10:23 10/10/2014

'Trồng người' tại Australia - Kỳ cuối: Sự bền vững có thể

Được tiếng là có nền giáo dục hiện đại, Australia vẫn đổi mới giáo dục thường xuyên, điều chỉnh kịp thời những bất cập nảy sinh.

Được tiếng là có nền giáo dục hiện đại, Australia vẫn đổi mới giáo dục thường xuyên, điều chỉnh kịp thời những bất cập nảy sinh.

Vinh danh học sinh, sinh viên quốc tế - biện pháp khuyến khích giáo dục của Australia.


Về cơ bản, Australia có một chương trình kiểm tra toàn quốc được tiến hành đối với các năm học nhất định, trong đó đánh giá tương đối chính xác khả năng của học sinh trong lớp, lớp trong trường, khả năng đào tạo của trường so với các trường trong bang và trên cả nước.

Trên cơ sở đó, khi sắp tốt nghiệp trung học, học sinh Australia sẽ tham gia hai kỳ thi để tốt nghiệp và vào đại học: Một là kỳ thi thử tốt nghiệp, được tính 50% điểm xét vào đại học và sẽ do các trường tự ra đề trình Bộ Giáo dục thông qua, học sinh ở trường khó (chất lượng đào tạo tốt hơn) sẽ được cộng điểm. Và hai là kỳ thi chung, được tính 50% điểm. Australia khuyến khích học sinh theo đuổi các môn năng khiếu, như chơi thể thao, chơi nhạc... nhằm tăng kỹ năng giao tiếp xã hội, hay đi cắm trại (như kiểu tập quân sự ở Việt Nam) để rèn luyện kỹ năng sống và đó cũng là những yếu tố để cộng điểm.

Tại Australia, ngành giáo dục rất chú trọng cải cách từ gốc, theo đó yếu tố con người được đặt lên hàng đầu. Cũng có những ý kiến về mặt tổ chức, rằng phải giảm quy mô lớp học, giảm số học sinh và tăng số giáo viên, song kế hoạch quốc gia về nâng cao chất lượng giáo dục của Australia là nâng cao trình độ giáo viên, sau đó đến chương trình giảng dạy và kế đến là sự tự chủ.

Kế hoạch quốc gia của Australia về nâng cao chất lượng giáo dục quy định những học sinh muốn trở thành giáo viên sẽ phải đạt kết quả tốt ở bậc trung học nếu muốn học các trường đại học sư phạm. Sinh viên đang theo học ngành giáo dục sẽ phải trải qua các kỳ sát hạch và điểm số các môn văn và toán phải nằm trong “top 30%” thì mới có thể tốt nghiệp.

Các giáo viên dự giảng sẽ phải trải qua tiến trình đào tạo khắt khe hơn ở trường đại học và phải chứng tỏ được sự yêu nghề. Để được tham gia khóa đào tạo giáo viên giảng dạy, các đối tượng này phải trải qua các cuộc phỏng vấn, kiểm tra kỹ năng đánh giá và làm bài luận. Kết quả học tập ở trường trung học cũng được tính đến. Giới chức giáo dục Australia cho rằng trong khi điểm số của năm học lớp 12 là rất quan trọng, cũng cần phải tính đến các yếu tố khác khi đánh giá một giáo viên tiềm năng, đó là sự yêu nghề, sự tận tâm, nhiệt huyết cống hiến, trí thông minh, khả năng hoạt động xã hội...

Người Australia đánh giá lợi ích lớn nhất của giáo dục là “trồng người”. Giáo dục giúp con người có thể tự chủ, linh hoạt trong công việc, nhanh thích nghi, chấp nhận thử thách, ham học hỏi, giỏi một nghề, biết nhiều nghề, có thể cạnh tranh... Giáo dục không phải là giúp học sinh vượt qua các kỳ thi, mà là trang bị cho họ kỹ năng để sống và làm việc hiệu quả.

Bậc trung, lão niên, đặc biệt là đối tượng di dân, ở Australia đang rất phấn khởi với chương trình hỗ trợ giáo dục của chính phủ, theo đó, họ có thể tham gia một khóa học thực tế phục vụ công việc hiện nay hoặc trang bị kiến thức để có thể kiếm được việc làm như ý. Để khuyến khích những người trong độ tuổi từ 27-77 tích cực tham gia các khóa học (6 tháng/khóa), Chính phủ Australia tặng miễn phí một máy tính xách tay và máy tính bảng cho các học viên.

Chính phủ Australia xác định đây là những đối tượng trong lực lượng lao động, cần phải làm việc, và gia đình có vững mạnh, đất nước mới cường thịnh.

Giáo dục luôn là quốc sách của mọi quốc gia, chỉ khác nhau ở mô hình và hiệu quả triển khai thực tế. Với Australia, sự bền vững có thể bắt đầu từ trường học, vì vậy hệ thống giáo dục ở Australia luôn được đầu tư, đổi mới và tiếp thu, chỉnh sửa cho phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Trong quá trình nâng tầm giá trị ấy, Australia còn khai thác thế mạnh của nền giáo dục nước nhà, biến nó trở thành ngành dịch vụ có thu, ở góc độ nhất định, và đó chính là một trong những điều làm nên đẳng cấp giáo dục bền vững ở Xứ sở Chuột túi.


Bài và ảnh: Đỗ Vân