10:10 19/10/2012

Trung Quốc biến Cao Mật thành làng văn hóa Mạc Ngôn

Một tuần sau khi Mạc Ngôn trở thành tác giả Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel, chính quyền địa phương đã nhanh chóng lên kế hoạch đầu tư trên 110 triệu USD nhằm biến ngôi làng thơ ấu của cha đẻ “Báu vật của đời” thành “Vùng trải nghiệm văn hóa Mạc Ngôn”.

Một tuần sau khi Mạc Ngôn trở thành tác giả Trung Quốc đầu tiên đoạt giải Nobel, chính quyền địa phương đã nhanh chóng lên kế hoạch đầu tư trên 110 triệu USD nhằm biến ngôi làng thơ ấu của cha đẻ “Báu vật của đời” thành “Vùng trải nghiệm văn hóa Mạc Ngôn”.


Cao Mật đã trở nên nổi tiếng sau khi Mạc Ngôn đoạt Nobel Văn học 2012.



Cho đến tuần trước, làng Bình An Trang, nơi Mạc Ngôn sinh ra và lớn lên vẫn là một cộng đồng nông nghiệp nghèo thuộc huyện Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ở nơi này, Mạc Ngôn từng phải ăn vỏ cây và rau dại để sống sót qua thời thơ ấu khắc nghiệt.


Khi các phóng viên tìm về quê hương của nhà văn vừa đoạt giải Nobel văn học 2012, họ thấy người cha 90 tuổi của ông vẫn đang làm việc đồng áng, thản nhiên trước những lời ca ngợi dành cho con trai.


Nhưng nay, chính quyền Cao Mật đang tính đến một hướng phát triển mới cho huyện nhà nhằm thu hút dòng khách du lịch thông qua tên tuổi của Mạc Ngôn và rất nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng của ông như “Cao lương đỏ”, “Báu vật của đời”, “Cây tỏi nổi giận”, “Đàn hương hình”….


Hôm 18/10, ông Fan Hui, một quan chức địa phương đã đến thăm cha Mạc Ngôn và đề nghị cho phép chính quyền cải tạo ngôi nhà của gia đình. Ông Fan nói: “Con trai của ông không chỉ là con trai ông nữa, ngôi nhà này cũng không chỉ là nhà của ông nữa”, ông Fan giải thích với lão nông 90 tuổi rằng, Mạc Ngôn giờ đã là niềm tự hào của cả đất nước Trung Quốc. Quan chức này cũng nói thêm rằng, việc ông cụ “có đồng ý hay không cũng không quá quan trọng”.


Ông Fan cho biết, chính quyền không chỉ dự định biến ngôi nhà của gia đình họ Mạc ở Cao Mật trở thành tâm điểm của “Vùng trải nghiệm văn hóa Mạc Ngôn”, mà còn lên kế hoạch xây dựng một công viên chuyên đề dựa trên một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là “Cao lương đỏ” – cuốn tiểu thuyết đã được chuyển thể thành công sang điện ảnh và giành giải Cành cọ vàng LHP Cannes năm 1994.


Mạc Ngôn là tác giả quen thuộc với người yêu văn học Việt Nam.



Ngày nay, cao lương không còn được trồng ở Cao Mật nữa do nhu cầu thấp và ít lợi nhuận, nhưng đây không được xem là một trở ngại với kế hoạch trên. Ông Fan cho biết, tại “Vùng văn hóa Cao lương đỏ”, bao gồm cả “khu triển lãm phim ảnh Cao lương Đỏ”, người dân sẽ gieo trồng 1.600 mẫu cao lương, để thu hút khách du lịch. Các nhà hàng ở Cao Mật sẽ gắn thêm chữ “Cao lương Đỏ” vào biển hiệu. Ông Li Danping, một nhà thơ địa phương, còn khẳng định, Cao Mật giờ đây là “một thánh địa của văn học Trung Quốc”.


Trong khi đó, Mạc Ngôn dường như không mấy quan tâm đến kế hoạch của huyện nhà. Trả lời Đài truyền hình trung ương Trung Quốc về chương trình đầu tư cho Cao Mật, ông cho biết không hay biết gì về kế hoạch này. Khi được hỏi liệu vinh quang mà ông vừa giành được có nhóm một ngọn lửa mới cho văn học Trung Quốc hay không, Mạc Ngôn trả lời Tân Hoa xã rằng: “Tôi nghĩ, nó sẽ chỉ cháy trong nhiều nhất là một tháng, có thể ít hơn, rồi mọi thứ sẽ trở lại bình thường”.


Mạc Ngôn cũng cho biết ông đã dự định dùng phần thưởng 1,2 triệu USD để mua “một ngôi nhà lớn” ở Bắc Kinh, nhưng rồi nhận ra rằng, giá bất động sản đã tăng cao đến mức ông chỉ có thể mua được một căn hộ hai phòng ngủ.



Thu Hằng