03:08 02/03/2015

Trục lợi lễ hội

Đơn cử ở hội Gióng 2015, việc ban tổ chức trao quyền cho người bảo vệ đám rước được sử dụng gậy gộc trấn áp những đối tượng quá khích dẫn đến bức xúc cho đôi bên.

Mùa lễ hội 2015 mới bắt đầu, nhưng tình trạng bạo lực tại một số lễ hội trong những ngày gần đây đã trở thành cơn ác mộng, gây hoang mang trong cộng đồng. Phải thấy rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên, có cả lỗi của chính quyền địa phương, ban tổ chức và người dân tham gia lễ hội.

Đơn cử ở hội Gióng 2015, việc ban tổ chức trao quyền cho người bảo vệ đám rước được sử dụng gậy gộc trấn áp những đối tượng quá khích dẫn đến bức xúc cho đôi bên. Ban tổ chức cũng không hiểu đầy đủ ý nghĩa của nghi thức để tuyên truyền giúp người tham gia lễ hội có nhận thức đúng và điều chỉnh hành vi của mình. Việc tổ chức lễ hội ở nhiều địa phương chỉ thiên về thu lợi, chứ không quan tâm đến yếu tố văn hóa truyền thống.

Hàng loạt những vấn đề nổi cộm ở lễ hội tồn tại nhiều năm qua vẫn chưa có giải pháp để ngăn chặn hiệu quả, như việc bắt chẹt du khách, bao thầu lễ hội, các trò chơi không lành mạnh, lãng phí khi đốt vàng mã…, và nhiều lễ hội quá nhấn mạnh các yếu tố mê tín dị đoan, thay vì phát huy những giá trị truyền thống văn hóa của lịch sử.

Những người bảo vệ cầm gậy dài trong nghi lễ rước hoa tre ở hội Gióng. Ảnh: Quang Quyết–TTXVN


Một số di tích đặt quá nhiều hòm công đức, nhiều nơi không công khai trong việc thu chi; nạn khấn thuê, xem bói vẫn lộng hành… Một số địa phương cố gắng tổ chức thật lớn, để tranh thủ kinh phí Nhà nước và nhà tài trợ, nhưng hiệu quả của lễ hội mang lại rất hạn chế.

Nhiều lễ hội thu được hàng chục tỉ đồng từ tiền công đức, nhưng hầu như nguồn thu chi này không kiểm soát được, mỗi nơi áp dụng một cách quản lý khác nhau. Nơi thì do Ban quản lý di tích, nơi thì thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; một số nơi lại do thủ nhang, thủ đền quản lý... Đây chính là nguyên nhân đẻ ra những biến tướng nhằm thu tiền của khách hành hương. Chưa hết, trước Tết Ất Mùi, ngành ngân hàng đã có văn bản cấm hoạt động đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch tại các di tích, công trình tín ngưỡng, song chính quyền địa phương, các ban quản lý di tích, công trình tín ngưỡng không thực hiện nghiêm chỉ làm chiếu lệ, bởi làm nghiêm, bản thân họ sẽ mất bổng lộc và địa phương cũng mất nguồn thu.

Không thể phủ nhận, việc phục hồi và khuếch trương các lễ hội tại các địa phương ít nhiều góp phần thúc đẩy phát triển du lịch. Nhiều địa phương vì mục tiêu tăng trưởng du lịch nên luôn cố gắng mở những lễ hội giới thiệu bản sắc dân tộc trong vùng miền của mình để kéo khách đến. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, ngoài một số ít thành công như Quảng Nam, Đà Nẵng... còn hầu hết là gây hiệu ứng ngược, tức là khách đến không chi tiêu gì, mất an ninh trật tự, cuộc sống cộng đồng bị xáo trộn. Và đó là sự mất mát lớn nhất. Vấn đề đặt ra hiện nay là muốn lập lại trật tự trong quản lý lễ hội là phải làm thế nào để phát huy tới mức cao nhất những giá trị văn hóa, tinh thần của lễ hội, đồng thời tạo được phong cách mới phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Vấn đề không kém phần quan trọng là phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa ngành chủ quản và các địa phương trong xử lý các sai phạm trong hoạt động lễ hội, không thể kéo dài tình trạng “trống đánh xuôi” trong xử lý vi phạm. Theo số liệu thống kê của Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 3 năm trở lại, số tiền thu công đức tại các lễ hội mỗi năm trên dưới 300 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động lễ hội năm cao nhất cũng chỉ ngót nghét 30 triệu đồng. Rõ ràng, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm không tỷ lệ thuận với những tiêu cực xảy ra trong hoạt động lễ hội. Một tồn tại kéo dài từ năm này sang năm khác, rất nhiều lễ hội có “truyền thống” xảy ra tiêu cực, tuy nhiên chính quyền địa phương vẫn bình an vô sự.

Rõ ràng, cần phải có quy chế rõ ràng hơn, cụ thể hơn để đưa hoạt động lễ hội vào quy củ, trả lại không gian lễ hội trong sạch cho cộng đồng.


Yến Nhi