06:06 21/06/2016

Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của PCA

Sắp đến thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) ra phán quyết liên quan đến vụ kiện của Philippines đối với các đòi hỏi chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh đang tích cực vận động các quốc gia ủng hộ lập trường của họ.

Tuy nhiên, Trung Quốc cần phải tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) nước này đã ký kết,  tuân thủ phán quyết của PCA để đảm bảo sự công bằng, tính thượng tôn pháp luật.

Xung quanh vấn đề này, báo "Bưu điện Jakarta" số ra mới đây có đăng bài phân tích của tiến sĩ về Luật Biển quốc tế Haryo Budi Nugroho thuộc Đại học Virginia (Mỹ) với tựa đề "Trung Quốc cần tôn trọng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực". Bài báo cho rằng tất cả cần nhìn nhận, xem xét vấn đề trên một cách khách quan vì nhiều lý do.

Thứ nhất là vấn đề liên quan đến sự hình thành của các tòa trọng tài, ở đây là trường hợp Philippines đơn phương khởi kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Không có quy định nào của UNCLOS cấm một quốc gia đơn phương phát động trọng tài. Trung Quốc đã từ chối tham gia vụ kiện ngay từ đầu. 

Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến việc PCA tiếp tục thực hiện các thủ tục tố tụng. Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện đã khiến cho họ mất đi cơ hội để có thể trực tiếp tranh luận trong quá trình tòa án xử lý vụ kiện. Mặc dù vậy, họ đang ráo riết vận động các nước ủng hộ lập trường của mình là không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông và muốn giải quyết vấn đề tranh chấp với riêng từng nước.

Một cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của người dân Philippines. Ảnh: Reuters

Thứ hai là về thẩm quyền của PCA. Vấn đề này liên quan đến việc các quốc gia đã đồng ý với các quy định của UNCLOS mà mình là thành viên, trong đó có quy định về việc giải quyết các tranh chấp bằng thủ tục trọng tài. 

Trường hợp ngoại lệ có thể được thực hiện cho các bên liên quan đến việc phân định, các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế và tranh chấp đang được Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc xử lý. Trường hợp của Philippines không thuộc ngoại lệ. Về vấn đề này, Philippines đã trình bày lập luận của mình ở vòng đầu tiên của buổi điều trần.

Thứ ba, liên quan đến thái độ của các bên trong việc tuân thủ các quyết định của PCA. Cả Trung Quốc lẫn Philippines đều là các bên tranh chấp và thuộc nhiệm vụ quốc tế của PCA. 

Đến nay, Trung Quốc đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ và kiên quyết không làm theo các quyết định của trọng tài. Động thái này chắc chắn sẽ tạo ra căng thẳng và gây bất ổn ở khu vực Biển Đông. Vì vậy, sẽ có nhiều bất lợi đối với Trung Quốc nếu họ quyết định không tuân theo phán quyết của tòa. 

Điều đó sẽ chà đạp lên luật pháp quốc tế và làm cho cộng đồng thế giới có cách nhìn nhận, đánh giá xấu về Trung Quốc, nước hiện là thành viên thường trực của HĐBA.

Theo lời nói đầu của Hiến chương Liên hợp quốc, các nước cam kết sẽ thiết lập điều kiện công bằng và tôn trọng các nghĩa vụ phát sinh từ các hiệp ước và luật pháp quốc tế. 

Là một thành viên thường trực của HĐBA, Trung Quốc cần phải gương mẫu trong việc giữ gìn sự thượng tôn của pháp luật. Trung Quốc không nên đứng ngoài vụ kiện cũng như rút khỏi UNCLOS. 

Phán quyết của PCA sẽ mang ý nghĩa quan trọng vì nó sẽ trở thành một nguồn của pháp luật quốc tế. Phán quyết này cũng sẽ được các quốc gia trên thế giới thừa nhận và nó có thể sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc nếu họ phản đối các phán quyết này.

Nếu Trung Quốc chấp nhận phán quyết của PCA, họ sẽ không bị mất chủ quyền ở Biển Đông. Họ có thể điều chỉnh lại các yêu sách của mình một cách hợp lý, phù hợp với luật biển quốc tế. 

Đồng thời, trong trường hợp này Trung Quốc có thể yêu cầu các bên tranh chấp cần làm rõ lại các yêu sách của họ, từ đó có thể tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết các tranh chấp.
TTK