03:07 25/03/2017

Trồng sắn cao sản - hướng thoát nghèo cho bà con miền núi

Trước yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, diễn biến tình hình thời tiết khô hạn như hiện nay, việc đưa các loại giống cây trồng mới, năng suất cao vào sản xuất, nhằm tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo là rất cần thiết.

“ Năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh huyện Kon Rẫy đã triển khai đưa giống sắn ( mì) cao sản KM419 và KM140 vào sản xuất, qua 8 tháng đã cho thu hoạch. Giống mì mới phù hợp với điều kiện khí hậu địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng đi phù hợp trong công tác xóa đói giảm nghèo của huyện Kon Rẫy”, ông Huỳnh Minh Chương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy (Kon Tum) cho biết.

Năm 2016, chính quyền huyện Kon Rẫy đã hỗ trợ giống mì KM419, KM140 trên diện tích 231 ha, trong đó giống KM419 có 70 ha, giống KM140 có 161 ha cho trên 1.800 hộ nghèo trên địa bàn huyện.

Với địa hình chủ yếu là đồi núi, không đủ nguồn nước tưới, cây mì từ lâu đã là cây trồng chủ lực của địa phương. Giống mì cao sản mới này đã cho năng suất gấp hai giống mì cũ. Người dân tại địa phương rất phấn khởi, có hướng thay đổi và nhân rộng giống mì cao sản mới này để tăng thu nhập. Đây được xem như là một hướng thoát nghèo cho bà con vùng núi huyện Kon Rẫy.

Xã Đăk Ruồng là một trong những địa phương triển khai hiệu quả mô hình này với gần 300 hộ nghèo tham gia dự án trên tổng diện tích 140 ha, mức đầu tư trên 920 triệu đồng. Trong đó, Công ty Cổ phần nông sản Đông Dương và Công ty trách nhiệm hữu hạn tinh bột sắn Tây Nguyên – Đăk Hà hỗ trợ giống KM419 để trồng 70 ha, ngân sách huyện hỗ trợ giống KM140 để trồng 70 ha.

A Giới, thôn trưởng thôn 8, xã Đăk Ruồng cho biết giống mì cao sản KM140 được chính quyền hỗ trợ cho 58 hộ dân trong tổ. Gia đình anh là một trong những hộ trồng thử nghiệm năm đầu tiên.

Giống mì mới đã cho kết quả khả quan khi thời gian thu hoạch rút ngắn còn 8 tháng, bớt công làm cỏ và năng suất gấp đôi giống mì cũ. Vì được bón phân, đất cũng đỡ bạc màu. Vụ mùa tới, anh sẽ cùng bà con nhân rộng giống mì này tăng thêm thu nhập.

Qua thống kê tổng hợp của Phòng Nông nghiệp huyện Kon Rẫy, năng suất bình quân của giống mì mới đạt khoảng 30-35 tấn/ha, có hộ trồng năng suất 40-45 tấn/ha. So với năng suất giống mì KM94 đang trồng phổ biến ở huyện Kon Rẫy, năng suất giống mì mới tăng từ 12 – 15 tấn/ha. Từ đó, thu nhập trên một đơn vị diện tích của giống mì cao sản mới tăng gần gấp 2 lần so với giống mì cũ.

Ông Đinh Ngọc Hải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy (Kon Tum) cho biết: “Giống mì mới đã cho năng suất cao qua năm đầu trồng thử nghiệm, phù hợp với vùng đất đồi núi của địa phương, cho kết quả khả quan. Mì cây thấp, cho nhiều củ, mỗi gốc có từ 10-15 củ, rút ngắn thời gian thu hoạch. Bà con năm nay được mùa rất phấn khởi.”

Theo ông Huỳnh Minh Chương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Kon Rẫy (Kon Tum), trên cơ sở diện tích mì cao sản đã trồng năm 2016, huyện Kon Rẫy có kế hoạch nhân rộng diện tích mì cao sản lên 1.100 ha trong năm 2017, phấn đấu đến năm 2020 đưa diện tích mì cao sản chiếm khoảng 70-80% diện tích mì trên địa bàn huyện.

Đồng thời, huyện sẽ triển khai các mô hình trồng thâm canh cây mì nhằm nâng cao hơn nữa năng suất cây trồng, cải tạo đất, tạo điều kiện cho bà con học hỏi, tiếp cận với khoa học kỹ thuật và phương thức canh tác mới.

Hồng Điệp (TTXVN)