12:06 04/12/2014

Trục lợi từ bóng đá

Rất nhiều người hâm mộ tỏ thái độ không đồng tình với quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc nâng giá vé ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 giữa tuyển Việt Nam và Malaysia vào ngày 11/12 tới.

1. Rất nhiều người hâm mộ tỏ thái độ không đồng tình với quyết định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) về việc nâng giá vé ở trận bán kết lượt về AFF Cup 2014 giữa tuyển Việt Nam và Malaysia vào ngày 11/12 tới. Trên một số diễn đàn bóng đá, nhiều ý kiến cho rằng, đây là hành động trục lợi của nhà tổ chức. Vì rằng, nếu VFF thông báo kế hoạch giá vé cụ thể (cả vòng bảng, bán kết và chung kết) trước khi giải khởi tranh thì không vấn đề gì. Đằng này, khi thấy đội tuyển chơi hay, lọt sâu vào giải, thì lập tức VFF tăng giá vé, coi thường quyền lợi người hâm mộ.

Theo thông báo của VFF, vé trận bán kết (lượt về) có bốn mệnh giá: 400.000, 300.000, 250.000 và 150.000 đồng. Mức giá mới này cao hơn so với mức vé các trận vòng bảng AFF Cup 2014. Vé loại một đắt hơn 100.000 đồng, ba mệnh giá còn lại đắt hơn mỗi loại 50.000 đồng. Trên một số diễn đàn bóng đá, người hâm mộ kêu trời trước quyết định khá bất ngờ của VFF.

Tại vòng đấu bảng, rất nhiều người cho rằng vé đắt và họ cảm thấy không có nhu cầu xem vì niềm tin dành cho đội tuyển đã bị hao mòn. Rất nhiều người đã đem đội tuyển U.19 Việt Nam ra so sánh, đồng thời thể hiện thái độ không mấy ủng hộ, thậm chí mỉa mai về sức mạnh của đội tuyển quốc gia. Thế nên, cả 3 trận đấu của đội tuyển ở vòng bảng, không có cảnh người hâm mộ xếp hàng rồng rắn mua vé như ở vòng chung kết giải U.19 Đông Nam Á (cũng diễn ra trên sân Mỹ Đình). Cả 3 trận đấu vòng bảng AFF Cup 2014, sân Mỹ Đình chưa lúc nào lấp đầy được khán giả.

2. Giành quyền vào bán kết, VFF tuyên bố thưởng 1 tỷ đồng cho đội tuyển và số tiền thưởng sẽ chưa dừng lại nếu đội tuyển quốc gia tiếp tục gây ấn tượng tại AFF Cup lần này. Ai cũng hiểu, VFF thưởng tiền cho cầu thủ là nhằm kích cầu thành tích. Điều này đã được kiểm chứng qua các mùa giải ở V.League trong những năm gần đây và các cầu thủ Việt Nam cũng đã quá quen với “văn hóa” thưởng tiền. Chính tiền thưởng cao đã khiến cầu thủ bằng mọi giá phải giành chiến thắng.

Có ý kiến cho rằng, dùng tiền thưởng như món mồi để nhử các cầu thủ rất dễ phát sinh tiêu cực. VFF có thể đạt được mục đích là giành được thành tích, bớt búa rìu dư luận. Nhưng các cầu thủ cũng sẵn sàng “đá cuội” nếu như mức tiền thưởng bèo bọt, người hâm mộ vẫn phải chứng kiến những trận cầu kém chất lượng.

Vẫn biết, bóng đá chuyên nghiệp thì không thể không có tiền và VFF cũng không thiếu tiền. Nhưng nếu việc thưởng tiền không đúng lúc, đúng chỗ, sẽ gây những biến chứng khó lường, làm nội tình đội bóng rối ren, bạo lực sân cỏ gia tăng, đạo đức cầu thủ bị tha hóa, nghiêm trọng hơn là bóng đá nước nhà ngày càng tụt hậu.

Do vậy, không thể treo danh dự, trách nhiệm phục vụ Tổ quốc bằng tiền thưởng.

Yến Nhi