12:22 03/12/2015

Trồng trọt thích ứng với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng khốc liệt ở Việt Nam, tình trạng nước nhiễm mặn bất thường trong mùa mưa, thiếu nước ngọt cho sản xuất, khô hạn kéo dài, mùa màng thất bát... đã khiến nhà nông phải điêu đứng.

Mùa màng mất trắng

Bên trà lúa bị chết trắng, ông Phan Thanh Ấn ở ấp Vĩnh Thạnh, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) cho biết, vụ lúa mùa này, gia đình ông cấy lúa trên nền đất nuôi tôm với diện tích 6 ha, tổng chi phí sản xuất hơn 30 triệu đồng. Mặc dù trước khi cấy, ông đã rửa mặn, làm đất, vệ sinh đồng ruộng theo hướng dẫn của phòng Nông nghiệp huyện và tuân thủ lịch thời vụ xuống giống. Tuy nhiên, do lượng mưa năm nay ít, thời tiết khô hạn, nắng nóng kéo dài, thiếu nước ngọt rửa mặn, nước mặn xâm nhập sớm vào kênh mương, đồng ruộng làm cho lúa chết. Sau khi xuống giống khoảng 15 - 20 ngày, lúa không phát triển như vụ mùa năm trước.

Người dân Cần Đước, Long An thấp thỏm trước nguy cơ xói lở bờ biển. Ảnh: Thanh Bình

“Để cứu lúa, tôi đã bơm nước mặn ra, bón phân và chờ trời mưa xuống cho lúa hồi phục, phát triển trở lại, nhưng nắng nóng tiếp tục kéo dài làm lúa chết, giờ không còn được bụi lúa nào, thiệt hại 100%”, ông Ấn cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Dũng (Vĩnh Thuận, Kiên Giang) gieo cấy 7 ha lúa mùa trên nền đất nuôi tôm, với tổng vốn đầu tư sản xuất hơn 52 triệu đồng, đến nay lúa gần như chết hoàn toàn. Ông Dũng cho biết, với diện tích lúa này, vụ mùa năm trước thời tiết thuận lợi, năng suất đạt hơn 900 kg/công (1.000 m²), trừ chi phí sản xuất lợi nhuận khoảng 2 triệu đồng/công. Còn vụ mùa này trắng tay.

Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất, cuộc sống người dân cũng đứng trước những nguy hiểm cận kề. Những hộ dân tại ấp Chợ, xã Long Hựu Đông (Cần Đước, Long An) đã sống chung với việc sạt lở bờ kè nhiều năm nay. Bờ kè dài hơn 2 km nhưng với nhiều hộ dân sống gần khu vực này. Mặc dù hàng năm, các hộ xung quanh khu vực kênh Nước Mặn phải mua đá về kè thêm để tránh sạt lở, xoáy mòn nhưng triều cường ngày càng dâng cao hơn qua mỗi năm, nước tràn vào ấp nhưng không rút được vì không có hệ thống cống thoát, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe nhân dân. Ông Võ Văn So, một hộ dân ở đây cho biết, nhà ông đã 3 lần phải dời nhà vào để tránh sạt lở. Một số hộ dân có tiền bỏ đi khỏi đây, số gia đình nghèo phải ở lại và chịu cảnh nguy hiểm rình rập.

Tăng khả năng thích ứng của cây trồng

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhiệm vụ rõ nét nhất hiện nay là các tỉnh trong vùng đang tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với BĐKH bằng việc triển khai phát triển, nhân rộng mô hình các giống cây chịu mặn, bố trí lại mùa vụ, thay đổi hệ thống canh tác cho phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Có thể dẫn chứng, Trung tâm Giống cây trồng Sóc Trăng đã bố trí 90 loại giống sạ trên nền đất nuôi tôm để khảo nghiệm, chọn ra những giống phù hợp cho vùng tôm - lúa và một số vùng nhiễm mặn khác của tỉnh. Các điểm khảo nghiệm các giống lúa chịu mặn là mô hình trình diễn thiết thực để nông dân đánh giá, rút kinh nghiệm và chọn cho mình giống lúa thích nghi ở địa bàn nuôi tôm bán thâm canh ở Mỹ Xuyên mà ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang hướng tới trước điều kiện BĐKH, nước biển dâng cao.

Phương thức canh tác lúa giảm phát thải khí nhà kính đã triển khai thí điểm từ năm 2012 đến cuối năm 2014 ở hai tỉnh Kiên Giang và An Giang đã đem lại những hiệu quả thiết thực. Đến nay, phương thức canh tác này đang được ngành nông nghiệp các địa phương tiếp tục nhân rộng. Không chỉ thỏa mãn chính sách phát triển sản xuất lúa theo hướng hàng hóa mà còn bảo vệ môi trường - giảm phát thải khí nhà kính ứng phó với BĐKH.

Theo đó, bằng phương pháp “1 phải 6 giảm” được tổ chức áp dụng cho 500 nông hộ của hai tỉnh nói trên với diện tích khoảng 540 ha/vụ. Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long, thực tế chứng minh đã giúp cho người nông dân tiết kiệm trung bình 50% giống, 30 - 40% phân hóa học, 30% lượng thuốc, 20% công lao động trong khi năng suất tăng từ 10% và lợi nhuận ròng tăng 10%.

Theo nghiên cứu mới đây của Bộ NN&PTNT, cơ cấu sản xuất nông nghiệp với các giống dài ngày sẽ không phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu. Qua kết quả điều tra trong 5 năm liền cho thấy, giống dài ngày giảm năng suất trầm trọng và biến động rất mạnh khi gặp năm ấm, còn giống ngắn ngày gieo vào lập xuân vẫn cho năng suất đến trên 70 tạ/ha.

Vì vậy, Bộ NN&PTNT khuyến cáo, trong điều kiện sản xuất vụ xuân ấm và thiếu nước thì cách lựa chọn thông minh, hiệu quả nhất là chuyển sang các loại giống lúa ngắn ngày, giống lúa lai có nhiều ưu thế về năng suất và chất lượng. Nếu các giống trung và dài ngày từ khi gieo đến thu hoạch phải mất 170 - 190 ngày thì các giống ngắn ngày hiện nay chỉ mất 125 - 135 ngày. Điểm bất lợi của các giống dài ngày phải gieo cấy sớm và tiêu tốn nước cũng sẽ nhiều hơn. Nếu mùa đông ấm không có những đợt rét đậm, rét hại, nhóm dài ngày thường bị già sớm, phân hóa sớm, trổ sớm và năng suất sẽ thấp. Trong khi đó, các giống ngắn ngày, gieo cấy khi đã lập xuân, vì thế mùa đông dù có lạnh hay ấm cũng ít bị ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất.

Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, đối với các vùng, khu vực khó khăn về nước tưới, trồng lúa chi phí cao, kém hiệu quả thì có thể chuyển sang trồng các cây trồng cạn như ngô xuân với các giống ngô cao sản, ngô kháng sâu đục thân, đục bắp, kháng thuốc trừ cỏ; đậu tương xuân, khoai lang, khoai tây xuân làm giống, dưa bí và rau các loại...
Nhóm phóng viên