06:00 29/06/2019

Trồng rừng tạo thêm sinh cảnh cho đàn voi tự nhiên

Trong các ngày 25 và 28/6, Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia phối hợp với Công ty Intel Products Việt Nam, Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai đã trồng 20.000 m2 rừng nghèo, với hơn 1.000 cây, thuộc 5 loài gỗ quý và cây làm thức ăn cho voi rừng, như: huỷnh, mít nài, chôm chôm rừng, xoài rừng, sấu.

Chú thích ảnh
Các tình nguyện viên trồng rừng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai. 

Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai nằm trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Lâm Ðồng, Bình Phước, Bình Dương và Đắk Nông, với tổng diện tích 966.563 ha; có 80% diện tích bảo tồn nằm dưới sự quản lý của UBND tỉnh Đồng Nai.

Đây là nơi sinh sống của một trong những quần thể voi rừng cuối cùng tại Việt Nam. Hiện, cả nước chỉ còn không quá 50 cá thể voi hoang dã ngoài thiên nhiên, trong đó, một quần thể voi khoảng 11 - 14 con đang sinh sống tại Đồng Nai.

Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai cho biết, từ năm 2010 đến nay, có 7 con voi hoang dã đã chết tại Đồng Nai. Nhiều năm trở lại đây, do sinh cảnh sống bị thu hẹp, nguồn thức ăn thiếu, đàn voi hoang dã tại Đồng Nai thường xuyên kéo ra nương rẫy của người dân, phá hoại hoa màu, cây ăn trái. Mới đây, Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai đã xây dựng và đưa vào vận hành hàng rào điện chiều dài 50 km để ngăn voi vào rẫy người dân.

Theo Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia, chương trình trồng và giám sát rừng tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Đồng Nai sẽ được liên tục theo dõi, giám sát và chăm sóc trong 4 năm, để đảm bảo cây rừng phát triển tốt. Người trồng rừng sẽ cùng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, giám sát khu rừng như: lập danh sách các loài động thực vật, đo độ che phủ rừng, đo chiều  cao cây, chụp ảnh giám sát rừng…

Bà Đỗ Thị Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Gaia chia sẻ, diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, chất lượng rừng suy giảm, khiến nhiều loài động vật bị mất nơi sinh sống, đồng thời suy giảm chức năng sinh thái bảo vệ cuộc sống của rừng. Chương trình trồng và giám sát rừng này sẽ góp phần tạo ra khu rừng giàu loài, có giá trị sinh thái cao.

Tin, ảnh: Sỹ Tuyên (TTXVN)