05:15 07/05/2014

Trung Quốc bắt tay Nga bẻ cong 'trục' của Mỹ

Để phá vỡ thế bao vây của Mỹ trong chiến lược "xoay trục" sang châu Á, Trung Quốc đang sử dụng phương châm trứ danh trong Binh pháp Tôn tử: Làm cho kẻ địch khuất phục trọn vẹn là thượng sách, đánh nó là hạ sách. Yếu tố quyết định trên chiến trường là phân tán sức mạnh của địch.

Người Trung Quốc chắc ai cũng rành phương châm trứ danh trong Binh pháp Tôn tử: Làm cho kẻ địch khuất phục trọn vẹn là thượng sách, đánh nó là hạ sách. Yếu tố quyết định trên chiến trường là phân tán sức mạnh của địch.

Khi Mỹ tuyên bố về chiến lược “xoay trục” sang châu Á, Trung Quốc đã có bước đi đáp trả bằng việc tăng cường quan hệ liên minh với Nga, liền sau đó là các nỗ lực gia tăng ảnh hưởng ở Trung Đông, tại các nước mà Mỹ vừa rút đi như Iraq, Afghanistan; mới nhất là Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Nga - Trung bắt tay sẽ tạo ra đối trọng trước Mỹ. Ảnh: Reuters


Liên kết Nga-Trung giúp Moskva có thêm sức mạnh ở châu Âu, gây ra “cơn đau đầu” đối với Mỹ trong vấn đề Ukraine. Đó là một thực tế mà hiển nhiên Washington đã lường trước, nhưng không có sự chuẩn bị đối phó.

Nó cho thấy giới lãnh đạo chính trị Mỹ đã thiếu tầm nhìn. Những nhà hoặch định chính sách tại Nhà Trắng vẫn đinh ninh rằng Trung Quốc có thể vẫn giữ quan điểm thận trọng với Nga, do hai nước từng có hiềm khích trong quá khứ, nhất là vấn đề biên giới. Trong thực tế, Moskva và Bắc Kinh đã ký thỏa thuận phân định đường biên và chẳng có gì để nghi ngờ việc hai bên tựa vào nhau vì nhu cầu và lợi ích mỗi bên.

Trung Quốc từng có quan hệ tốt với Mỹ trước thời điểm chính quyền Barack Obama tuyên bố cái gọi là “xoay trục” sang châu Á, thế nhưng đó không phải là mối bang giao dựa trên sự cảm mến. Trung Quốc từng có nhiều lợi ích ở Libya, nhưng cũng không cản được phương Tây can thiệp quân sự. Cực chẳng đã, Bắc Kinh đã buộc phải sơ tán 50.000 công dân khỏi quốc gia Bắc Phi này, chấp nhận tổn thất kinh tế lớn. "Tình yêu" (nếu có) của Trung Quốc dành cho Mỹ sẽ chỉ là tình yêu đơn phương khi Mỹ hướng sang châu Á, với lợi ích của riêng mình và một mục tiêu kiềm chế Trung Quốc. Quan hệ Nga – Trung thì khác, nó dựa trên nền tảng lợi ích song trùng:

1. Hai bên cần đến nhau như là những đồng minh để có thể tạo đối trọng trước Mỹ, nhất là khi Moskva đang gặp phải một số rắc rối ở châu Âu. Trung Quốc muốn phá thế bao vây của Mỹ còn Nga cũng thu lợi từ sự ủng hộ của Trung Quốc trong các vấn đề như Syria, Ukraine.

2. Nga phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng, nhưng hiện phải đối mặt với kịch bản châu Âu giảm dần nhập khẩu khí đốt từ Nga. Trong khi đó, ở phương Đông sẽ không có bất kì rào cản nào. Trung Quốc nhập khẩu dầu từ Trung Đông, Mỹ Latinh - những điểm mà việc bảo đảm nguồn cung có thể sẽ bị gián đoạn khi Mỹ can thiệp, phong tỏa bằng hải quân trên các tuyến đường biển. Dòng dầu, khí đốt từ Nga chảy sang Trung Quốc sẽ làm vừa lòng cả hai.

3. Trung Quốc muốn sở hữu các loại vũ khí hiện đại do thiếu hụt công nghệ, trong khi Nga cũng cần thị trường xuất khẩu tiềm năng để khôi phục vị thế quân sự trước Mỹ.

4. Trung Quốc có thể hỗ trợ vốn, nhân lực cho chiến lược khai phát vùng Viễn Đông, đặc biệt là Siberia – một chiến lược mà Moskva đang ra sức thực hiện, với việc kêu gọi nguồn đầu tư từ bên ngoài. Đó sẽ là hình thái hợp tác đôi bên cùng có lợi.

5. Sự thành công của Nga trong ván bài Ukraine có thể sẽ giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Âu, giúp Trung Quốc giảm sức ép ở châu Á khi các đồng minh thân thiết của Washington ở châu lục này mất niềm tin Mỹ, không thể có hành động “thách thức” Bắc Kinh.

Còn tại Trung Đông thì sao? Trung Quốc sẽ trở thành nhà cung cấp tín dụng “cỡ bự” cho Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ. Bắc Kinh và Ankara đang tiến dần đến một thỏa thuận “khủng” trị giá 10-12 tỉ USD, liên quan đến dự án mỏ than Afsin-Elbistan và một nhà máy điện hạt nhân ở phía nam Thổ Nhĩ Kỳ.

Bắc Kinh cũng tăng cường hợp tác với Iran, kể cả quân sự. Phát biểu tại cuộc gặp với đồng cấp người Iran Hossein Dehqan ở thăm Bắc Kinh hôm 5/5, Bộ trưởng Quốc phòng Trương Vạn Toàn nhấn mạnh: Quan hệ hai nước đã có bước phát triển tích cực, ổn định, làm sâu sắc lòng tin chính trị, tạo tiền đề cho việc tăng cường hợp tác quân sự song phương, thông qua việc tăng cường trao đổi huấn luyện, chuyển giao công nghệ.

Hoàn tất những bước đi trên, các quốc gia Trung Đông này sẽ có quan hệ với Trung Quốc tốt đẹp hơn Mỹ. Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện cũng duy trì được tình bang giao hữu hảo với cả Israel và Palestines. Một khi họ đem đến sự hòa hợp giữa hai nhân tố này, Mỹ sẽ bị hất ra rìa.

Bằng cách áp dụng những luận điểm trong binh pháp Tôn tử, Trung Quốc đã bẻ cong được "trục" của Mỹ, chuyển từ thế phòng thủ sang phản công.


Hoài Thanh (Reuters)