03:22 09/03/2014

Trùm truyền thông khét tiếng William Hearst - Kỳ 1: “Nụ hồng”

Ông ta có thể hủy hoại cuộc đời, sự nghiệp của bất kỳ ai chỉ bằng một dòng tít. Khi ông ta còn sống, không ai dám công khai nói điều gì tiêu cực về ông ta. Đó chính là William Randolph Hearst, ông chủ của 28 tờ báo, 18 tạp chí cùng nhiều đài phát thanh và công ty sản xuất phim tại Mỹ.

Ông ta có thể hủy hoại cuộc đời, sự nghiệp của bất kỳ ai chỉ bằng một dòng tít. Khi ông ta còn sống, không ai dám công khai nói điều gì tiêu cực về ông ta. Đó chính là William Randolph Hearst, ông chủ của 28 tờ báo, 18 tạp chí cùng nhiều đài phát thanh và công ty sản xuất phim tại Mỹ.

 

Kỳ 1: “Nụ hồng”

 

Không ai công khai nói xấu William Hearst, trừ một người, đó là đạo diễn Orson Welles. Năm 1941, đạo diễn trẻ này cho ra mắt bộ phim kinh điển “Citizen Kane”, dẫn dắt người xem qua từng sự kiện chính trong cuộc đời một ông trùm báo chí của thế kỷ 20. Xem phim, tất cả mọi người đều biết ai là nguyên mẫu của nhân vật Kane. William Hearst cũng không phải ngoại lệ.


William Hearst.


Lúc đó, Orson Welles là một đạo diễn mới vào nghề và chỉ có 24 tuổi. Anh chưa bao giờ làm phim trước “Citizen Kane”. Tuy nhiên, chất giọng truyền cảm, thuyết phục của anh khi đọc cuốn tiểu thuyết “War of the Worlds” (Chiến tranh thế giới) của nhà văn H. G. Wells trên đài phát thanh năm 1938 đã khiến cả nước Mỹ biết tới anh. Bất chấp việc thiếu kinh nghiệm thực tiễn trong làm phim, Welles vẫn mạo hiểm tung ra “Citizen Kane”.


Từ lúc manh nha bộ phim cho đến tận những ngày cuối đời năm 1985, Welles vẫn khẳng định “Citizen Kane” không chỉ nói về Hearst mà là sự kết hợp của vài nhân vật quyền lực thời bấy giờ. Tuy nhiên, Hearst không tin. Ông ta và các tay sai đã làm mọi cách có thể để ngăn cản bộ phim ra mắt công luận.


Áp phích bộ phim Citizen Kane.


Đe dọa, tống tiền, tẩy chay... cách gì Hearst cũng đã thử. Bạn của Hearst, giám đốc hãng MGM Louis B. Mayer, đã cam kết chi 800.000 USD cho hãng phim RKO mà Welles ký hợp đồng để hủy bộ phim. Đây là số tiền khổng lồ thời bấy giờ, lớn hơn rất nhiều so với doanh thu dự báo của bộ phim khi được trình chiếu.


Khi phi vụ thương lượng hòng phá bộ phim không thành, Hearst đã tìm cách hủy hoại người làm ra nó. Các tờ báo của Hearst đồng loạt chạy những dòng tít và tin bài công bố bê bối tình ái của Welles với nữ diễn viên Delores Del Rio khi cô này đã kết hôn. Khi “Citizen Kane” ra mắt, không một tờ báo nào do Hearst làm chủ nhắc đến bộ phim dù chỉ một từ và cũng không nhận quảng cáo cho bất kỳ rạp chiếu phim nào công chiếu “Citizen Kane”.


Tại sao Hearst lại dồn tâm sức ngăn cản “Citizen Kane” ra mắt bằng mọi giá? Phải chăng ông ta sợ bộ phim tiết lộ điều gì mà ông ta đang muốn giấu? Phải chăng ông ta đang tìm cách bảo vệ ai đó? Cả thế giới Hollywood đều biết câu trả lời.


Marion chào đón đạo diễn Ince.


