08:07 28/08/2014

Trừng phạt Nga, Mỹ gây khó cho đồng minh ở châu Á

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang phải đối mặt với những tổn thất lớn về kinh tế khi tham gia cùng Mỹ chống lại Nga. Không những thế, các lệnh trừng phạt mở rộng do Mỹ đứng đầu còn làm tổn hại đến các đồng minh cũng như chính các lợi ích của Washington ở châu Á.

Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang phải đối mặt với những tổn thất lớn về kinh tế khi tham gia cùng Mỹ chống lại Nga. Không những thế, các lệnh trừng phạt mở rộng do Mỹ đứng đầu còn làm tổn hại đến các đồng minh cũng như chính các lợi ích của Washington ở châu Á.


Washington và Liên minh châu Âu (EU) đã tuyên bố một vòng trừng phạt mới vào ngày 29/7, trong đó ngăn cản một loạt các ngân hàng Nga vay vốn thị trường tài chính Mỹ và EU, đẩy các công ty năng lượng Nga vào thị trường công nghệ dầu khí và mở rộng các quy định nhằm hạn chế công nghệ quốc phòng của Moskva.

 

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du châu Á mới đây.


Sau khi công bố những lệnh trừng phạt mới nhất nhằm vào Moskva, các nhà ngoại giao Mỹ đã công du tới Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc nhằm thúc giục các đối tác châu Á ủng hộ các nỗ lực bóp nghẹt nền kinh tế Nga. Kết hợp một loạt lệnh trừng phạt giữa Mỹ-châu Âu-châu Á có thể gây tổn thương nghiêm trọng đối với nền kinh tế của Moskva. Châu Âu là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Trong khi đó, giao dịch thương mại giữa Nga và các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc bằng 45% tổng giao dịch thương mại Nga-EU. Hơn nữa, việc tiếp cận các thị trường và tiền tệ Mỹ, châu Âu, châu Á rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế Nga.


Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine trở nên tồi tệ hơn, Mỹ có thể sẽ tiếp tục tiến hành các biện pháp trừng phạt mới. Tuy nhiên cuối cùng Washington có thể sẽ phải đối mặt với một thực tế là càng cô lập Nga thì càng “mất nhiều hơn được”.


Các nền kinh tế lớn ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có đồng minh của Mỹ là Australia và Hàn Quốc, không “mặn mà” với các lệnh trừng phạt tăng cường nhằm vào Nga. Đơn giản vì số phận của Ukraine không nằm trong số những ưu tiên hàng đầu của họ so với Moskva. Nga không chỉ có vị trí quan trọng với Hàn Quốc về lĩnh vực thương mại mà còn là một trong những thành viên tham gia “đàm phán sáu bên” về chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Về phần mình, Bắc Kinh không những không tham gia mà còn phản đối các lệnh trừng phạt chống Nga của phương Tây.


Mặc dù các chính phủ châu Á không hùa theo trừng phạt Nga thì tác động của nó cũng lan rộng khắp châu lục. Các công ty tư nhân trong lĩnh vực năng lượng và ngân hàng ở châu Á sẽ tìm cách tránh không dính dáng với lệnh trừng phạt của Mỹ và đề phòng bị rủi ro về uy tín khi làm ăn với các công ty Nga. Những nhà máy chế tạo thiết bị năng lượng, các nhà cung cấp dịch vụ và những tập đoàn tài chính của châu Á có thể sẽ hủy bỏ kế hoạch hợp tác với các công ty Nga. Điều này sẽ khiến nền kinh tế vốn có tính hội nhập cao của châu Á gặp khó khăn.


Trong khi đó, các quốc gia châu Á trực tiếp tham gia cùng Mỹ trừng phạt kinh tế Nga sẽ gần như chắc chắn buộc phải từ bỏ hợp tác với Nga trong một số lĩnh vực thuộc lợi ích quốc gia của họ. Điều này được thể hiện rõ nhất với Nhật Bản. Ví dụ, nỗ lực khởi động các cuộc đàm phán song phương về các đảo tranh chấp giữa hai nước ở khu vực phía tây bắc Thái Bình Dương đã bị đóng băng.


Có lẽ đáng lo ngại hơn là những thiệt hại về an ninh năng lượng và tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Tokyo đang phải đối mặt với một loạt khó khăn ở trong nước (nền kinh tế xuất hiện nhiều vấn đề, việc diễn giải hiến pháp hòa bình, khởi động lại nhà máy điện hạt nhân, tăng thuế tiêu thụ để kiềm chế nợ quốc gia…), trong khi tương lai vấn đề an ninh năng lượng của nước này là không chắc chắn.

Khoảng 10% khí hóa lỏng (LNG) đang sử dụng ở Nhật Bản đến từ Nga. Tokyo muốn mua thêm một khối lượng lớn LNG mà Nga đang có kế hoạch khai thác tại Siberia và Bắc Cực trong những năm tới.


Mặc dù không tham gia nhièu các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU chống lại Nga, song việc trừng phạt cũng sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đối với Nhật Bản - một trong những đồng minh quan trọng nhất của Washington ở châu Á. Hơn nữa, nếu biện pháp trừng phạt nhắm tới ngành khí đốt tự nhiên trong tương lai của Nga, các khách hàng của Moskva ở Nhật Bản và phần còn lại của khu vực Đông Á cũng như châu Âu, sẽ phải trả một giá đắt.


Tuy nhiên, thiệt hại không chỉ dừng lại ở lĩnh vực kinh tế. Ở châu Á, việc cô lập Nga cũng đi ngược lại với lợi ích an ninh then chốt của Mỹ trong khu vực. Chính quyền Obama đã tìm cách chia rẽ Moskva và Bắc Kinh liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine - ví dụ, gây áp lực để Trung Quốc không ủng hộ Nga tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhưng chính điều này đã giúp mối quan hệ giữa hai cường quốc láng giềng trên trở nên gần gũi và sâu sắc hơn. Rõ ràng, một quan hệ đối tác như vậy giữa Nga và Trung Quốc có tác động lớn đến chính sách đối ngoại của Washington trong các vấn đề Afghanistan, Iran, Triều Tiên, Syria, Biển Đông, biến đổi khí hậu và phổ biến hạt nhân.

 

Công Thuận (Theo F.A)