm 18/11, Sinopharrm cho biết gần 1 triệu người đã được tiêm chủng thử nghiệm, tăng mạnh so với mức 350.000 người vào tháng 9. Lượng tiêm chủng ở các cá nhân như nhân viên công ty nhà nước đã tăng gần gấp 3 lần trong 2 tháng qua. Một số nhân viên cho biết họ đã được tiêm vào tháng 9 nhưng không thấy Sinopharm liên lạc lại.

Điều này đặt ra câu hỏi về nỗ lực đang được thực hiện để kiểm tra sức khỏe của những người đã được tiêm vaccine thử nghiệm. Thông thường, hoạt động này phải được tiến hành ngay sau khi tiêm chủng, cũng như 6 tháng đến 1một năm sau đó.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng COVID-19 thử nghiệm tại phòng thí nghiệm của Sinopharm ở Bắc Kinh hôm 25/11. Ảnh: Nikkei

Tuy vậy, Chủ tịch Sinopharm Liu Jingzhen vẫn khẳng định trong một tuyên bố ngày 18/11: "Sau gần 1 triệu lượt tiêm chủng, không có phản ứng bất lợi nào".

Hiện nay, công cuộc phát triển vaccine COVID-19 đang được theo dõi sát sao trên toàn thế giới. Các công ty dược phẩm của Châu Âu và Mỹ đã rất minh bạch trong quá trình này khi công bố dữ liệu thử nghiệm lâm sàng và báo cáo các tác dụng phụ. Pfizer đã nộp đơn xin phê duyệt khẩn cấp từ Cục Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) vào ngày 20/11 và việc tiêm chủng dự kiến ​​sẽ bắt đầu sớm nhất là vào ngày 11/12. Công ty đang khẩn trương phối hợp với các tiểu bang tại Mỹ để chuẩn bị thiết bị chuyên dụng bảo quản vaccine siêu lạnh ở -70 độ C.

Trong khi đó, theo Tân Hoa xã, Sinopharm cũng đã nộp đơn lên Cơ quan Quản lý Dược phẩm quốc gia Trung Quốc vào ngày 26/11 để xin phép bán ra thị trường vaccine do họ phát triển. 

Ba công ty Trung Quốc, gồm Sinovac, Sinopharm và CanSinoBio, hiện đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng cuối cùng ở ít nhất 13 quốc gia, bao gồm Indonesia và Brazil. Các nước này có thể được xếp đầu tiên trong danh sách phân phối nếu ứng viên vaccine được cấp phép lưu hành.

Thỏa thuận cung cấp vaccine ưu tiên nói trên là một phần trong mục tiêu của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc trong thế giới các nước đang phát triển. Tuy nhiên việc phát triển nhanh chóng các loại vaccine hoàn toàn mới là một nỗ lực đầy rủi ro và vẫn còn phải chờ xem liệu Trung Quốc có thể giành lại vị trí dẫn đầu trong cuộc đua vaccine COVID-19 hay không.

Thu Hằng/Báo Tin tức