Mở đầu “Citizen Kane”, từ cuối cùng mà nhân vật Kane nói ra trước khi chết là “nụ hồng” (rosebud). Nhân vật phóng viên Thompson đã được giao nhiệm vụ giải mã ý nghĩa của “nụ hồng”. Khi bộ phim đến hồi kết, anh phóng viên vẫn không thể khám phá ra bí ẩn này. Tuy nhiên, người xem có thể đoán ra khi xem cảnh cuối cùng: Một chiếc xe trượt tuyết trẻ con có in từ “nụ hồng” đang bị cho vào lò thiêu - hình ảnh biểu tượng cho tuổi thơ bị đánh cắp của nhân vật Kane.


Thế nhưng, có một giải thích đáng tin cậy hơn trong thế giới thực của William Hearst. “Rosebud” chính là cái tên là Hearst đặt cho người tình lâu năm của ông ta, Marion Davies. Người ta cho rằng người tình 35 năm này là người mà Hearst muốn bảo vệ khi tìm cách nhấn chìm bộ phim. “Citizen Kane” của Orson Welles gợi lại ký ức về sự kiện kinh hoàng xảy ra trên chiếc du thuyền của Hearst 17 năm trước đó. Vụ việc này có thể hủy hoại tên tuổi và danh tiếng của Marion Davies.


Đó là ngày 15/11/1924, sinh nhật của một nhà sản xuất phim nổi tiếng tên là Thomas Ince mà Marion và Hearst đang chờ trên chiếc du thuyền sang trọng Oneida neo đậu ở cảng San Diego. Hearst và Ince đang bàn bạc một thỏa thuận mà Hearst sẽ thuê một phần trường quay của Ince để quay bộ phim có vai diễn của Marion.


Chờ Ince trên boong là một chùm bóng bay hai màu trắng, đỏ. Cạnh đó là Marion, một cô gái xinh đẹp lộng lẫy mặc áo khoác dài, đội mũ thủy thủ, mái tóc ngắn vàng rực kiểu cách. Đứng sau cô, không ai khác chính là William Hearst. Cả hai chúc mừng sinh nhật Ince và chào đón anh như thượng khách.

Trước sự vồn vã của Hearst và Marion, Ince cuối cùng cũng đồng ý vào khoang dưới của chiếc du thuyền với chút miễn cưỡng. Thomas Ince không biết rằng chiếc du thuyền anh vừa đặt chân lên sẽ nhổ neo ngay đêm đó, xuyên thẳng màn sương mù dày đặc, bắt đầu cuộc hành trình bí ẩn với những mưu đồ còn gây tranh cãi đến tận ngày nay.


Sáng hôm sau, 16/11/1924, tờ Los Angeles Times số ra buổi sáng khiến người đọc giật mình với dòng tít có sức mạnh sánh ngang bão cấp 5: NHÀ SẢN XUẤT PHIM BỊ BẮN TRÊN DU THUYỀN CỦA HEARST. Tuy nhiên, khi tờ báo này ra số buổi chiều, cơn bão đã nhanh chóng bị suy yếu thành “áp thấp nhiệt đới”: Thomas Ince được đưa ra khỏi du thuyền do bị chứng khó tiêu cấp tính và đã được chuyển về nhà với gia đình. Hai ngày sau đó, Ince đã tử vong.


Dư luận tò mò điều gì đã khiến tờ Los Angeles Times thay đổi nhanh đến vậy, phải chăng tờ ra buổi sáng đưa tin hấp tấp và sai lệch? Họ đồn đoán Hearst đã dùng ảnh hưởng to lớn của mình với truyền thông để bẻ cong sự thật.


Dù Los Angeles Times không phải là tờ báo của Hearst nhưng cái bóng của ông ta lớn đến mức ngay cả các báo cạnh tranh cũng không dám vượt mặt. Trong tuần đó, không có một mẩu tin nào xuất hiện trên bất kỳ một tờ báo nào về sự việc trên du thuyền Oneida.


Vậy William Hearst là ai và làm thế nào Hearst lại có sức mạnh che cả bầu trời như vậy?


Thùy Dương

 

Đón đọc kỳ tới: “Ông tổ” báo lá cải