02:23 24/02/2016

Trồng sả hiệu quả trên đất nhiễm mặn

Những năm gần đây, nông dân vùng đất nhiễm mặn cù lao Tân Phú Đông (Tiền Giang) mạnh dạn tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phá thế độc canh cây lúa thông qua việc đưa sả - một cây màu có giá trị kinh tế xuống trồng trên chân ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đổi đời từ cây sả

Trước đây, các xã ở cù lao Tân Phú Đông mỗi năm có 6 tháng nhiễm mặn, hạn hán gây thiếu nước tưới trầm trọng nên bà con chỉ trồng được 1 vụ lúa/năm, năng suất chỉ đạt 30 - 40 tạ/ha, những tháng mùa khô phải bỏ hoang. Chỉ từ khi phát triển diện tích sả trên vùng đất nhiễm mặn ven biển, thường xuyên phải đối mặt với hạn hán và thiên tai, nông dân huyện Tân Phú Đông đã tìm được lối ra hợp lý cho sản xuất bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu. Nhiều nông hộ từ chỗ đời sống thiếu trước hụt sau đã sớm khắc phục được khó khăn, kinh tế ngày một ổn định và khấm khá hơn.

Những ngày này, ai về lại vùng đất cù lao Tân Phú Đông sẽ nghe bà con nơi đây bàn tán xôn xao về cây sả - cây đã làm đổi đời nhiều nông dân cơ cực trên vùng đất khó. Hiện tại ở huyện Tân Phú Đông, sả được trồng khắp nơi, trước sân nhà, ngay cạnh lối đi, trên gò cao, trong vườn dừa, lề đường giao thông nông thôn… Và sả được nhiều nhất là ở các xã Phú Thạnh, Phú Đông, Tân Phú...

Trồng sả mang đến cuộc sống ấm no cho nhân dân huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang).

Người nông dân đi tiên phong trồng sả đầu tiên trên đất nhiễm mặn, là ông nông dân Trương Văn Hùng ở ấp Bà Lắm, xã Phú Thạnh. Ông Hùng cho biết: “Vùng đất Tân Phú Đông nói chung, xã Phú Thạnh nói riêng được xem là một trong những nơi chịu ảnh hưởng thời tiết nặng nề nhất tại Tiền Giang. Mỗi năm, tại đây có 6 tháng nước bị nhiễm mặn không thể canh tác, chưa kể tình trạng hạn hán và thiếu nước sản xuất. Do vậy, canh tác lúa ở khu vực này thường kém hiệu quả”. Trước thực tế này, ông Hùng suy nghĩ phải thay đổi tư duy kinh tế, đưa các cây trồng phù hợp khác thay cho cây lúa. Sả là cây màu chủ lực ông hướng tới bởi có nhiều ưu điểm: ngắn ngày, năng suất cao, dễ trồng, chịu được hạn hán và điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Đầu ra của loại cây trồng này cũng thuận lợi bởi vừa là cây màu thực phẩm vừa là cây dược liệu.

Năm 2013, ông Trương Văn Hùng chuyển đổi sản xuất từ lúa sang trồng sả, với diện tích 2,5 ha và trồng tổng cộng 50.000 bụi sả. Sả trồng sau 4 tháng cho thu hoạch với trọng lượng bình quân 1,2 kg/bụi. Với diện tích sả trên, ông thu hoạch sản lượng 60 tấn củ, giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, thu 240 triệu đồng. Trừ chi phí, ông Hùng lãi 150 triệu đồng.

“So với trồng lúa, thu nhập từ cây sả cao gấp 3 lần lại không lo hạn mặn xâm hại hoặc thiên tai làm mất mùa”, ông Hùng chia sẻ. Chỉ sau ba năm gắn bó với cây trồng mới trên đất nhiễm mặn cù lao Tân Phú Đông, gia đình ông Hùng đã có của ăn của để, tạo dựng cơ nghiệp vững vàng. Ngoài ra, mô hình trồng sả giúp giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nghèo tại địa phương có thể kiếm được thu nhập từ việc lặt sả thuê. Bình quân, mỗi tháng nếu siêng năng thì người lặt sả cũng kiếm khoảng 2 triệu đồng, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.

Ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông, cho biết từ cây màu bình thường ít được chú ý, thông qua những nông dân nhạy bén như ông Trương Văn Hùng, sả đã trở thành cây làm giàu cho miền đất mặn. Hầu hết những hộ trồng sả ở Tân Phú Đông đều thành công, có thu nhập khá. Hiện diện tích sả tại Tân Phú Đông đã mở rộng lên trên 800 ha, tăng hơn 200 ha so với cùng kỳ năm trước, trở thành địa phương có vùng chuyên canh sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang mang lại nguồn lợi kinh tế quan trọng.

Chuyển đổi thành công cho vùng đất mặn

Tại vùng chuyên canh sả Tân Phú Đông ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân sản xuất giỏi như: Ông Phạm Minh Hùng ngụ ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh có 1,1 ha đất trồng sả chuyên canh năm qua đạt sản lượng trên 37 tấn, bán với giá bình quân 3.000 đồng/kg, trừ chi phí còn lãi 70 triệu đồng. Cũng ở ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh có ông Nguyễn Văn Hùng trồng 1,6 ha sả, năm 2014 đạt sản lượng gần 50 tấn, bán thu trên 170 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn trăm triệu đồng. Đây là hai trong số hàng chục “triệu phú cây sả” trên miền đất mặn Tân Phú Đông.

Điều đáng nói là những mô hình làm giàu từ cây sả nói trên đã đặt nền tảng để huyện Tân Phú Đông tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp với những mô hình và cây con phù hợp, hiệu quả, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng mà địa phương luôn phải đối mặt hàng ngày, hàng giờ. “Trước mắt, Tân Phú Đông xác định cây trồng chủ lực giai đoạn 2015 - 2020 là sả, mãng cầu xiêm, dừa, lúa năng suất cao”, ông Nguyễn Văn Hải cho biết.

Từ thực tế sản xuất hiệu quả của bà con, cây sả đang trở thành cây trồng chủ lực của các xã ven biển Tân Phú Đông, gồm Phú Đông, Phú Tân, Phú Thạnh… Tiềm năng lớn lao này đang được nông dân phát huy để làm giàu cho kinh tế hộ cũng như góp phần đổi mới nông nghiệp, nông thôn. Hiện nay, với sản lượng sả thương phẩm trên 20.000 tấn/năm, Tân Phú Đông là nơi cung cấp lượng sả lớn nhất tỉnh Tiền Giang, chủ yếu phục vụ thị trường TP Hồ Chí Minh.

Trong tương lai, huyện Tân Phú Đông đang có hướng phát triển diện tích trồng sả lên khoảng 1.000 ha. Để hướng đến phát triển cây sả ổn định, bền vững, ngành chức năng của huyện sẽ tăng cường hỗ trợ khoa học - kỹ thuật cho bà con nông dân. Đồng thời hiện đang kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhà máy chế biến ra các sản phẩm từ cây sả, chế biến phân hữu cơ từ lá sả... Trước mắt đã có doanh nghiệp đến vùng đất này để đầu tư xây dựng cơ sở chiết xuất tinh dầu sả.
Anh Đức - Minh Trí