03:19 24/03/2021

Trong năm đại dịch, số người Mỹ chết vì súng vẫn cao nhất 20 năm

Dù các vụ xả súng không được nhắc tới nhiều trong năm đại dịch 2020, nhưng số người Mỹ chết vì bạo lực súng đạn năm này vẫn cao nhất trong 20 năm.

Chú thích ảnh
Người dân được sơ tán khỏi siêu thị ở Boulder, Colorado sau khi xảy ra xả súng. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Washington Post, năm 2020, bạo lực súng đạn đã giết chết gần 20.000 người Mỹ, nhiều hơn số liệu của các năm trong ít nhất 20 năm qua. Ngoài ra, 24.000 người khác chết vì tự tử bằng súng.
Phần lớn bị kịch xảy ra mà không gây chú ý trên toàn quốc vì nó diễn ra ở nhà hoặc trên đường phố, ảnh hưởng tới người da màu là chủ yếu.

Vụ xả súng tại các tiệm spa ở Atlanta và vụ xả súng tại siêu thị ở Boulder, Colorado đã giết chết tổng cộng 18 người, khiến Mỹ lại nối lại nỗ lực cải tổ luật súng đạn.

Tuy nhiên, các vụ xả súng hàng loạt gây chấn động như vậy thường khiến người ta không chú ý mấy tới bạo lực súng đạn hàng ngày. Chính những vụ hàng ngày này mới khiến nhiều người chết nhất.

Ông Mark Barden, đồng sáng lập tổ chức ngăn chặn bạo lực súng đạn Sandy Hook Promise, nói: “Có nhiều cộng đồng khắp nước Mỹ đang đối mặt với bạo lực súng đạn hàng ngày. Họ không được ủng hộ, không nhận được sự chú ý của toàn quốc. Mọi người không hiểu rằng bạo lực súng đạn liên tục xảy ra và đang gia tăng”.

Số người chết vì bị bắn năm 2020 cao hơn số người bị bắn năm 2017 tới 3.600. Năm 2017 xếp sau năm 2020 về số người chết vì súng đạn. Con số gia tăng này cũng giống với các xu hướng đáng báo động khác: Năm 2020, Mỹ có nhiều vụ giết người trong một năm nhất kể từ khi thống kê số liệu này. Số vụ giết người ở các thành phố lớn nhất Mỹ tăng tới 30%. Thương tích do súng cũng tăng mạnh, lên gần 40.000 người, tăng 8.000 người so với năm 2017.

Chú thích ảnh
Cảnh sát được triển khai tại hiện trường vụ xả súng ở siêu thị King Soopers, thành phố Boulder, cách Denver, thủ phủ bang Colorado (Mỹ) khoảng 50 km về phía Tây Bắc. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Ông Ronnie Dunn, giáo sư nghiên cứu thành thị tại Đại học Bang Cleveland, cho biết: “Trên 100 người Mỹ chết hàng ngày do bạo lực súng đạn. Phần lớn là người da đen và da nâu. Chúng ta thực sự không quan tâm tới bạo lực súng đạn cho tới khi có xả súng hàng loạt, nhưng đó là vấn đề đang diễn ra, kinh niên, ảnh hưởng tới phần lớn xã hội”.

Các nhà nghiên cứu cho biết đại dịch có thể đã làm gia tăng bạo lực súng đạn theo một số cách. Đại dịch ngăn cản nỗ lực chống tội phạm và người xả súng thường gặp căng thẳng và thất nghiệp cùng lúc khi trường học và các chương trình cộng đồng đóng cửa. Ngoài ra, niềm tin của người dân vào lực lượng thực thi pháp luật cũng sụp đổ sau vụ cảnh sát giết người da màu ở Minneapolis.

COVID-19 và các cuộc biểu tình chống cảnh sát cũng dẫn tới doanh thu bán súng gia tăng. Năm 2020, người Mỹ mua 23 triệu khẩu súng, tăng 64% so với năm 2019.

Một nghiên cứu mới đây gọi bạo lực súng đạn là khủng hoảng y tế công cộng hình thành trong nhiều thập kỷ. Phân tích số liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho thấy nam giới da đen từ 15 đến 34 tuổi gây ra 37% vụ giết người bằng súng, dù họ chỉ chiếm 2% dân số Mỹ. Tỷ lệ này cao hơn 20 lần so với nam giới da trắng cùng nhóm tuổi.

Trong tổng số vụ giết người bằng súng năm 2019, trên một nửa nạn nhân là đàn ông da đen. 63% nạn nhân nam giới là người da đen.

Nạn nhân súng đạn cũng có nhiều người trẻ. Năm 2020, gần 300 trẻ em bị bắn và thiệt mạng, tăng 50% so với năm trước.  

Chú thích ảnh
Cảnh sát được triển khai tới hiện trường vụ xả súng ở siêu thị King Soopers tại Boulder, Colorado, Mỹ, ngày 22/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trên 5.100 trẻ em và thiếu niên dưới 17 tuổi bị giết hoặc bị thương năm 2020, cao hơn 1.000 so với các năm kể từ năm 2014.

Con số này đặt biệt gây choáng váng vì nó diễn ra trong năm mà phần lớn trẻ em không tới trường và tránh được các vụ xả súng hàng loạt tại trường học. Chuyên gia cho rằng tình trạng trẻ em chết vì súng đạn nhiều trong dịch COVID-19 cho thấy mức độ nghiêm trọng của tự tử và bạo lực gia đình.

Trung tâm Sandy Hook Promise nhận số cuộc gọi nhiều kỷ lục từ người trẻ định tự tử hoặc chứng kiến bạo lực. Với nhiều học sinh Mỹ, nhà không phải là nơi an toàn nhất.

Mặc dù số vụ xả súng hàng loạt giảm năm 2020 nhưng có một số vụ đã xảy ra trước hai vụ ở Atlanta và Boulder. Từ tháng 3/2020, có 22 người chết trong 5 vụ xả súng. 

Tính trung bình, trong năm 2020, cứ 73 ngày thì có một vụ xả súng hàng loạt. Trong khi đó, trong năm 2019, cứ 36 ngày thì có một vụ. Trong năm 2017 và 2018, cứ 45 ngày thì có một vụ.

Bạo lực súng đạn nói chung gia tăng cho dù số vụ xả súng hàng loạt giảm cho thấy thực tế là các vụ xả súng chấn động thường chiếm tỷ lệ tương đối nhỏ về người chết.

Điều này cho thấy cần chú ý hơn tới nạn nhân và người sống sót sau bạo lực súng đạn khắp nước Mỹ. Họ sẽ chịu chấn thương vào vết sẹo suốt đời. Tổn hại là không thể đo đếm.

Thùy Dương/Báo Tin tức