02:10 18/02/2017

Trồng nghệ đen - hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tìm ra được loại cây phù hợp với đồng đất địa phương và đem lại hiệu quả kinh tế cao đang là bài toán đặt ra với nhiều người dân xã Yên Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình.

Từ những trăn trở đó, ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn đã xây dựng và phát triển thành công mô hình trồng nghệ đen đem lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới cho người nông dân trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.


Sinh ra, lớn lên tại xã miền núi Yên Sơn, thành phố Tam Điệp và trên cương vị là Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Lê Ngọc Trinh luôn suy nghĩ, tìm tòi hướng đi cho người nông dân khi nhiều diện tích vườn tạp, vườn cây ăn quả kém hiệu quả bị bỏ hoang gây lãng phí lớn, cần được chuyển đổi sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Chịu khó suy nghĩ, mày mò tìm hiểu thông tin trên Internet và tìm đến những mô hình đã thành công trên thực tế ở Hưng Yên, ông Trinh đã quyết định lựa chọn cây nghệ đen để đưa vào sản xuất tại địa phương.

Ông Lê Ngọc Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Yên Sơn, kiểm tra chất lượng nghệ đen. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Ông Trinh chia sẻ: "Sau khi tìm hiểu thông tin và trực tiếp đến tham quan các mô hình trồng nghệ đen ở nhiều tỉnh tôi nhận thấy nghệ đen là là loại cây thuốc có giá trị, lại phù hợp với đồng đất địa phương. Nghệ đen cũng là loại cây dễ chăm sóc, ít sâu bệnh nên không phải sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, tránh được ô nhiễm môi trường".


Bên cạnh đó, điều khiến ông Trinh quyết tâm đưa nghệ đen về với vùng đất Yên Sơn chính là thị trường đầu ra của sản phẩm rất ổn định. "Nghệ đen là loại cây dược liệu được dùng rất nhiều để làm thuốc và trong chế biến thực phẩm, do đó lựa chọn cây trồng này cũng yên tâm hơn về thị trường tiêu thụ”, ông Trinh cho biết.


Năm 2014, ông Trinh bắt tay vào trồng nghệ đen trên 1 mẫu vườn tạp trồng cây ăn quả kém hiệu quả của gia đình. Năm đầu tiên mặc dù còn nhiều bỡ ngỡ, kinh nghiệm chưa có song kết quả thu về khiến ông Trinh rất bất ngờ và vui mừng. Vụ thu hoạch đầu tiên, vườn nghệ của ông cho rất nhiều củ, củ nhiều bột và chất lượng tốt.


Ông Trinh quyết tâm tiếp tục phát triển mô hình khi 1 sào nghệ đen cho thu nhập gần bằng 1 mẫu lúa. Rút kinh nghiệm và tiếp tục đầu tư phát triển, sang năm 2015, ngoài diện tích của gia đình, ông còn vận động một số hộ nông dân tham gia vào mô hình trồng nghệ đen của ông nâng tổng số diện tích trồng nghệ đen lên 3 ha. Vụ thu hoạch thứ 2 cho kết quả bất ngờ. Trên diện tích 360m2, người nông dân thu hoạch được từ 1-1,5 tấn nghệ, đầu ra được bao tiêu với giá ổn định 9.000 đồng/kg.


Từ thành công của mô hình với thu nhập khoảng 12 - 15 triệu đồng/sào, năm 2016 địa phương đã có 67 hộ gia đình tham gia mô hình nâng tổng diện tích trồng nghệ đen lên 21 ha. Trong đó, ngoài những hộ tham gia mô hình trên địa bàn thành phố Tam Điệp như Yên Sơn, Đông Sơn, đã có rất nhiều hộ nông dân ở các xã khác như Sơn Hà, Quỳnh Lưu, Phú Long, Phú Lộc của huyện Nho Quan cũng xin tham gia.


Ông Trinh phấn khởi cho biết: “Cây nghệ được trồng từ tháng 2- 3 dương lịch và sau 9 tháng cho thu hoạch. Để cây nghệ sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao cần trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật. Ưu điểm nổi trội của loại cây trồng này là có đặc tính miễn dịch hoàn toàn đối với mọi loại sâu bệnh, nên suốt trong quá trình sinh trưởng, tuyệt đối không phải sử dụng bất cứ loại hóa chất bảo vệ thực vật nào. Nghệ đen cho thu hoạch 1 năm 1 lần và sản phẩm có thể bảo quản 5-7 tháng không bị hỏng. Sản phẩm đầu ra được Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mạnh Hải Bắc Ninh (trụ sở tại tỉnh Bắc Ninh) đến tận nơi thu mua để sản xuất tinh bột dùng làm thuốc chữa bệnh và dùng trong chế biến thức ăn”.


Tham gia mô hình người dân rất phấn khởi vì đầu vào được ông Lê Ngọc Trinh giúp đỡ hỗ trợ về nguồn giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Ông Phạm Văn Sỹ, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, một trong những thành viên tham gia mô hình cho biết năm 2016 gia đình ông trồng 2 ha nghệ đen cho thu hoạch 24 tấn/1 ha thu về hơn 400 triệu đồng, trừ 50% chi phí ông còn thu lãi hơn 200 triệu đồng.


Theo ông Sỹ, nghệ đen cho hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều lần so với trồng lúa hay các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó, nghệ đen cũng phù hợp với chất đất ở địa phương, chi phí cho chăm sóc không cao, ít sâu bệnh thuận lợi cho người trồng. Đầu ra được bao tiêu 100% khiến người dân yên tâm sản xuất.
“Hiện nay vườn nghệ của gia đình tôi đang phát triển tốt do được thực hiện đúng quy trình, từ khâu làm đất đến chọn và xử lý giống, trồng, chăm sóc cũng như theo dõi tình hình sinh trưởng. Cây nghệ sau khi thu hoạch chỉ việc cắt bỏ phần rễ rồi đóng bao và cân bán. Chúng tôi thực sự rất yên tâm và vui mừng”, ông Sỹ hào hứng cho biết.


Năm 2017, tổng diện tích trồng nghệ đen của mô hình đã tăng lên 25 ha, mở rộng thêm 4 ha ở xã Khánh Trung, huyện Yên Khánh; trong đó có thí điểm trồng 4 ha nghệ đỏ và 3 ha nghệ cà rốt. Ông Trinh cho biết nghệ đỏ và nghệ cà rốt đang là sản phẩm được ưu chuộng và giá thành cao hơn so với nghệ đen nên ông dự định đến năm 2018 sẽ chuyển đổi 80% diện tích sang trồng 2 loại nghệ mới. Trong năm 2017 ông cũng lên kế hoạch sẽ thành lập Tổ hợp tác để thuận tiện hơn cho các thành viên tham gia trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.


Bà Tạ Thị Thế, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Tam Điệp cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện mô hình cho thấy cây nghệ đen rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở Tam Điệp và một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh. “Cây nghệ đen có giá trị hàng hóa ngày càng cao đang góp phần làm thay đổi tư duy, phương thức sản xuất và làm giàu cho nhiều hộ dân ở Tam Điệp. Thời gian tới Hội Nông dân thành phố sẽ vận động để mở rộng mô hình”, bà Thế khẳng định.


Trồng nghệ đen là một trong những mô hình kinh tế mới ở nhiều xã miền núi của thành phố Tam Điệp. Thành công của mô hình đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích canh tác, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế địa phương.

Thùy Dung (TTXVN)